Kinh tế

Nông nghiệp

Ia Pa: Chuyển diện tích mì bị sâu bệnh sang trồng mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, nhiều diện tích mì ở huyện Ia Pa (Gia Lai) đã bị bệnh khảm lá vi rút, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân. Trước tình hình này, nhiều hộ đã chủ động chuyển đổi diện tích mì sang trồng mía.
Rẫy mì gần 3 ha của gia đình chị Dương Thị Nguyệt (thôn 5, xã Pờ Tó) đang bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút rất nặng. Chị Nguyệt cho hay: “Mì mới trồng đã bị bệnh. Gia đình tôi vừa phải phun thuốc nhưng chưa biết có hết bệnh không. Đến nay, gia đình đã tốn khá nhiều chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nếu sau đợt thuốc này mà cây mì không hết bệnh, gia đình tôi chắc phải chuyển sang trồng mía”.
 Chị Dương Thị Nguyệt (thôn 5, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) bên rẫy mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: N.T
Chị Dương Thị Nguyệt (thôn 5, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) bên rẫy mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: N.T
Tương tự, rẫy mì 3 ha của gia đình bà Trần Thị Tuyết (thôn Kim Năng, xã Ia Ma Rơn) cũng bị bệnh khảm lá vi rút. Gia đình đã phải cày bỏ 1,6 ha để chuyển sang trồng mía, chịu lỗ hơn 6 triệu đồng. “Tôi quyết định sau vụ này sẽ chuyển hết diện tích sang trồng mía. Hiện nông dân trồng mía được nhà máy đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu sản phẩm nên yên tâm về đầu ra. Ngoài các khoản đầu tư, Nhà máy Đường Ayun Pa còn hỗ trợ người trồng mía một phần chi phí để thâm canh, cải tạo đất nhằm tăng năng suất, đảm bảo lợi nhuận. Mức hỗ trợ đối với mía trồng mới tối đa khoảng trên 7 triệu đồng/ha”-bà Tuyết chia sẻ.
Theo thống kê, hiện nay, tại huyện Ia Pa có 960 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Ngành nông nghiệp địa phương đã khuyến cáo người dân không lấy hom giống mì từ những vùng nhiễm bệnh để trồng hoặc đưa sang trồng tại các vùng khác chưa bị bệnh. Đối với những diện tích mì nhiễm bệnh, sau khi thu hoạch xong cần tiến hành tiêu hủy toàn bộ tàn dư thực vật (gốc, thân, lá).
Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-cho hay: “Trong 2 năm qua, người dân đổ xô trồng mì. Diện tích mì niên vụ 2018-2019 trên địa bàn huyện là 9.000 ha, trong đó có 2.400 ha bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Vụ Đông Xuân 2019-2020, diện tích mì đã xuống giống của huyện là 2.632 ha. Trong số này, nhiều diện tích ở giai đoạn cây con đã bị nhiễm bệnh. Đây là năm đầu tiên bệnh khảm lá vi rút bùng phát sớm và lây lan nhanh, nguyên nhân do người dân sử dụng nguồn giống không được kiểm soát. Phòng Nông nghiệp và PTNT cùng với UBND các xã đang tích cực hướng dẫn bà con các giải pháp phòng trừ bệnh khảm lá mì, đối với những diện tích nhiễm nặng cần tiêu hủy và chuyển đổi cây trồng khác. Nhưng thực tế, tình hình vẫn rất khó kiểm soát”.
Tại cánh đồng xã Ia Ma Rơn, trước đây, nhiều người dân đã phá bỏ mía để trồng mì. Tuy nhiên, hiện nay, nông dân đã quay trở lại trồng mía. Theo người dân cho biết, dự báo thời gian tới, thị trường đường sẽ thiếu hụt. Đây chính là cơ hội cho nông dân trong việc quay lại trồng mía. Hơn nữa, mì đã nhiễm bệnh nên trồng không hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (xã Pờ Tó) cho hay: “Tôi thấy nhiều trường hợp phá bỏ mía để trồng cây khác nhưng chỉ được 1-2 vụ không có đầu ra lại thua lỗ, rơi vào cảnh lao đao. Gia đình tôi trồng mía đã 10 năm với tổng diện tích hơn 8 ha. Vụ vừa rồi, gia đình tôi chuyển 3,1 ha sang trồng mì để cải tạo đất cho năm nay trồng mía lại. Khi trồng mía, chúng tôi được hỗ trợ chi phí, hướng dẫn kỹ thuật nên rất yên tâm. Năm nay, tôi kết hợp cày ngầm và bón lót, đất giữ được độ ẩm nên mía lên rất tốt. Giá cả thu mua tăng, giảm theo thị trường nhưng dù sao trồng mía vẫn được bao tiêu sản phẩm. Chính sách đầu tư của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai được niêm yết tại trạm nông vụ năm nay cũng có nhiều thay đổi, cao hơn so với năm trước. Cụ thể, tổng đầu tư cho mía tơ gần 31 triệu đồng/ha, mía gốc gần 18 triệu đồng/ha; trong đó hỗ trợ không hoàn lại tối đa mía tơ là 7,3 triệu đồng/ha và mía gốc là 3,3 triệu đồng/ha tùy theo mức độ áp dụng thâm canh”.
 NGUYỄN TRINH

Có thể bạn quan tâm