Xã hội

Đời sống

Ia Grai quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ nguồn kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn, làng khó khăn. Qua đó, chất lượng lao động nông thôn được nâng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thời gian gần đây, các lớp học về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… tại cơ sở đã thu hút đông đảo người dân tham gia nhờ đáp ứng đúng nhu cầu thực tế. Mỗi khóa học kéo dài 2-3 tháng và được tổ chức vào cuối tuần, buổi tối hay thời gian nông nhàn nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia.

Tháng 9-2022, sau khi tham gia lớp đào tạo kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, anh Puih Lố (làng Klăh 2, xã Ia Dêr) đã áp dụng kiến thức học được vào thực hành ngay trên 3 ha cà phê của gia đình. Qua thời gian cải tạo đất, bón phân đúng liều lượng theo từng giai đoạn cây sinh trưởng, cắt cành, tỉa nhánh đến phun thuốc, anh thấy vườn cà phê có chuyển biến rõ nét. Anh Lố cho biết: “Năng suất vườn cà phê năm nay chắc chắn đạt cao hơn năm ngoái. Từ những kiến thức đã học, tôi cũng hướng dẫn bà con trong làng làm theo”.

Anh Puih Lố-làng Klăh 2 (xã Ia Dêr) đã áp dụng kiến thức được học vào thực hành ngay trên 3 ha cà phê của gia đình. Ảnh: Minh Phương

Anh Puih Lố-làng Klăh 2 (xã Ia Dêr) đã áp dụng kiến thức được học vào thực hành ngay trên 3 ha cà phê của gia đình. Ảnh: Minh Phương

Theo ông Siu Hnit-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr: Thời gian qua, chính quyền xã luôn chú trọng đào tạo nghề cho người dân ở 12 làng dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong đó, xã đã đăng ký cho 23 học viên tham gia lớp đào tạo kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê; 23 học viên theo học lớp sửa chữa máy nổ, máy cắt cỏ; 33 học viên học lớp trồng rau an toàn.

“Sau khi tham gia các lớp học, người dân đã biết áp dụng kiến thức vào lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục khảo sát nhu cầu đào tạo nghề thực tế của người dân tại các thôn, làng; đồng thời phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở thêm các lớp với nhiều ngành nghề khác để bà con tham gia học tập, giúp phát triển kinh tế”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr khẳng định.

Tương tự, UBND xã Ia Bă cũng vừa phối hợp tổ chức lớp dạy nghề trồng lúa năng suất cao cho 32 học viên thuộc hộ nghèo, khó khăn ở làng Dun De. Qua hơn 2 tháng học nghề theo phương pháp “học đến đâu, thực hành đến đó”, người dân đã biết áp dụng thành thục kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa ngay tại ruộng của gia đình. Ngoài phần học lý thuyết, thực hành về toàn bộ quy trình sản xuất lúa từ làm đất đến gieo sạ, chăm sóc, bón phân, học viên còn được giới thiệu các giống lúa cho năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để đưa vào canh tác.

Nhận xét về hiệu quả khóa học, chị Rơ Chăm Phái (làng Dun De) phấn khởi cho biết: “Qua lớp học, tôi biết cách bón phân, phun thuốc đúng cách và các biện pháp phòng bệnh giúp cây lúa phát triển tốt hơn. Từ khi áp dụng phương pháp chăm sóc này, ruộng lúa của gia đình xanh tốt hơn. Tôi cũng sử dụng giống lúa mới năng suất cao vào sản xuất vụ này”.

Ông Puih H’Lao-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Bă-khẳng định: “Qua các lớp đào tạo nghề, người dân ít nhiều tiếp thu được kỹ thuật trồng lúa, rau an toàn đạt hiệu quả cao hơn. Khi nắm bắt được quy trình trồng và chăm sóc, cách bón phân, phun thuốc đúng liều lượng thì vừa giảm được chi phí, vừa tăng năng suất”.

Lớp học trồng rau an toàn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Ia Grai tổ chức. Ảnh: Minh Phương

Lớp học trồng rau an toàn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Ia Grai tổ chức. Ảnh: Minh Phương

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Quang Thuấn-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Ia Grai-thông tin: Sau mỗi khóa học, các học viên có thể tự vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn đời sống và sản xuất tại gia đình, địa phương. Năm 2022, đơn vị đã tổ chức 14 lớp đào tạo nghề cho 449 học viên. Năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện xây dựng kế hoạch tổ chức 18 lớp đào tạo nghề cho hơn 600 lao động nông thôn. Từ đó, người dân có cơ hội nâng cao tay nghề và thu nhập, giảm nghèo bền vững, đồng thời góp phần nâng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề của huyện từ 55% (năm 2022) lên 60% (năm 2023).

Qua khảo sát thực tế tại 11 xã, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Ia Grai đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch đào tạo nghề các nhóm ngành nghề cụ thể như: kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, trồng lúa năng suất cao, sản xuất rau an toàn, chăn nuôi, sửa chữa điện sinh hoạt, xây dựng, sửa chữa máy cày nhỏ.

“Chúng tôi sẽ tăng cường đi cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn; đồng thời theo dõi, nắm tình hình về nhu cầu đào tạo nghề của lao động nông thôn để đánh giá, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện; chủ động phối hợp với các xã, thị trấn và các phòng, ban chuyên môn của huyện để mở các lớp đào tạo nghề. Mục tiêu năm 2023 là phấn đấu 60% lao động nông thôn được đào tạo nghề, qua đó nâng cao thu nhập, nâng cao tỷ lệ giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện”-ông Thuấn nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm