Kinh tế

Nông nghiệp

Ia Pa liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Ia Pa, Gia Lai đang tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng đến liên kết sản xuất tạo chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập.
Chư Mố là một trong những xã đi đầu của huyện Ia Pa trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất không chủ động nước tưới. Hơn 3 năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện, chính quyền xã đã hướng dẫn nông dân thành lập các tổ liên kết sản xuất với Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên cây mía.
Ông Ksor Jú-Chủ tịch UBND xã-cho biết: Xã đã tích cực vận động bà con mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, đưa các loại giống mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất. Điển hình như mô hình cánh đồng mía lớn với diện tích 112 ha, hàng năm thu về lợi nhuận cho các hộ tham gia mô hình 20-30 triệu đồng/ha. “Nhận thấy hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vụ Đông Xuân tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động bà con chuyển đổi 35 ha đất lúa thường xuyên bị thiếu nước thuộc khu vực Trạm bơm số 3 sang trồng bắp, đậu xanh, đậu tương, rau”-ông Ksor Jú nói.
 Hỗ trợ nông dân xã Chư Mố cây điều giống để trồng 83 ha trên đất khô cằn. Ảnh: Phương Loan
Hỗ trợ nông dân xã Chư Mố cây điều giống để trồng 83 ha trên đất khô cằn. Ảnh: Phương Loan
Cũng tại xã Chư Mố, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ người dân trong xã 530 triệu đồng để trồng 83 ha điều cao sản trên diện tích đất khô cằn không chủ động nước tưới.
Còn tại xã Pờ Tó, chính quyền đang vào cuộc tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi hàng trăm héc ta mía bị bệnh trắng lá phải phá bỏ để trồng điều, dứa, thanh long, đinh lăng, cây dược liệu… Đáng chú ý, vừa qua, huyện phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) triển khai mô hình trồng đậu tương cho hiệu quả kinh tế cao. Doveco đang liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến (xã Pờ Tó) trồng trên 4 ha dứa Cayen, có bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch cho bà con xã viên.
“Bà con xã viên góp được 12 ha đất trồng đinh lăng và dứa Cayen, trong đó 4 ha dứa Cayen liên kết với Doveco áp dụng sản xuất công nghệ cao, có bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá bảo hiểm 3.500 đồng/kg. Đây là bước khởi đầu cho các hoạt động liên kết tạo chuỗi giá trị trong sản xuất nay mai”-bà Lê Thị Quỳnh Trang-Giám đốc Hợp tác xã Tân Tiến-cho hay.
Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, huyện Ia Pa đã căn cứ vào tình hình thực tế, tiềm năng lợi thế của địa phương để có những phương án sắp xếp phù hợp. Theo đó, bằng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp và nguồn vốn khoa học công nghệ, từ đầu năm đến nay, huyện đã triển khai thực hiện 3 mô hình sản xuất lúa giống tại các xã: Ia Ma Rơn, Ia Broăi, Ia Tul, Ia Kdăm, Chư Mố… năng suất bình quân đạt 8-8,2 tạ/sào.
Riêng cánh đồng mía lớn, huyện đã có hơn 265 ha. Đối với cánh đồng mì lớn, do Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam chưa phối hợp nên không thể triển khai nhân rộng mà chỉ mới thực hiện được 7 ha tại xã Ia Tul.
Được biết, huyện Ia Pa đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Doveco phát triển liên kết theo chuỗi giá trị bằng cách chuyển một số diện tích đất lúa kém hiệu quả, không chủ động được nguồn nước tưới, diện tích mía bị trắng lá, mì kém hiệu quả… sang các loại cây trồng có năng suất và chất lượng cao, nhất là trong vụ mùa năm 2018.
Phương Loan

Có thể bạn quan tâm