Xã hội

Đời sống

Ia Grai tăng cường truyền thông về giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bên cạnh triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) còn đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về giảm nghèo bền vững.

Cứ vào sáng sớm ngày chủ nhật giữa tháng, ông Siu Joan-Trưởng thôn De Lung 1 (xã Ia Tô) lại chạy xe máy rong ruổi trên khắp các tuyến đường làng. Chiếc loa di động phía sau liên tục phát các bản tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo; hướng dẫn cách vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất…

“Ngoài tuyên truyền bằng xe loa và họp làng tập trung, đối với các hộ trong diện giúp đỡ thoát nghèo, chúng tôi thường xuyên đến nhà vận động, tuyên truyền để bà con có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo chứ không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Làng hiện còn 20 hộ nghèo và dự kiến cuối năm nay sẽ có 5 hộ thoát nghèo”-ông Joan nói.

Bà Rơ Mah Đik (giữa, làng De Lung 1, xã Ia Tô) phấn đấu thoát nghèo vào cuối năm 2023. Ảnh: M.T

Bà Rơ Mah Đik (giữa, làng De Lung 1, xã Ia Tô) phấn đấu thoát nghèo vào cuối năm 2023. Ảnh: M.T

Gia đình bà Rơ Mah Đik (làng De Lung 1) vừa được Nhà nước hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới khang trang; đồng thời, được Hội Liên hiệp phụ nữ xã hỗ trợ 1 cặp heo giống làm sinh kế. “Cán bộ làng, xã còn thường xuyên đến động viên, hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi; giới thiệu việc làm cho con mình để có thêm thu nhập. Nhà cửa khang trang rồi, vợ chồng mình và các con sẽ cố gắng sản xuất, chăn nuôi để thoát nghèo”-bà Đik bày tỏ.

Theo bà Trương Thị Tình-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tô, hoạt động truyền thông giảm nghèo của xã được đa dạng hóa, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như: tuyên truyền trực tiếp trong các cuộc họp, hội nghị hoặc các phong trào thi đua, hoạt động văn hóa-thể thao; cấp phát sản phẩm truyền thông; tuyên truyền qua 22 cụm loa phát thanh không dây ở các điểm thôn, làng. Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xã còn lựa chọn những mô hình phát triển kinh tế phù hợp (nuôi heo sọc dưa, trồng cây ăn quả, cây điều theo tiêu chuẩn 4C…) để thông tin đến người dân. Qua kết quả rà soát mới nhất, toàn xã hiện còn 149 hộ nghèo, chiếm 4,65% tổng dân số (giảm 33 hộ so với đầu năm 2023).

Tương tự, đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm gắn với xây dựng các mô hình sinh kế theo hướng thiết thực, hiệu quả cũng là cách mà Hội Nông dân xã Ia Grăng đã và đang triển khai thực hiện nhằm góp phần giúp hội viên nông dân thoát nghèo bền vững. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Thị Vân cho biết: Ngoài tăng cường công tác truyền thông giảm nghèo bền vững trong các cuộc họp, sinh hoạt tập trung và đăng tải trên Facebook, Zalo…, chúng tôi còn phối hợp tổ chức cho hội viên nói chung và hội viên nghèo, cận nghèo nói riêng đi tham quan một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt tiêu biểu trong và ngoài huyện. Hiện xã còn 40 hội viên nông dân thuộc diện hộ nghèo và 30 hội viên thuộc diện cận nghèo trong tổng số 852 hội viên; phấn đấu cuối năm 2023 sẽ có khoảng 10 hội viên thoát nghèo.

Trao đổi với P.V, ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho hay: Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và các xã, thị trấn phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững; đồng thời, tăng cường tuyên truyền gương điển hình về giảm nghèo để khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và cộng đồng.

Thông qua công tác truyền thông, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Ia Grai đã cơ bản nắm được các thông tin, chính sách về giảm nghèo bền vững. Ảnh: Mộc Trà

Thông qua công tác truyền thông, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Ia Grai đã cơ bản nắm được các thông tin, chính sách về giảm nghèo bền vững. Ảnh: Mộc Trà

Cụ thể, năm 2022, UBND huyện đã phân bổ 204 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện để thực hiện công tác truyền thông. Ngoài xây dựng 18 chương trình phát thanh và truyền hình giảm nghèo về thông tin, phát sóng các chương trình phát thanh trên đài truyền thanh cấp xã, đơn vị còn tổ chức tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, kịch, văn hóa-văn nghệ. Năm 2023, huyện cũng đã giao nguồn vốn 678 triệu đồng cho Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện và 111 triệu đồng cho UBND các xã, thị trấn để thực hiện công tác truyền thông. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị-xã hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền giảm nghèo phù hợp với thực tiễn của từng đơn vị.

“Thông qua truyền thông, nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, nội dung, giải pháp của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã từng bước được nâng cao; hộ nghèo, cận nghèo cơ bản nắm được các thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững cũng như học hỏi những sáng kiến, mô hình hay, những tấm gương điển hình để phấn đấu vươn lên thoát nghèo”-ông Hưng thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm