(GLO)- Nhằm chuẩn bị cho vụ Đông Xuân 2017-2018, huyện Đak Đoa đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp và sửa chữa hệ thống thủy lợi. Đồng thời, có kế hoạch tưới tiết kiệm nhằm bảo đảm nguồn nước sản xuất cho nông dân.
Những ngày này, dân làng Bok Rer và Đê Gôn xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa đang hăng hái cùng với chính quyền xã tập trung gia cố lại đập Đak Pơ Dôk. Mỗi người một việc, dân trong làng ra sức nạo vết mương, vận chuyển xi măng để bê tông hóa con đập này. Đập Đak Pơ Dôk dài 1,6 km cung cấp nước tưới cho 25 ha ruộng của 3 làng trong xã đã bị sạt lở do trận bão vừa rồi gây nên nay được huyện Đak Đoa đầu tư gia cố lại khiến dân làng ai nấy đều vui mừng.
Đập Đak Pơ Dôk, xã Đak Sơ Mei cung cấp nước tưới cho 25 ha ruộng của 3 làng trong xã. Ảnh: Ngọc Thu |
Ông Nhây (làng Đê Gôn, xã Đak Sơ Mei) vui mừng, nói: “Đập Đak Pơ Dôk được chính quyền đầu tư gia cố lại phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân nên chúng tôi rất vui, quyết tâm chung sức với chính quyền địa phương cùng làm cho con đập mau chóng hoàn thành”.
Với tổng kinh phí trên 360 triệu đồng được trích từ ngân sách huyện cộng thêm sức dân hỗ trợ trong công tác nạo vét kênh mương, vận chuyện vật liệu... nên đập Đak Pơ Dôk dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12, phục vụ nước tưới cho bà con trong làng.
Ông Nguyễn Cao Thuần-Phó Chủ tịch xã Đak Sơ Mei cho biết: “Trước mỗi vụ sản xuất, chính quyền xã cùng nhân dân tiến hành khơi thông các dòng chảy, nạo vét kênh mương… để đảm bảo có đủ nguồn nước tưới. Nhìn chung các công trình trung thủy lợi trên địa bàn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp cho bà con”.
Vụ Đông Xuân 2017-2018, huyện Đak Đoa có tổng diện tích gieo trồng là 2.552 ha. Toàn huyện có 60 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, trong đó có 30 công trình trên kênh được xây kiên cố, 15 công trình là hồ chứa nước và đập tràn, 15 công trình tạm bằng rọ đá. Trong năm, huyện đã đầu tư 8 công trình thủy lợi với tổng kinh phí gần 5,2 tỷ đồng. Để chủ động nguồn nước tưới cũng như phòng chống và khắc phục hạn, huyện Đak Đoa đã sớm có phương án như giao các phòng các phòng ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành thống kê, rà soát đánh giá hiện trạng nguồn nước ở các công trình thủy lợi trên địa bàn, dự báo những khu vực có khả năng xảy ra hạn hán cục bộ vào giữa và cuối vụ ở một số xã và xây dựng phương án phòng chống, khắc phục hạn trong vụ Đông Xuân. Đồng thời, để bảo đảm nguồn nước phục vụ cho sản xuất, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tập trung tích nước vào hồ chứa, sử dụng nước tiết kiệm, có kế hoạch giữ nước hiệu quả tại các công trình thủy lợi trên địa bàn. Thực hiện kiểm tra lại chất lượng các công trình thủy lợi, hướng dẫn nhân dân sửa chữa, nạo vét kênh mương, tích trữ nước ngay từ đầu vụ trong các công trình thủy lợi ao, hồ… đảm bảo việc cung cấp nước tưới đầy đủ, kịp thời cho các loại cây trồng.
Các giải pháp chống hạn cũng được huyện Đak Đoa tích cực triển khai như tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng trên diện tích bị hạn sang cây trồng ngắn ngày khác có nhu cầu nước tưới ít hơn mang lại hiệu quả kinh tế. Thông báo lịch phân phối, sử dụng nước cho từng xã, từng vùng, từng cây trồng, thực hiện tưới nước tiết kiệm. Vận động nhân dân dùng máy bơm để tưới đối với diện tích bị hạn nằm trong vùng các công trình thủy lợi có hồ chứa, tranh thủ tối đa nguồn nước và thực hiện gieo cấy đúng thời vụ.
Ông Phạm Cường-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, cho biết: Hiện tại, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đều có mực nước dự trữ cao hơn so với cùng kỳ vụ Đông Xuân 2016-2017. Tuy nhiên, để tránh thiệt hại chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất lúa trên những diện tích lúa chủ động được nguồn nước, không mở rộng trên những diện tích thường xuyên bị hạn vào cuối vụ tại một số cánh đồng như Glar, Ia Băng, Ia Pết, A Dơk... Đồng thời, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để kịp thời lập phương án tích nước hồ chứa phù hợp đảm bảo đạt dung tích tối đa vào vụ sản xuất Đông Xuân.
Ngọc Thu