(GLO)- Sau 11 năm thành lập, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Thiện đã có nhiều nỗ lực trong việc khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho hơn 80.000 người dân trên địa bàn, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Khắc phục khó khăn
Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện hiện quản lý 1 bệnh viện quy mô 65 giường bệnh và 1 ban y tế dự phòng cùng 10 trạm y tế xã, thị trấn. Toàn ngành có 123 cán bộ và nhân viên, trong đó có 22 bác sĩ.
Hướng dẫn cho bệnh nhân tận tình, chu đáo. Ảnh: Đ.P |
Những năm qua, ngành Y tế huyện được đầu tư về cơ sở vật chất, trang-thiết bị, nhân lực để phục vụ công tác khám-chữa bệnh. Đến nay, hệ dự phòng về cơ bản đáp ứng nhu cầu phòng-chống bệnh tật, triển khai có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tuy nhiên, hệ điều trị mới chỉ đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh ban đầu, giải quyết tốt các bệnh thông thường, các bệnh nội-nhi-nhiễm. Hiện nay, Bệnh viện còn thiếu các bác sĩ chuyên khoa sâu về tai-mũi-họng, răng-hàm-mặt, mắt. Ngoài ra, do thiếu dược sĩ đại học nên ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến khâu quản lý dược, bình xét đơn thuốc, hội chẩn… “Tồn tại lớn nhất là thiếu bác sĩ gây mê-hồi sức nên chưa triển khai được phòng mổ. Vì vậy, Bệnh viện vẫn chỉ dừng lại ở các tiểu phẫu, còn các phẫu thuật về xương, mổ đẻ, ruột thừa… thì phải chuyển lên tuyến trên”-bác sĩ Phạm Chí Quang-Giám đốc TTYT huyện, cho hay.
Điều quan trọng là Bệnh viện Đa khoa huyện thiếu hẳn Ngoại khoa làm “xương sống”, tạo dựng uy tín và danh tiếng cho cơ sở điều trị. Vì vậy, công tác khám-chữa bệnh cho người dân vẫn còn hạn chế. “Nhu cầu khám-chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao mà nhân lực thì thiếu, chưa đảm bảo được công tác chăm sóc và điều trị cho người bệnh, đặc biệt là nhân lực phục vụ các tua trực”-bác sĩ Quang bày tỏ.
Quản trị tốt bệnh viện
Trong điều kiện khó khăn về trang-thiết bị và nhân lực, Ban Giám đốc TTYT huyện Phú Thiện xác định, làm tốt công tác quản trị bệnh viện là khâu đột phá hướng tới chi tiêu hợp lý để đảm bảo tự chủ về tài chính và từng bước nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, cải thiện tinh thần, thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Đầu năm 2016, TTYT huyện Phú Thiện đã nghiên cứu và áp dụng mô hình “5S” (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng) vào công việc hàng ngày tại Bệnh viện Đa khoa huyện nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, đồng thời tạo thói quen cho nhân viên y tế làm việc thuận tiện, hiệu quả hơn. Bệnh viện chọn Phòng Khám-Hồi sức cấp cứu để thí điểm áp dụng công cụ “5S” trong cải tiến chất lượng khám-chữa bệnh. Dựa trên những nguyên tắc đó, Phòng khám tiến hành xem xét, đánh giá thực trạng hoạt động hàng ngày của nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị người bệnh; xây dựng đề án cải tiến môi trường làm việc và phát động chương trình hàng tuần tổng vệ sinh, kiểm tra sàng lọc vật dụng, vật tư y tế, lập danh mục đề xuất vật tư, thiết bị phục vụ theo kế hoạch; sắp xếp, bố trí lại các y cụ, vật tư y tế gọn gàng, sạch sẽ, khoa học, dễ dàng sử dụng và có đánh giá định kỳ việc thực hiện “5S” của nhân viên y tế.
Bác sĩ Huỳnh Thị Ngọc Diệp-Trưởng phòng Khám-Hồi sức cấp cứu, cho hay: “Trước khi tiến hành áp dụng mô hình “5S”, chúng tôi chụp ảnh không gian bố trí các vật dụng trong phòng và sau khi thực hiện xong công đoạn “sắp xếp” sẽ chụp hình lại để thấy việc bố trí các vật dụng đã khoa học, hiệu quả hơn chưa. Chỉ sau nửa năm triển khai, toàn bộ 20 cán bộ, nhân viên y tế trong Phòng Khám-Hồi sức cấp cứu đã có thể áp dụng mô hình “5S” một cách suôn sẻ và mang lại nhiều hiệu quả trong công việc thường ngày”.
Từ kết quả thực hiện mô hình “5S” của Phòng Khám-Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Thiện tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các khoa, phòng khác. Đến nay, thực hành“5S” đã trở thành thói quen của nhân viên Bệnh viện Đa khoa huyện. Mô hình giúp ngăn chặn, hạn chế nhầm lẫn, sai sót do thiếu tập trung như trước đây; tránh lãng phí vật tư y tế; kiểm soát sự cố tốt hơn, đảm bảo an toàn cho người bệnh, tăng sự hài lòng của người bệnh; nhân viên y tế thì dễ thích nghi, hài lòng với nơi làm việc của mình.
Bác sĩ Phạm Chí Quang cho hay, áp dụng mô hình “5S”, Bệnh viện đã rút ngắn thời gian trong việc tìm thuốc, vật tư y tế tiêu hao; đảm bảo an toàn cho người bệnh; giảm lãng phí do thuốc, vật tư y tế quá hạn, tồn kho, giúp tăng hiệu quả kinh tế; giảm tải công việc cho nhân viên, tăng hiệu suất công việc; tạo môi trường và thói quen làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, khoa học cho nhân viên y tế. Người bệnh nhìn vào tác phong làm việc khoa học, sạch sẽ, ngăn nắp của nhân viên y tế sẽ thấy yên tâm, tin tưởng hơn. Cùng với đó, quy trình khám-chữa bệnh từ khâu tiếp đón bệnh nhân tại bàn hướng dẫn đến khâu bốc số, gọi tên tự động, thăm khám, hướng dẫn bệnh nhân đi làm xét nghiệm, nhập viện và ra viện đều được minh bạch, rõ ràng.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Khuyến (tổ 2, thị trấn Phú Thiện) đang điều trị bệnh đau nhức xương khớp cho hay: Nhờ Bệnh viện trồng thêm nhiều cây xanh nên giảm bớt cảm giác oi bức ngột ngạt của khí hậu vùng thung lũng vào mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, tất cả các lối đi, khúc cua dọc hành lang đều bố trí bảng biển chỉ dẫn nên người bệnh biết được mình đang đứng ở đâu và đi theo hướng nào là đến vị trí cần tìm nhanh nhất, không phải mất thời gian tìm kiếm như trước.
Đức Phương