Kinh tế

Nông nghiệp

Ia Boòng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, xã Ia Boòng (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã tranh thủ các nguồn lực để phát triển ngành nông nghiệp làm chỗ dựa cho công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Ông Phạm Ngọc Toàn-Bí thư Đảng ủy xã Ia Boòng-cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 13-12-2016 của Huyện ủy về đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, Đảng ủy xã đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị tập trung vận động, hướng dẫn các hộ dân chăm sóc tốt cây trồng; chú trọng điều tiết nguồn nước tưới để tránh bị hạn hán cục bộ gây ảnh hưởng năng suất. Đồng thời, ổn định diện tích các loại cây trồng hiện có, chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả. Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, toàn xã tái canh được 45 ha cà phê, một số diện tích đã cho thu hoạch đạt năng suất gần 5 tấn nhân/ha.
Đặc biệt, vụ Đông Xuân 2020-2021, xã đã hướng dẫn bà con gieo sạ 31 ha lúa nước sớm 1 tháng để tránh bị hạn. Nhờ đó, năng suất đạt 4,3 tấn/ha (tăng 0,5 tấn/ha so với trước). Bước sang vụ mùa, xã vận động người dân không bỏ trống đất mà tham gia nạo vét kênh mương, cải tạo đồng ruộng để thực hiện mô hình “Cánh đồng lúa kiểu mẫu” do huyện hỗ trợ kinh phí, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tập huấn kỹ thuật. Ông Kpui Nhoaih (làng Iắt) cho hay: “Nhờ được cán bộ hướng dẫn, nhiều hộ đã biết tận dụng lợi thế về đất đai để sản xuất thêm lúa vụ mùa. Hiện cây lúa đang phát triển tốt, hy vọng cho năng suất cao”.
Nhiều hộ ở xã Ia Boòng chọn chăn nuôi dê để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Nhật Hào
Nhiều hộ ở xã Ia Boòng chọn chăn nuôi dê để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Nhật Hào
Bên cạnh đó, Đảng ủy xã Ia Boòng cũng đề ra nhiều giải pháp giúp người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi nhằm cải thiện thu nhập. Ông Rơ Châm Dung-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho hay: “Sau khi có sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, Hội đã khảo sát các hộ dân cùng nhóm sở thích chăn nuôi để thành lập 4 tổ hội nghề nghiệp gồm: chăn nuôi dê, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi bò và chăn nuôi heo. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, xã được UBND huyện bố trí 300 triệu đồng thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. Từ nguồn vốn này, nhiều hội viên vay đầu tư chăn nuôi để nâng cao thu nhập”. Ông Siu Lim (làng Sơr) bày tỏ: “Tháng 4-2020, sau khi tham gia Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê, tôi được vay 20 triệu đồng đầu tư mở rộng chuồng trại và mua thêm dê về nuôi. Đến nay, đàn dê đã phát triển lên 19 con. Mới đây, tôi đã bán 4 con được 15 triệu đồng để mua phân bón cho cây cà phê”.
Trao đổi với P.V, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Ngọc Toàn cho biết thêm: Toàn xã có 1.394 ha cây công nghiệp dài ngày, 148 ha cây lương thực, 228 ha cây tinh bột có củ, 188 ha cây thực phẩm; đàn gia súc 2.609 con, đàn gia cầm 5.895 con. Những năm qua, nhiều hộ cũng đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, toàn xã chỉ còn 103 hộ nghèo (chiếm 6,49%) và 145 hộ cận nghèo. “Đảng ủy xã đang tiếp tục chỉ đạo vận động người dân tái canh cà phê và hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho các loại cây trồng, vật nuôi nhằm tăng hiệu quả sản xuất để nâng cao thu nhập; đồng thời, đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, đặc biệt là xây dựng làng nông thôn mới”-Bí thư Đảng ủy xã thông tin.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm