Xã hội

Đời sống

Ia Kênh đẩy mạnh truyền thông về giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã Ia Kênh (TP. Pleiku) đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh truyền thông về công tác giảm nghèo gắn với các chương trình, dự án giảm nghèo. Nhờ đó, năm 2024, Ia Kênh đã giảm được 20 hộ nghèo, đạt 200% kế hoạch.

Xã Ia Kênh có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 3.189 ha. Xã có 7 thôn, làng, với 1.047 hộ/4.575 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%. Năm 2023 và 2024, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đã hỗ trợ 240 triệu đồng để làm nhà ở cho 6 hộ; hỗ trợ 36 triệu đồng mua bồn chứa nước sinh hoạt cho 12 hộ; chuyển đổi nghề cho 24 hộ; cấp 21 con bò sinh sản cho 21 hộ; cấp 18 con heo cho 6 hộ; cấp 500 con gà và 8 bao cám cho 5 hộ và hỗ trợ 240 triệu đồng để mua máy phát cỏ, máy phun thuốc cho 24 hộ…

Đến nay, toàn xã còn 11 hộ nghèo (giảm 20 hộ so với năm 2023) và 32 hộ cận nghèo (giảm 6 hộ so với năm 2023).

Làng Mơ Nú hiện có 208 hộ với 936 khẩu. Cuối năm 2023, làng còn 4 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương đã xây dựng nhà ở cho 4 hộ; hỗ trợ heo giống cho 4 hộ; hỗ trợ 4 con bò cho 4 hộ; hỗ trợ 200 con gà giống cho 2 hộ; hỗ trợ phương tiện sản xuất cho 3 hộ và bồn nước cho 2 hộ. Cùng với các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức giúp bà con kịp thời tiếp cận với chủ trương, chính sách về công tác giảm nghèo.

Chị Kpă Saih chia sẻ: “Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ bồn chứa nước sạch, 4 con heo giống và máy phát cỏ. Có máy phát cỏ, ngoài phục vụ trong sản xuất của gia đình, chồng tôi còn đi phát cỏ thuê để có thêm thu nhập. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương nên gia đình đã thoát nghèo”.

Còn anh Kpă Chang thì cho hay: “Năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ xây căn nhà kiên cố và 1 con bò sinh sản. Với 500 cây cà phê và 1 con bò, gia đình tôi sẽ cố gắng làm ăn để thoát nghèo”.

gia-dinh-chi-kpa-saih-lang-mo-nu-xa-ia-kenh-duoc-ho-tro-bon-chua-nuoc-sinh-hoat-9910.jpg
Gia đình chị Kpă Saih (làng Mơ Nú) được hỗ trợ bồn chứa nước sinh hoạt. Ảnh: L.N

Nói về các giải pháp giảm nghèo bền vững, ông Siu Huem-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mơ Nú-cho biết: “Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong đó, chú trọng rà soát, nắm tâm tư, nguyện vọng từng hộ nghèo để đề xuất hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của từng hộ dân như: nhà ở, phương tiện sản xuất, cây-con giống. Nhờ đó, làng Mơ Nú chỉ còn 1 hộ nghèo (giảm 3 hộ so với năm 2023) và 5 hộ cận nghèo (giảm 1 hộ so với năm 2023)”.

Tương tự, để giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững, Chi bộ, Ban Nhân dân làng Thong Ngó đã phân công đảng viên, cán bộ Mặt trận, đoàn thể trực tiếp phụ trách hỗ trợ các hộ nghèo để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con tập trung phát triển kinh tế.

Ông Siu Wit-Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thong Ngó-cho biết: Trong năm 2023 và 2024, các cơ quan, ban, ngành địa phương huy động các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo như: cấp 2 con bò cho 2 hộ; cấp 12 con heo cho 4 hộ; xây 3 căn nhà cho 3 hộ khó khăn về nhà ở; hỗ trợ 3 bồn nước sinh hoạt cho 3 hộ; hỗ trợ máy phát cỏ, máy phun thuốc cho 8 hộ. Nhờ đó, làng Thong Ngó đã giảm được 5 hộ nghèo (hiện chỉ còn 3 hộ nghèo).

anh-kpa-chang-lang-mo-nu-xa-ia-kenh-cham-soc-cho-bo-4234.jpg
Anh Kpă Chang (làng Mơ Nú, xã Ia Kênh) chăm sóc cho bò. Ảnh: L.N

Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Quang Toản cho biết: Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo để triển khai theo từng năm.

Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, ý thức của người dân để không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ động phát huy nội lực, vươn lên phát triển kinh tế.

Đảng ủy, UBND xã xác định rõ các chính sách xã hội chăm lo cho người dân là nhiệm vụ, trách nhiệm thường xuyên của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Động viên, khuyến khích và hướng dẫn người nghèo về kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Khi triển khai các chương trình, dự án đều có sự lồng ghép để thực hiện có hiệu quả.

“Thời gian tới, UBND xã tiếp tục nâng cao hiệu quả việc sử dụng ngân sách đầu tư cho giảm nghèo. Đổi mới công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ cho các hộ nghèo để vươn lên trong cuộc sống.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo để sản xuất hiệu quả. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số” để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kênh thông tin.

Có thể bạn quan tâm