Kinh tế

Nông nghiệp

Ia Grai phát triển chăn nuôi gia trại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ phát triển mô hình chăn nuôi gia trại, nhiều hộ dân ở huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năm 2010, anh Phạm Thế Cân (tổ 2, thị trấn Ia Kha) đầu tư nuôi 2 con heo nái để tích lũy kinh nghiệm. Sau đó, nhận thấy việc chăn nuôi heo mang lại lợi nhuận ổn định nên anh Cân đã xây dựng chuồng trại để mở rộng quy mô chăn nuôi tập trung trên diện tích khoảng 2.000 m2. Trong đó, chuồng chăn nuôi được chia thành nhiều khu vực gồm: khu nuôi heo nái, khu nuôi heo con và khu nuôi heo thương phẩm.

Anh Cân cho biết: Anh chọn những heo con đẹp để gây nái, còn lại nuôi thương phẩm. Hiện đàn heo nái của gia đình anh có 25 con và heo thương phẩm 120-150 con/lứa. Bình quân mỗi con heo nái 2 năm đẻ được 5 lứa, mỗi lứa 8-12 con. Heo con nuôi được khoảng 1 tháng thì tách mẹ và nuôi thêm 4 tháng đạt trọng lượng 80-100 kg/con thì xuất bán. Mỗi năm, gia đình anh xuất bán 2 lứa với tổng trọng lượng 25-30 tấn heo hơi. Với giá bán hiện nay hơn 70 ngàn đồng/kg heo hơi, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình anh lãi hơn 500 triệu đồng/năm.

Mô hình chăn nuôi heo của gia đình anh Phạm Thế Cân (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai). Ảnh: Lê Nam
Mô hình chăn nuôi heo của gia đình anh Phạm Thế Cân (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai). Ảnh: Lê Nam


Huyện Ia Grai có tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 242.600 con. Trong đó, trên 400 con trâu, hơn 14.600 con bò, khoảng 26.200 con heo, hơn 1.400 con dê, gần 200.000 con gia cầm.

“Do chủ động được nguồn giống từ heo nái sinh sản nên mình không phải mua heo con giống ở bên ngoài. Đồng thời, ngoài thức ăn công nghiệp, mình còn sử dụng nguồn cám gạo, bắp, rau củ quả nên cũng giảm được chi phí đầu tư. Bình quân 2,2 kg thức ăn thì heo tăng trọng được 1 kg. Đặc biệt, khi nuôi phải vệ sinh chuồng trại thường xuyên, định kỳ phải phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và hạn chế người ra vào khu vực nuôi để phòng ngừa dịch bệnh”-anh Cân chia sẻ.

Cũng phát triển mô hình chăn nuôi gia trại, nhưng bà Đoàn Thị Thọ (thôn Tân An, xã Ia Sao) lại chọn chăn nuôi dê. Bà Thọ cho hay: Đầu năm 2017, bà vào tỉnh Đồng Nai mua 2 con dê đực và 50 con dê cái giống Boer với chi phí 130 triệu đồng. Khi mới nuôi do chưa nắm vững kỹ thuật nên dê phát triển kém. Vừa nuôi vừa học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, đến nay, đàn dê của gia đình bà đã phát triển lên 300 con.

“Trước kia, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào cây cà phê. Tuy nhiên, do thấy trồng cà phê vất vả, đầu tư nhiều mà thu nhập không cao nên tôi mạnh dạn chuyển qua nuôi dê. Giống dê lai Boer dễ ăn, dễ chăm sóc, tăng trọng nhanh, ít bị bệnh, hàm lượng thịt nhiều hơn dê cỏ và được thị trường ưa chuộng”-bà Thọ cho hay.

Cũng theo bà Thọ, khi nuôi dê phải chú ý chọn giống có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, chuồng nuôi phải được thiết kế theo kiểu nhà sàn để đảm bảo thoáng mát, khô ráo. Khu vực chuồng nuôi được bà Thọ chia ra thành 2 khu gồm: khu nuôi sinh sản và khu nuôi vỗ béo. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho dê, bà Thọ trồng hơn 0,5 ha cỏ và tận dụng thêm nguồn bắp, chuối.

“Hiện dê lai giống Boer phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây. Trung bình 2 năm dê cái sinh sản được 3 lứa (mỗi lứa 1-4 con). Khi dê con được khoảng 2 tháng tuổi thì tách mẹ và bắt đầu nuôi riêng. Sau 6-8 tháng là có thể đạt trọng lượng 30-35 kg. Mỗi tháng, gia đình tôi xuất bán 10-15 cặp dê với giá 115-120 ngàn đồng/kg dê hơi thương phẩm và 200 ngàn đồng/kg dê giống. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi 20-25 triệu đồng/tháng”-bà Thọ cho hay.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Giang-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai-cho biết: Trên địa bàn huyện có hơn 13.000 hội viên nông dân. Hàng năm, từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đã có khoảng 4.300 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong khi nhiều mặt hàng nông sản xuống giá thì việc nông dân chọn hướng phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia trại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Riêng đối với nuôi heo, sau ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi, giá heo hơi tăng cao đã giúp cho người chăn nuôi có thu nhập khá. Ngoài ra, nhiều nông dân áp dụng mô hình kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt để tận dụng nguồn phân chuồng bón cho cây trồng, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và ngược lại tận dụng nông sản làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

“Chăn nuôi gia trại đang là hướng đi mang lại hiệu quả và bền vững. Hàng năm, Hội Nông dân huyện đã tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để bà con có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều mô hình mới hiệu quả để giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu”-bà Giang cho biết thêm.

 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm