Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Hữu dư niết bàn - Truyện ngắn của​ Phạm Thị Hải Dương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trúc Lâm cách nguồn nước uống gần nhất hai mươi phút thiền hành. Từ ngôi chùa nhỏ này, băng qua cầu Khao là đến chân núi Chấu. Mạn bên phải núi có một dòng suối nhỏ chảy ngược về cánh rừng sau lưng chùa. Rừng tên Svastika, tên rừng do sư ông đặt.
 

 
 MINH HỌA: VĂN NGUYỄN
MINH HỌA: VĂN NGUYỄN



Lơ Mai cố tập trung ghi nhớ chuỗi thông tin mà người hướng dẫn vừa giới thiệu. Con đường xe chạy cắt qua cánh rừng neem. Nắng xiên qua lá biến các tán cây rộng thành những chiếc ô lớn với vô số lỗ thủng. Thỉnh thoảng xe giảm tốc, Lơ Mai nhìn thấy những chùm quả nhỏ thò ra khỏi nách lá. Nắng chiếu vào lớp vỏ mọng của loại quả kia như rọi thẳng vào mặt kính, phản chiếu vào hai đồng tử làm Lơ Mai váng vất. Lơ Mai khép mắt lại, cô có thể nghe được độ giòn của diệp lục bị thiêu đốt. Một chiếc lá vừa va đập với thành xe, nó đang vỡ ra, nát rúm.

- Svastika... Svastika.. Svastika... Svastika...

Chuỗi âm bằng cao vút kiên trì chạy qua đầu Lơ Mai như một đàn cá nối nhau đang cố sức bơi ngược dòng. Có tiếng người xì xầm, chừng ba phút nữa là tới. Lơ Mai sửa người thẳng thớm trên ghế rồi lại nhìn ra ngoài. Khác với người vừa lên tiếng, cô không nhận thấy bất cứ sự khác biệt về khung cảnh so với nửa tiếng trước, khi xe rẽ vào con đường này.

- Thưa đại chúng, xe đã đến chân núi Chấu.

Người trên xe lục tục đứng dậy, Lơ Mai chọc một chỗ giữa hàng rồi bước theo về phía cửa. Đoàn xếp thành hai hàng dọc, chuẩn bị đi bộ qua cầu Khao.

***

Chừng năm sải tay nữa là tam quan, mái cong hiện ra trên nền trời trong mây trắng. Tốp phật tử địa phương vừa tới, bước về sau hàng tăng bảo. Đoàn tới cổng, một sư thầy đang chỉnh lại lá y lần nữa rồi bước lên trước. Nhà sư chắp hai tay thành hình búp sen, đầu cúi nhẹ chào đoàn người. Người hướng dẫn bước lên, cũng chắp tay, giọng khiêm cung hướng về chư tăng, nói đôi lời tác bạch. Hai bên đổi trao chút ít trước khi đoàn tiến về hậu đường.

Lơ Mai được xếp vào một phòng cùng ba người nữ khác, phòng có bốn chiếc giường đơn giản dị. Tường sơn màu vàng nhạt, trên tường treo ảnh các đoàn phật tử lưu niệm cùng chư tăng Trúc Lâm, phía trên những bức ảnh, một dòng thư pháp chạy ngang, trên đó viết: “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” (*). Lơ Mai đặt túi đãi xuống cuối giường, tranh thủ rửa tay chân, uống một ly nước mát rồi bước ra ngoài đi dạo.

Trúc Lâm được xây dựng theo cấu trúc mặt bằng chữ Công, từ tam quan vào sẽ bắt gặp nhà bái đường, qua hết nhà bái đường thì đến chính điện, sau lưng chính điện là nhà tăng đường, hai bên chính điện là hai nhà hành lang. Mặt trước Trúc Lâm nhìn ra cầu Khao - đây là phần cúng dường của những phật tử thuần thành. Nếu không có cây cầu này thì chùa sẽ chịu cảnh hiu quạnh. Đường chính từ huyện lộ H.K về Trúc Lâm bị ngáng bởi một hẻm núi, đoàn đi nhiều người phải vòng xe qua rừng neem về núi Chấu. Từ chân núi, người xuống đi bộ qua cầu là tới được chùa.

Lơ Mai dừng lại trước một bức tượng Phật nằm, theo dòng suy nghĩ, cô đã ra tới ngoài sân. Cô bước đến trước tôn tượng, thành tâm chắp tay xá chào mà không nghĩ ngợi gì. Chiều xuống ở Trúc Lâm khá mát mẻ dù giữa ngày trời nóng như hắt lửa vào người. Dòng suối bên hông chùa và rừng neem đã làm tốt vai trò điều hòa không khí. Lơ Mai tiến về nhà hành lang bên trái, nơi cô muốn thăm nhất trong chuyến hành hương này.

Nhà hành lang trái là nơi ở của các em bé không cha mẹ mà Trúc Lâm cưu mang. Lơ Mai bước đến gần phòng đầu tiên. Trong mỗi ngăn giường nhỏ là một đứa bé đang say ngủ, có đứa bẻ ngược chân tay ra sau, làm thân mình thành hình chữ “C” ngồ ngộ, đứa khác nằm sấp, đầu ngoẹo một bên, miệng mở ra làm nước dãi chảy ướt miếng lót. Dải hoàng hôn trườn qua khe cửa đang vắt chéo mặt nó làm nết ngủ thêm hiền lành. Lơ Mai chăm chú ngắm nó mà không biết có người bước vào. Thấy bóng lưng khách lạ, người tới lên tiếng:

- Mô Phật, đạo hữu là người của đoàn Z. mới tới phải không?

Lơ Mai quay người lại, người đến mặc áo lam, trên tay đang cầm miếng tã giấy, một bình sữa và một cái khăn xô ướt. Lơ Mai nở một nụ cười, chắp tay trước ngực:

- Thưa... em ở trong đoàn Z. Không biết em nên xưng hô sao với chị?
Người ấy để các món đồ trên tay xuống chiếc bàn vuông được kê giữa hai chiếc giường, ngước lên nhìn Lơ Mai. Biết cô chưa quen xưng hô trong chúng, người này ra chiều cảm thông.

- Pháp danh của tôi là Vân Thê, cô chưa quy y đúng không?

Quy y, ý phật tử này chắc là quy Tam bảo. Lơ Mai từng nghe, cô đến chùa vài lần nhưng chưa nghĩ nhiều về tam quy, ngũ giới.

- Dạ, em chưa thấy mình đủ duyên... - Lơ Mai ngập ngừng.

Oe! Oe! Oe! Tiếng trẻ con khóc vang lên từ ngăn giường cuối phòng, vị phật tử Vân Thê phản xạ nhanh, quay người về phía tiếng khóc rồi với lấy bình sữa và chiếc khăn xô. Cô bước nhanh về phía đứa trẻ. Lơ Mai quên mình đang dang dở câu nói, bồn chồn bước theo, chân cô hơi run. Cô Vân Thê ẵm đứa bé lên, đút bình sữa vào khuôn miệng nhỏ nhắn đang ré lên vì đói. Tiếng nút sữa ừng ực càng nổi rõ hơn trên nền tịch tĩnh của nhà chùa. Đứa bé bú no, thiêm thiếp ngủ. Vân Thê nhẹ nhàng rút bình ra khỏi miệng nó rồi nhỏ giọng với Lơ Mai:

- Cô thử bồng cháu đi, mấy đứa ở đây đứa nào cũng dễ chịu, ai bồng cũng được hết.

Lơ Mai chìa đôi tay mảnh khảnh đón lấy em bé. Lưng, chân của nó đang tiếp xúc với cánh tay, đầu của nó dựa vào bắp tay Lơ Mai. Sự sống đang phập phồng trên ngực nó.

Lơ Mai nhớ tới Lơ Hiên. Lơ Mai nghĩ về những điều Lơ Hiên nói với mình trước chuyến đi. Lơ Mai đã có mặt ở đây cho Lơ Hiên sao? Nào đâu phải! Cô đang hiện diện cho em bé này, dù trong ngắn ngủi vài ngày. Hay cô đang có mặt cho Vân Thê, để trợ duyên vị phật tử này hoàn thành Phật sự. Lơ Mai cúi xuống nhìn đứa trẻ đang chập chờn ngủ trên tay cô. Phải chi đứa nhỏ này được sinh ra từ bụng Lơ Hiên thì tốt biết mấy. Nó sẽ là con của Lơ Hiên. Nó sẽ gọi Lơ Mai là dì chứ không phải là một sinh linh không rõ cội nguồn.

***


Tiếng chuông đầu ngày đã điểm, mọi người rục rịch trở dậy. Lơ Mai có một giấc ngủ ngon vừa phải. Hơi thở của đứa nhỏ. Sự phó thác của Lơ Hiên. Nhiều chuyến đi dài tiếp sau. Lơ Mai thấy đủ trong mơ, chúng rất mềm, như một dải tơ mỏng và dặt dìu như tiếng hát lao xao vọng lại từ cánh rừng sau nhà tăng đường.

Bữa thọ trai diễn ra sau thời công phu sáng. Trước khi ăn, thầy trụ trì nói, quý phật tử nên ngưng nói chuyện để tập trung vào bữa cơm. Ăn và biết mình đang ăn cũng như khi thở vào thì biết rằng mình đang thở vào, thở ra biết mình đang thở ra. Lơ Mai thấy hiệu quả khi thực tập lời thầy, cô ăn đủ và vừa miệng.

Như lịch trình, quý chư tăng và đoàn người có mặt trước phòng phía đông để đảnh lễ sư ông. Kế đó, đoàn lên chính điện, tham gia pháp thoại với thầy trụ trì. Buổi sinh hoạt kéo dài hai tiếng, thầy trụ trì nói chuyện với đại chúng về chủ đề nụ cười vi tiếu. Một số thắc mắc được gửi lên cho vị giảng sư, người hoan hỉ giải đáp từng câu một.

Ba giờ ba mươi phút chiều, pháp thoại kết thúc, đoàn Z. được tự do dạo quanh chùa. Trước khi đại chúng đứng dậy, thầy trụ trì lưu ý các thành viên trong đoàn nên đi thành nhóm, ít nhất hai người. Ra khỏi chính điện, Lơ Mai nhìn bốn phía tìm người đi cùng, cô thấy một người đàn ông vừa ra khỏi tam quan và đang rẽ trái. Người này pháp danh Liễu Đạt, là hướng dẫn viên của đoàn.

Lơ Mai bước theo Liễu Đạt, người đàn ông cảm nhận có người phía sau nên đi chậm lại. Một lát sau, Lơ Mai đã đuổi kịp người hướng dẫn. Hai bên đều biết đối phương thuộc đoàn mình nên không thăm hỏi gì vội, cứ vậy mà đi. Chừng một đoạn, Liễu Đạt với tay qua đầu, hái một chiếc lá gần nhất rồi đưa ra phía trước:

- Cô Lơ Mai có biết tại sao quanh chùa trồng cây neem không?

Lơ Mai hơi ngạc nhiên, ông biết tên cô. Những người dẫn đoàn thường có khả năng ghi nhớ rất tốt nhưng Lơ Mai không nghĩ Liễu Đạt lại gọi cô tự nhiên như vậy. Cô chần chừ một chút rồi trả lời:

- Thưa không. Trước khi tới đây tôi còn chưa biết loại cây này.

Liễu Đạt không bất ngờ với câu trả lời, mặt ông không đổi sắc. Nhìn thứ trên tay, ông nói:

- Neem là giống giỏi chịu hạn, lá và quả có nhiều công dụng hay. Chùa mướn đất xung quanh trồng neem, mai kia có cái lo cho tương lai cho đám nhỏ.

Thì ra là vậy. Lơ Mai nhìn tay người đàn ông mới quen, nhìn lại đoạn đường cô vừa đi qua. Ở đây ngày thứ hai, Lơ Mai đã quen với mặt cây, giờ nghe Liễu Đạt nói về lợi ích của nó, cô càng thiện cảm. Lơ Mai nghĩ đến lúc các thầy thu hoạch lá già hay những quả chín thì tụi nhỏ thơm sữa trong kia chắc đã biết lật hoặc biết bò. Rồi mùa mới tới, lá non nhú ra mang hy vọng một vụ bội thu. Lớp này hết lại đến lớp khác, theo quy luật mà hiện diện rồi suy tàn. Ôi! Còn gì hạnh phúc hơn được sống bình thường như một cây neem! Ôi Lơ Hiên, bao giờ em mới được làm một người phụ nữ đúng nghĩa?

Liễu Đạt dường như không để ý tới suy nghĩ của người bên cạnh, ông tiếp tục đi. Tới gần cuối đường, người hướng dẫn bước chậm lại, Lơ Mai bắt đầu nghe có hơi nước bay trong không khí. Đầu con suối, ai đó cắm một tấm bảng nhỏ bằng gỗ, trên bảng viết: Suối Sujata.

Lơ Mai thử hít thật sâu, cô cảm thấy bụi và nắng đã hòa tan phần lớn những tinh thể nước li ti có trong không khí. Cô nhìn dòng nước hẹp sắp cạn trơ đáy, Liễu Đạt lội xuống đó, cúi thấp người, vớt chiếc lá vàng nổi lều bều trên mặt nước bỏ lên bờ đá. Lơ Mai nhích lại gần mép nước rồi bất giác, cô hỏi:

- Tôi không hiểu tên suối, và khu rừng kia nữa? - Lơ Mai đánh mặt về phía vạt xanh sau lưng chùa.

Liễu Đạt giũ nhẹ hai tay, vài giọt nước rớt xuống, ông đứng thẳng lên, nói rành mạch:

- Trước khi trở thành vị thầy tỉnh thức, sa môn Gotama đã gặp hai người quan trọng. Sujata là cô gái đã dâng sa môn chén sữa cứu mạng khi Gotama từ bỏ lối tu khổ hạnh. Còn tên cánh rừng neem, sư ông lấy tên cậu bé Svastika để đặt. Cậu ấy là người cúng dường nắm cỏ kusa cho sa môn làm tọa cụ ngồi dưới cội bồ đề, trước ngày người thành đạo.

Liễu Đạt ngưng lại một chút như để lấy hơi, ông đổi giọng trịnh trọng:

- Dưới cái nhìn Phật giáo, sa môn Gotama, hay thái tử Siddhatta, sau này là giáo chủ cõi Ta bà, tức Đức Bổn sư Thích - ca Mâu - ni Phật.

Lơ Mai cảm thấy ngỡ ngàng như con bướm vừa thoát thai khỏi kén.

- Vậy không phải suối Sujata đại diện cho chén sữa cứu mạng, còn cánh rừng kia là bó cỏ kusa hay sao?

- Lơ Mai không giấu nổi sự ngạc nhiên lẫn mừng rỡ.

Một nụ cười mãn nguyện nở trên mặt viên hướng dẫn. Nụ cười như muốn nói: Lơ Mai ơi, cô hiểu ra rồi đó!

Lơ Mai thở hắt ra, cô nhớ lại lúc vào đảnh lễ sư ông, người ngồi trên xe lăn, toàn thân phủ một màu nâu, trông ông cụ điềm đạm như đất. Người không cử động được gì nhiều, hình ảnh duy nhất không đúng với số tuổi một trăm chính là đôi mắt. Nhìn vào mắt vị hòa thượng, Lơ Mai thấy sự trong xanh ngời sáng vẫn chưa rời bỏ người. Cô ngộ ra toàn bộ tuệ giác của sư ông không nằm trong mắt, nó đang lấp lánh quanh đây, trong từng giọt nước, trên từng gân lá.

Lơ Mai như thoát khỏi mê cung, cô vừa lau sạch lớp bụi trăm năm phủ lên một sự thật vốn dĩ. Có người sinh ra để nuôi dưỡng đạo lành như Svastika hay Sujata, số khác có mặt để lỗi lầm của người khác không trầm trọng hơn, như cô Vân Thê ngày qua ngày săn sóc đám trẻ. Số khác nữa - Lơ Mai nhìn người đàn ông ở gần cô nhất lúc này - là chiếc cầu Khao nối thế giới bên ngoài với ngôi già lam, xóa bỏ sự biệt lập và giới hạn, tạo sự bình đẳng trong ngoài. Mọi vật có mặt đều do duyên, kể cả những chuyện chẳng thuận lòng.

Sự đau khổ của Lơ Hiên cũng không phải vô duyên tự sinh, nhận ra điểm này, Lơ Mai cảm thấy dòng suối mát kia đang chảy qua kẽ chân mình, dù cô vẫn đang đứng trên bờ.

Nguồn gốc đã rõ, nhưng giải pháp ở đâu? Lơ Mai đến đây để xin cứu khổ - cô nhìn Liễu Đạt - cô tự hỏi mình cần một vị thần có quyền năng ban phước, giáng họa hay cô đang tha thiết tìm một con đường. Cô chưa thấy lối đi nhưng không phải người dẫn đường đang ở đây sao. Lơ Mai dợm người tới, bỏ qua tất cả bí mật và tế nhị, giọng hơn cả van nài, cô hỏi:

- Em gái tôi bảy năm rồi không có con, tôi nên làm gì để giúp em ấy? Xin ông...

Trên tay Liễu Đạt là chiếc lá úa cuối cùng. Nãy giờ, trong lúc Lơ Mai đi từ đáp án này sang đáp án khác thì người dẫn đoàn lại cúi mình xuống như cũ, chú tâm làm sạch dòng suối. Nghe Lơ Mai nức nở, Liễu Đạt ngừng lại, ông nhìn ngũ quan trên gương mặt người phụ nữ, lúc này đều bị xô lệch khỏi vị trí vốn có. Liễu Đạt thở vào một hơi sâu, ông hỏi:

- Cô còn nhớ lời thầy trụ trì trước lúc thọ trai không?

- Tôi nhớ, nhưng... thì sao... chuyện đó... lời thầy nói có liên quan sao ông? - Lơ Mai lắp bắp.

- Còn bức thư pháp treo trong phòng nghỉ, cô có đọc chứ?

- Bốn chữ ấy... trên đó viết... “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”. Xin ông... xin ông... hãy giúp gia đình tôi!

Lơ Mai tức tưởi. Cô gục xuống, nước mắt chảy ra thành hàng. Lúc này, cô như con nai nhỏ một mình giữa rừng tăm tối.

Có lẽ Lơ Mai đã khóc rất lâu. Khi người dẫn đoàn bước lại gần, cô vẫn chưa hết nghẹn ngào. Liễu Đạt đặt một tay lên vai cô, muốn truyền cho cô sức mạnh:

- Lơ Mai, hãy sống hết mình trong hiện tại. Giống như khi cô ăn cơm, hãy nhớ rằng mình đang ăn mà đừng làm hay nghĩ gì khác. Tiếp tục chạy chữa, tiếp tục cầu nguyện cho em gái cô đi, khoan hỏi kết quả, cũng đừng đặt câu hỏi nào trong suốt quá trình ấy. Đừng neo tâm cô vào đâu hết, Lơ Mai...

Lơ Mai giật mình tỉnh lại. Bên ngoài, những hạt sương lười biếng chưa chịu cựa mình. Rừng neem trong ngày mới vẫn còn say giấc. Chỉ ít phút nữa thôi, huyện lộ H.K sẽ hiện ra trong ánh bình minh. Bên tai Lơ Mai vẫn còn văng vẳng tiếng nói của người hướng dẫn bên dòng Sujata cạn đáy. Cuối cùng thì cô đã tìm được nẻo sáng. Trên hành trình dài phía trước, Lơ Mai không còn mù mịt nữa...

--------
(*) "Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm" là câu kinh trong quyển kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật rất nổi tiếng được giới học Phật trích dẫn nhiều.

 

Theo Phạm Thị Hải Dương (TNO)

Có thể bạn quan tâm