Kinh tế

Nông nghiệp

Ia Pa bàn giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 17-5, UBND huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị để bàn giải pháp đầu tư, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.

Những năm qua, thực hiện Quyết định số 874/QĐ-UBND ngày 9-12-2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 18, các chương trình hành động, nghị quyết của Huyện ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các xã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Ia Pa ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Như Loan
Ia Pa ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Như Loan

Với những nỗ lực, cố gắng của hệ thống chính trị, nhất là nông dân và các doanh nghiệp, ngành nông nghiệp của huyện trong thời gian qua đã có bước phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Ngành nông nghiệp phát triển sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, trong đó chú trọng phát triển sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, có thế mạnh của huyện như lúa, ngô, sắn, mía và một số loại cây ăn quả, dược liệu, chăn nuôi heo, bò, dê, gia cầm... tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực này. Huyện cũng thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chế biến nông sản, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc.

Theo đó, tổng diện tích gieo trồng (không tính cao su) trên địa bàn huyện ước thực hiện giai đoạn 2016-2022 đạt 35.578 ha, tăng 4.485 ha so với năm 2015. Trong đó, tổng diện tích cây hàng năm 32.665 ha, cây công nghiệp dài ngày đạt 1.855 ha, tăng 1.033 ha so với năm 2015; nhóm cây ăn quả là 1.048 ha, tăng 515 ha so với năm 2015, cây dược liệu 25,4 ha. Huyện cũng đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô từ 5- 50 ha trên diện tích cây lúa, mía, thuốc lá, ngô sinh khối, có sự liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để phát triển ổn định và bền vững.

Hiện tại, trên địa bàn huyện có trên 10 công ty, doanh nghiệp tham gia các hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh theo 3 hình thức chính, đó là: đầu tư vật tư, vốn và thu mua sản phẩm; chỉ ký kết thu mua sản phẩm; chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp lớn. Toàn huyện có 3.773 ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Ngành chăn nuôi của huyện đang từng bước chuyển dịch dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung. Tổng đàn gia súc 110.937 con, tăng 48.469 con so với năm 2015. Trong đó, đàn bò 36.200 con, đàn trâu 1.197 con, đàn heo 73.000 con.

Tại hội nghị, đại diện các công ty, hợp tác xã đã tham luận về định hướng đầu tư, mở rộng sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm các cây trồng như mía, ca cao, ngô sinh khối, lúa gạo và xây dựng thương hiệu gạo. Ủy ban nhân dân các xã cũng đánh giá tình hình sản xuất và đề xuất các giải pháp phát triển sản xuất trong thời gian tới, định hướng phát triển sản xuất rau hoa quả, thuốc lá, ngô sinh khối…

Định hướng đến năm 2025, ngành nông nghiệp của huyện cơ bản chuyển đổi theo hướng tập trung, chuyên canh, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất mang tính liên kết cao theo chuỗi giá trị; các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, thương hiệu, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Có thể bạn quan tâm