Kinh tế

Nông nghiệp

Ia Pa chú trọng “gắn sao” cho trái cây

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều nông dân huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ; đồng thời nỗ lực để sản phẩm được “gắn sao” OCOP, từ đó nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, những năm qua, nhiều nông dân ở huyện Ia Pa đã đầu tư trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế. Năm 2023, toàn huyện có 1.050 ha cây ăn quả, bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh với những cây trồng chủ lực như xoài 302,8 ha, thanh long 184,1 ha, mít 44,1 ha, chuối 183,8 ha, na 44,8 ha…

Nhờ áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm trái cây ngày càng được nâng cao. Năm 2023, sản lượng trái cây toàn huyện đạt trên 7.700 tấn. Nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trái cây, huyện đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

Hiện nay, trong 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của địa phương có 2 sản phẩm trái cây gồm: bưởi da xanh Hoan Bình (xã Pờ Tó) và ổi lê Hải Hưng (xã Ia Ma Rơn).

Là sản phẩm mới đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện năm 2023, ổi lê Hải Hưng của gia đình anh Đặng Quang Hải (thôn Kim Năng, xã Ia Ma Rơn) được người tiêu dùng đánh giá cao. Năm 2020, biết đến giống ổi lê thơm ngon, anh Hải quyết định đầu tư trồng hơn 1 ha. Diện tích này trước đây, anh đã thử nghiệm với nhiều loại cây trồng khác nhau như mía, mì, dưa hấu, rau xanh nhưng hiệu quả không cao.

Sản phẩm Ổi lê Hải Hưng của anh Đặng Quang Hải (bìa trái) được cấp chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện năm 2023. Ảnh: Vũ Chi

Sản phẩm Ổi lê Hải Hưng của anh Đặng Quang Hải (bìa trái) được cấp chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện năm 2023. Ảnh: Vũ Chi

Anh Hải chia sẻ: Giai đoạn đầu xuống giống 500 cây ổi, nhiều người nghi ngờ tính hiệu quả vì đầu tư trồng cây ăn quả đòi hỏi vốn lớn, lâu thu hoạch, sản phẩm khó tiêu thụ. Hơn nữa, diện tích lớn cũng gây khó khăn cho việc trông coi. Tuy nhiên, với suy nghĩ đơn giản rằng muốn làm giàu thì “phải liều”, anh vẫn quyết tâm thực hiện. May mắn mỉm cười với vợ chồng anh khi cây ổi sau khi trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

“Sau 1 năm, ổi bắt đầu cho thu hoạch. Mời bà con hàng xóm ăn thử, ai cũng tấm tắc khen ngon. Những đơn hàng đầu tiên giúp tôi nhận ra hướng đi của mình là đúng. Hiện bình quân mỗi tháng, tôi thu hoạch 1,5-2 tấn quả, thời kỳ cao điểm có thể thu hoạch tới 2-3 tạ quả/ngày, cung cấp cho các chợ trên địa bàn huyện và các huyện, thị xã lân cận như Phú Thiện, Ayun Pa với giá 20-25 ngàn đồng/kg”-anh Hải phấn khởi cho hay.

Anh Đặng Quang Hải (thôn Kim Năng, xã Ia Ma Rơn) phấn khởi khi vườn ổi của gia đình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.C

Anh Đặng Quang Hải (thôn Kim Năng, xã Ia Ma Rơn) phấn khởi khi vườn ổi của gia đình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.C

Anh Hải đặc biệt chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ và áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cây ổi lê như lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, cắt tỉa cành thường xuyên để cây ra quả gối vụ, đảm bảo cung cấp sản phẩm thường xuyên cho thị trường. Là sản phẩm trái cây sạch, ăn giòn, vị ngọt mát, ổi lê Hải Hưng được khách hàng đánh giá cao.

Năm 2023, được chính quyền địa phương vận động, anh Hải quyết định đăng ký tham gia Chương trình OCOP nhằm khẳng định chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện với 3 ha đất vườn của gia đình, ngoài 500 cây ổi lê, anh trồng thêm 1.000 cây nhãn, 400 cây dừa, 300 cây mít. Dự kiến năm tới, các loại cây này bắt đầu cho thu bói.

Trong khi đó, sau khi có sản phẩm bưởi da xanh Hoan Bình được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022, gia đình ông Đặng Văn Hoan (xã Pờ Tó) được mời tham gia nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.

Ông Hoan cho biết: “Nhờ có chứng nhận OCOP, sản phẩm bưởi da xanh Hoan Bình được nhiều khách hàng biết tới và tin tưởng lựa chọn. Với 500 cây bưởi, tôi cho ra hoa xen kẽ nhau, khoảng 50 cây/lứa, mỗi năm thu hoạch khoảng 20 tấn quả nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Thương lái đến tận vườn thu mua với giá 22-25 ngàn đồng/kg”.

Từ thành công với cây bưởi da xanh, ông Hoan dự định tiếp tục đăng ký sản phẩm nhãn của gia đình tham gia Chương trình OCOP để tạo thương hiệu với người tiêu dùng.

Theo ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa: Việc xây dựng thương hiệu có ý nghĩa quan trọng quyết định giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm. Vì vậy, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang tích cực phối hợp với các địa phương tuyên truyền giúp người dân hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để đăng ký tham gia.

Bên cạnh đó, Phòng tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các phiên chợ nông sản an toàn, chương trình xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

“Trên cơ sở kết quả Dự án đánh giá thích nghi đất đai, phân vùng sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến năm 2030 trên địa bàn, huyện phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả tăng lên 1.800 ha, năm 2030 là 2.380 ha.

Việc mở rộng diện tích được tiến hành song song với xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã vùng trồng, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương”-ông Đức nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm