(GLO)- Từ Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) các cấp, Hội Nông dân huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình, dự án giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh để nâng cao thu nhập.
Năm 2019, một số hộ dân làng O Pếch (xã Ia Pếch) bắt đầu chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp sang thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm với diện tích 0,4 ha/hộ. Nhận thấy mô hình này cần ít vốn đầu tư, quay vòng vốn nhanh, lại cho thu nhập cao, Hội Nông dân xã vận động người dân mở rộng và thành lập tổ liên kết trồng dâu nuôi tằm với 15 tổ viên. Để hỗ trợ hội viên, năm 2020, từ nguồn vốn ủy thác 600 triệu đồng của Quỹ HTND Trung ương, Hội Nông dân huyện đã giải ngân cho 15 hộ vay vốn phát triển dự án trồng dâu nuôi tằm. Anh Trần Ngọc Minh-Tổ trưởng Tổ liên kết trồng dâu nuôi tằm-cho biết: Nhờ nguồn vốn của Nhà nước, người dân có điều kiện đầu tư mua giống, phân bón và dụng cụ cho tằm làm kén. Cây dâu rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây và chỉ 5-6 tháng là thu hoạch lá cho tằm ăn được. Các hộ dân thường sử giống tằm ăn ba, nuôi 15-18 ngày là được thu kén. Đến nay, tổ liên kết đã phát triển lên 53 thành viên, trồng hơn 40 ha dâu. Mô hình này rất phù hợp với những hộ ít đất sản xuất. “Nhà tôi trồng gần 1 ha dâu, mặt bằng nuôi tằm rộng khoảng 70 m2. Mỗi tháng, tôi nuôi 4 hộp tằm con, thu hoạch được 250 kg kén, bán với giá 175-180 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, tôi thu lợi nhuận gần 400 triệu đồng”-anh Minh chia sẻ.
Anh Trần Ngọc Minh-Tổ trưởng tổ liên kết Trồng dâu nuôi tằm xã Ia Pếch. Ảnh: Lê Nam |
Theo ông Nguyễn Công Vụ-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Pếch: Mô hình này đã tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn. Do đó, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân, nhất là các hộ dân tộc thiểu số mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Đến nay, Hội đã vận động được 35 hộ dân tộc thiểu số làng Ku Tong chuyển đổi khoảng 7 ha đất cà phê kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Đồng thời, định hướng các hộ thành lập nông hội để thuận lợi hơn trong việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, Ban Điều hành Quỹ HTND huyện Ia Grai đang quản lý 8 dự án sản xuất nông nghiệp với tổng số vốn hơn 1,9 tỷ đồng cho 70 hội viên vay. Cụ thể, từ nguồn vốn ủy thác Quỹ HTND Trung ương 440 triệu đồng cho 22 hộ vay thực hiện dự án trồng lúa tại xã Ia Dêr; nguồn vốn ủy thác Quỹ HTND tỉnh 600 triệu đồng cho 15 hộ vay thực hiện dự án trồng dâu nuôi tằm tại xã Ia Pếch; nguồn vốn Quỹ HTND huyện 800 triệu đồng cho 28 hộ vay triển khai các dự án trồng cây ăn quả (xã Ia Krai và thị trấn Ia Kha), chăn nuôi heo (xã Ia Hrung và Ia Grăng), nuôi cá lồng (xã Ia Khai); từ nguồn vốn Quỹ HTND cấp xã 100 triệu đồng cho 5 hộ vay triển khai dự án chăn nuôi heo tại xã Ia Dêr. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện giải ngân cho hơn 5.000 hộ hội viên vay hơn 247,9 tỷ đồng.
Người dân xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) tham gia mô hình sản xuất lúa J02. Ảnh: Lê Nam |
Trao đổi với P.V, ông Châu Tấn Lập-Chủ tịch Hội Nông dân huyện-cho biết: Trong năm 2022, các cơ sở Hội đã tổ chức 131 buổi sinh hoạt có lồng ghép nội dung tuyên truyền về Quỹ HTND với sự tham gia của 5.248 hội viên. Các dự án nông nghiệp được thực hiện từ nguồn vốn Quỹ HTND đều phát huy tốt hiệu quả, tạo động lực cho nông dân mở rộng quy mô sản xuất. Các nguồn vốn này góp phần hạn chế hoạt động của “tín dụng đen”, đồng thời, giúp người nông dân đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
“Thời gian đến, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của Quỹ HTND trong phát triển nông nghiệp; tham mưu cấp ủy, chính quyền quan tâm tạo điều kiện xuất ngân sách bổ sung nguồn quỹ HTND. Đồng thời, Hội vận động hội viên đoàn kết tương trợ, hợp tác giúp nhau trong sản xuất và sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, hoàn trả vốn và lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn”-Chủ tịch Hội Nông dân huyện thông tin thêm.
LÊ NAM