Kinh tế

Nông nghiệp

Ia Grai tích cực hỗ trợ người dân tái canh cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Việc hỗ trợ cây giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân tái canh cà phê được huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) triển khai tích cực, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng này.

Xã Ia Pếch có 1.361 ha cà phê, trong đó có khoảng 20% đã già cỗi, năng suất thấp. Những năm qua, xã tích cực phối hợp với ngành Nông nghiệp huyện và doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ người dân kỹ thuật tái canh cà phê. Riêng từ năm 2020 đến nay, được huyện hỗ trợ gần 28.000 cây giống cà phê, người dân trong xã đã tái canh được 215 ha. Hiện khoảng 25% diện tích đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 3,8 tấn nhân/ha.

Gia đình anh Rơ Mah Bur (làng O Gia, xã Ia Pếch) có 5 sào cà phê trồng từ năm 1996 đã già cỗi, mỗi năm chỉ cho thu hơn 1 tấn nhân. Năm 2020, khi huyện hỗ trợ 200 cây giống cà phê TRS1, anh mua thêm hơn 200 cây về tái canh toàn bộ diện tích. “Giống cà phê này có sức kháng bệnh tốt, mỗi năm thu được hơn 2 tấn nhân”-anh Bur cho hay.

Anh Rơ Mah Bur (bìa phải, làng O Gia, xã Ia Pếch) giới thiệu vườn cà phê tái canh của gia đình. Ảnh: H.T

Anh Rơ Mah Bur (bìa phải, làng O Gia, xã Ia Pếch) giới thiệu vườn cà phê tái canh của gia đình. Ảnh: H.T

Tương tự, anh Rơ Mah Hoắt (làng De Chí, xã Ia Pếch) phấn khởi cho biết: Gia đình anh có 6 sào cà phê đã già cỗi, năng suất chỉ đạt khoảng 1,5 tấn nhân/vụ. Năm 2020, từ 300 cây giống cà phê TRS1 được huyện hỗ trợ, anh đã tái canh 3 sào.

“Được cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn, tôi nhổ bỏ cây trồng cũ và thu gom hết rễ cây phơi khô rồi đốt. Cùng với đó, tôi dùng vôi để xử lý mầm bệnh trong đất. Các hố đất đào phơi ải khoảng 2 tháng rồi mới trồng. Tôi cũng chuyển sang sử dụng phân chuồng ủ hoai kết hợp với phân NPK để bón cho toàn bộ diện tích nên năng suất đạt cao hơn trước, riêng 3 sào cà phê tái canh cho thu gần 1,5 tấn nhân/vụ”-anh Hoắt nói.

Tại xã Ia Dêr, người dân cũng phấn khởi khi diện tích cà phê tái canh đạt năng suất cao. Anh Ksor Alêl (làng Blang 1) cho biết: Gia đình anh có 3 ha cà phê trồng từ năm 1995. Năm 2018, sau khi tham dự các buổi tập huấn, anh quyết định mua cây giống cà phê TRS1 về tái canh 1,6 ha. Đầu năm 2024, được huyện hỗ trợ 200 cây giống, gia đình anh mua thêm 150 cây giống về tái canh 3,5 sào.

“Hiện nay, 1,6 ha tái canh từ năm 2018 đã cho thu hoạch, năng suất đạt hơn 4 tấn nhân/ha, cao hơn 1 tấn/ha so với diện tích chưa tái canh. Năm nay, cây cà phê sai quả hơn nên chắc chắn năng suất sẽ đạt cao hơn”-anh Alêl nhận định.

Ông Ksor Tư-Công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Dêr-thông tin: Toàn xã có 1.800 ha cà phê, trong đó, diện tích già cỗi chiếm khoảng 20%. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã hỗ trợ gần 95.000 cây giống giúp người dân tái canh được gần 80 ha cà phê. Đối với vườn tái canh, năng suất đạt gần 4,5 tấn nhân/ha, nhiều hộ đạt gần 5 tấn nhân/ha.

Nhiều diện tích cà phê tái canh của người dân xã Ia Dêr đã cho thu hoạch với năng suất cao, gần 4,5 tấn nhân trên 1 ha. Ảnh: H.T

Nhiều diện tích cà phê tái canh của người dân xã Ia Dêr đã cho thu hoạch với năng suất cao, gần 4,5 tấn nhân trên 1 ha. Ảnh: H.T

Trao đổi với P.V, ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho biết: Cà phê là cây trồng chủ lực của huyện với tổng diện tích hơn 18.000 ha, trong đó có khoảng 5.000 ha của các doanh nghiệp và trên 13.000 ha của người dân. Một số diện tích đã già cỗi, sử dụng giống cũ nên năng suất chỉ đạt 2,5-3 tấn nhân/ha.

Do đó, những năm qua, Phòng đã đề xuất UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tái canh mỗi năm 400-500 ha. Tổng kinh phí hỗ trợ cây giống, tập huấn 400-500 triệu đồng/năm.

Với sự hỗ trợ trên, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã tái canh được hơn 4.000 ha cà phê với các giống TRS1, TR4, cà phê xanh lùn... Qua đó góp phần nâng cao năng suất cà phê bình quân của huyện lên 3,5 tấn nhân/ha, nhiều hộ đạt gần 5 tấn nhân/ha.

“Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng hơn 2.000 ha cà phê già cỗi. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến cáo người dân thâm canh tăng năng suất đối với diện tích cà phê hiện có; tiếp tục đưa giống mới vào tái canh.

Ngoài ra, huyện cũng sẽ tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập”-ông Thắm cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm