Kinh tế

Nông nghiệp

Ia Pa làm tốt công tác triển khai vụ mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Rút kinh nghiệm từ các vụ gieo trồng gần đây, vụ mùa 2016, huyện Ia Pa đã chủ động thay đổi lịch gieo trồng và cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thích hợp để đảm bảo tiến độ và phòng-chống lũ.

Để chủ động cho vụ mùa năm nay, từ giữa tháng 6, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa đã tổ chức sơ kết vụ Đông Xuân và triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa cho kịp tiến độ; đồng thời, giúp nông dân nhanh chóng xuống giống gieo trồng để gỡ gạc lại vụ Đông Xuân thất bát do hậu quả của đợt hạn hán lịch sử vừa qua. Căn cứ đặc điểm của ruộng đồng cũng như tình hình diễn biến thời tiết và lịch trình mở nước của Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai, trên cơ sở chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Phòng đã chỉ đạo các xã, hợp tác xã nông nghiệp và khuyến cáo nông dân lịch trình gieo sạ vụ mùa phù hợp.

 

Người dân xã Ia Trốk làm đất gieo sạ lúa vụ mùa. Ảnh: Đ.P
Người dân xã Ia Trốk làm đất gieo sạ lúa vụ mùa. Ảnh: Đ.P

Đặc điểm của đồng đất Ia Pa chia thành 2 vùng rõ rệt, trong đó, diện tích nằm ngoài vùng tưới của công trình thủy lợi Ayun Hạ gồm các xã Pờ Tó, Chư Răng, Kim Tân và 4 xã phía Đông sông Ba là Ia Broăi, Ia Tul, Chư Mố, Ia Kdăm người dân đã chủ động xuống giống gieo sạ từ giữa tháng 6. Đối với hơn 1.400 ha lúa vụ mùa sử dụng nước các trạm bơm điện ở các xã này, UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí và chỉ đạo các xã, hợp tác xã chủ động be bờ dẫn luồng nước từ dòng sông Ba, sông Tul vào để phục vụ tưới cho người dân xuống giống kịp thời. Đến nay, lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh, phát triển tốt.

Riêng đối với gần 100 ha chân ruộng trũng thường bị ảnh hưởng bởi lũ lụt các năm trước ở khu vực các xã Ia Trốk, Ia Tul, Ia Broăi và các chân ruộng sát bờ sông Ayun, sông Tul, sông Ba, người dân đã xuống giống sớm hơn (từ đầu hoặc giữa tháng 5). Đến nay, lúa đã chắc xanh, thậm chí có nơi lúa gần chín sắp cho thu hoạch.

Một bất lợi là năm nay diện tích gần 2.000 ha lúa nước thủy lợi tại xã Ia Trốk và Ia Ma Rơn do ảnh hưởng của đợt nắng hạn lịch sử vừa qua khiến lượng nước tại hồ Ayun Hạ sụt giảm kỷ lục nên mãi tới đầu tháng 7 mới tích đủ nước để mở nước xả về phục vụ người dân gieo trồng. Lịch xuống giống chậm hơn các năm trước 1 tháng do đó nguy cơ thời điểm lúa chín dễ gặp phải đợt mưa lũ vào tháng 10. Để hạn chế thiệt hại cho nông dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chỉ đạo 2 xã và các hợp tác xã khuyến cáo người dân thay đổi cơ cấu giống lúa sang trồng lúa trung và ngắn ngày nhằm kịp thời gian thu hoạch trước khi mưa lũ về. Ông Lữ Phúc Phong-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, cho hay: “Phòng khuyến cáo người dân 2 xã Ia Trốk và Ia Ma Rơn trồng các giống lúa ngắn ngày như DV 108, Q5, OM6976, OM4900, ML48, ML49… Ủy ban nhân dân huyện đã tiếp nhận và cấp phát kịp thời giống lúa, bắp do tỉnh cấp hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả hạn hán để nông dân xuống giống, gieo sạ kịp thời vụ”.  

Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho nông dân xuống giống, ngay từ khi kết thúc vụ Đông Xuân 2015-2016, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các hợp tác xã tổ chức kiểm tra toàn bộ hệ thống kênh mương, trạm bơm điện để tiến hành tu sửa, nạo vét, khơi thông cống rãnh nội đồng đảm bảo cung cấp nước kịp thời cho nhân dân gieo sạ. Đồng thời, triển khai các lớp tập huấn cho người dân ở các hợp tác xã và các xã về các biện pháp gieo trồng, chăm sóc cây lúa và phương pháp phòng-chống rầy nâu, rầy lưng trắng truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn hại lúa.

Đối với nguồn giống cho vụ mùa, huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở cung ứng lúa giống trên địa bàn để chấn chỉnh việc cung ứng giống và buộc các chủ cơ sở kinh doanh ký cam kết về chất lượng nguồn giống bán cho dân. Huyện giải ngân kịp thời nguồn vốn phát triển sự nghiệp nông nghiệp, nông thôn mới và Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên để triển khai nhiều mô hình hỗ trợ nông dân như: hỗ trợ giống lúa năng suất, chất lượng cao triển khai mô hình cánh đồng lúa mẫu lớn 30 ha tại xã Ia Tul và xã Ia Ma Rơn; trồng gấc, trồng cỏ nuôi bò… Trong đó đáng chú ý là mô hình ký kết hỗ trợ sản xuất giữa Đảng ủy xã Ia Tul với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện và hộ nông dân để Ngân hàng đầu tư hỗ trợ 25 hộ nông dân trồng mì có tưới nước nhỏ giọt trên cánh đồng mẫu lớn 30 ha; hỗ trợ tổ hợp trồng cỏ nuôi bò gắn với xây dựng chuồng trại và hầm biogas để xử lý môi trường có tính đến việc vận động nông dân di dời chuồng trại ra khỏi khu vực nhà ở để đảm bảo tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới...

Ông Lữ Phúc Phong cho biết: Đến nay toàn huyện đã gieo trồng được trên 19.000 ha cây trồng các loại, đạt hơn 80% so với kế hoạch. Trong đó, một số cây trồng chính đạt cao như: lúa nước đạt 3.000 ha, bằng 80% kế hoạch; mì các loại giống mới KM94, KM98 đạt 5.650 ha, mía 3.971 ha, bắp 1.575 ha... Một số địa phương có diện tích lúa đạt cao như: xã Chư Mố gieo trồng 876 ha, xã Ia Ma Rơn 800 ha, xã Ia Trốk 700 ha… Theo lịch trình, đến ngày 30-10, huyện Ia Pa sẽ kết thúc vụ mùa năm nay. “Nhờ các biện pháp chủ động, kịp thời điều chỉnh trong bố trí lịch thời vụ, cơ cấu giống cây trồng hợp lý trên sẽ hạn chế được thiệt hại do bão lũ gây ra và đảm bảo cho một vụ sản xuất thắng lợi”-ông Lữ Phúc Phong tin tưởng.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm