Kinh tế

Nông nghiệp

Ia Grai đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã có nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn. Sự hình thành và phát triển của các hợp tác xã, tổ hợp tác đã giúp người dân được hưởng lợi, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Những điển hình kinh tế tập thể
Trong giai đoạn 2016-2021, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp xã Ia Tô tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai các gói dịch vụ, hỗ trợ thành viên về kỹ thuật mới trong trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả, cập nhật thông tin thị trường tiêu thụ. Ông Phạm Quốc Trưởng-Chủ nhiệm HTX, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cây ăn quả thôn 6-cho biết: “Tổ hợp tác đã tổ chức 21 buổi tập huấn, hội nghị chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 850 lượt hội viên nông dân; phối hợp triển khai xây dựng 2 mô hình kinh tế tập thể; xây dựng thương hiệu chôm chôm Ia Tô và cùng Hội Nông dân xã đưa các sản phẩm trái cây Ia Tô tham gia 5 hội chợ triển lãm thương mại trong tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp của bà con được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị”.
Việc tham gia Chương trình OCOP cũng đang tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp, tạo các liên kết chuỗi sản xuất-tiêu thụ nông sản bền vững và khuyến khích sự tham gia của người dân tộc thiểu số. Điển hình như HTX mật ong Phương Di (xã Ia Dêr) được thành lập năm 2019, hiện có 300 thành viên. Hợp tác xã đã xây dựng được 11 tổ hợp tác với sự tham gia của các hộ dân tộc thiểu số vùng biên giới liên kết sản xuất và tiêu thụ hạt điều. Sau nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng, sản phẩm mật ong và hạt điều thương hiệu Phương Di đã có chỗ đứng vững vàng trên thị trường.
Các thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp và dịch vụ xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) đóng gói sản phẩm gạo Asanh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Đức Thụy
Các thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp và dịch vụ xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) đóng gói sản phẩm gạo Asanh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Đức Thụy
Tương tự, Tổ hợp tác nông nghiệp và dịch vụ xã Ia Dêr có 42 thành viên, tập trung sản xuất gạo đặc sản mang thương hiệu Asanh. Ông Puih Blí-Chủ tịch UBND xã Ia Dêr-cho hay: “Trước đây, người dân canh tác các giống lúa thuần, năng suất đạt khoảng hơn 4 tạ/sào, giá bán 5-6 ngàn đồng/kg. Sau này, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình trồng lúa chất lượng cao với năng suất đạt khoảng 6 tạ/sào. Lúa được Tổ hợp tác thu mua với giá 8 ngàn đồng/kg để chế biến, xây dựng thương hiệu gạo Asanh. Giá loại gạo này dao động 15-20 ngàn đồng/kg. Tổ hợp tác đã tích cực tuyên truyền người dân tham gia sản xuất lúa chất lượng cao J02. Đến nay, gần 100 hộ đã tham gia liên kết sản xuất lúa, được tổ hợp tác bao tiêu sản phẩm”.
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-thông tin: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 20 HTX với 1.843 thành viên, tổng vốn đăng ký gần 97 tỷ đồng. Trong số này có 14 HTX nông nghiệp và dịch vụ với 2.165 thành viên. Ngoài ra, toàn huyện có 7 nông hội, 10 tổ hợp tác, 28 tổ hội nghề nghiệp. Khi tham gia các hình thức kinh tế tập thể nói trên, nông dân được hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật để sản phẩm có chất lượng tốt, năng suất cao; được vay vốn đầu tư sản xuất, bước đầu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. “Việc tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện đã mang lại kết quả cả về năng suất, chất lượng nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”-Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá.
Quỹ tín dụng nhân dân Thị trấn Ia Kha phát huy vai trò hỗ trợ sản xuất cho bà con xã viên. Ảnh: Thanh Nhật
Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai) phát huy vai trò hỗ trợ sản xuất cho người dân. Ảnh: Thanh Nhật
Dù vậy, việc phát triển kinh tế tập thể ở Ia Grai cũng đang gặp một số khó khăn, hạn chế. Bà Huỳnh Ngô Tùng Điệp-Phó Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện-cho biết: “Việc phát triển kinh tế tập thể tại huyện vẫn còn nhiều mặt khó khăn, hạn chế, nhất là về quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động, năng lực sản xuất kinh doanh... Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Nguồn lực của địa phương hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể tuy được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trình độ năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành chưa theo kịp sự năng động của nền kinh tế thị trường và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”.
Đề cập về giải pháp phát triển kinh tế tập thể của địa phương thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục có các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị huyện và cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, xây dựng mô hình HTX kiểu mới phù hợp với thực tiễn. Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, kết nạp thành viên mới, tăng vốn góp của các thành viên HTX và tổ hợp tác, từng bước mở rộng quy mô hoạt động. Đồng thời, tạo sự liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp; xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết ngành hàng mà địa phương có lợi thế. Cùng với đó, xây dựng và phát triển các mô hình HTX với chuỗi giá trị nông sản an toàn, hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng đề án, chính sách bố trí cán bộ chuyên trách quản lý HTX tại cấp huyện, đồng thời phân công cán bộ kiêm nhiệm phụ trách tại cấp xã về phát triển kinh tế tập thể. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý kinh tế tập thể cho cán bộ quản lý HTX các cấp”.
THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm