Sau khi lập gia đình, năm 2018, anh Siu Sen (buôn Ama Rin 1, xã Ia Ma Rơn) ra ở riêng và được bố mẹ cho 1 mảnh đất. Với số vốn tích góp ban đầu, anh Sen mua tôn cũ dựng tạm căn nhà chưa đầy 20 m2 để tránh mưa, tránh gió. Tài sản chỉ có 1,5 sào lúa nên vợ chồng anh phải đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Khi được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, anh Sen mạnh dạn vay thêm 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với lãi suất 3%/năm để xây dựng nhà ở.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh Siu Yun (thứ 3 từ phải sang, buôn Ma San, xã Ia Ma Rơn) đã làm được ngôi nhà sàn khang trang. Ảnh: N.Q |
Trong ngôi nhà cấp 4 khang trang, anh Sen phấn khởi chia sẻ: “Khổ mấy vợ chồng mình cũng chịu được nhưng thấy con còn nhỏ mà phải ở trong căn nhà chật hẹp, nóng bức thì tội lắm. Vậy nên, khi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí, mình quyết tâm vay thêm để xây ngôi nhà kiên cố, ổn định cuộc sống gia đình. Vợ chồng mình cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm chăm lo đến đời sống của người nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Mình hứa sẽ cố gắng làm ăn, tích góp vốn phát triển chăn nuôi để cuộc sống ngày càng ổn định và thoát nghèo trong thời gian tới”.
Còn gia đình 4 thành viên của anh Siu Yun (buôn Ma San, xã Ia Ma Rơn) trong nhiều năm qua cũng phải sinh sống trong ngôi nhà sàn rộng chưa đầy 20 m2 có “tuổi đời” gần 40 năm. Ngôi nhà đã xuống cấp, không che được mưa gió nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng anh Yun không dám nghĩ đến chuyện làm nhà mới. “Để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, vợ chồng mình phải đi làm thuê khắp nơi. Vậy nên, khi được Nhà nước hỗ trợ tiền xây nhà, mình mừng lắm. Ngoài 44 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước, gia đình còn được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 3%/năm để làm lại ngôi nhà sàn rộng rãi, kiên cố hơn. Ngoài ra, ngân hàng cũng tạo điều kiện để mình vay thêm 15 triệu đồng mua bò sinh sản phát triển chăn nuôi. Mình sẽ cố gắng chăm sóc, phát triển đàn bò và tích lũy vốn mua thêm đất sản xuất để phát triển kinh tế gia đình”-anh Yun vui vẻ nói.
Vợ chồng anh Siu Sen (bìa trái) phấn khởi khi được Nhà nước hỗ trợ làm được ngôi nhà kiên cố, ổn định cuộc sống. Ảnh: Nguyễn Quang |
Trao đổi với P.V, ông Trần Ánh Tôn-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Pa-cho biết: Tính đến ngày 15-9, tổng dư nợ đối với 13 chương trình vay tại ngân hàng đạt hơn 373 tỷ đồng với 8.574 lượt hộ vay. Riêng tổng dư nợ thuộc chương trình cho vay theo Nghị quyết số 28/2022/NQ-CP ngày 26-4-2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 đạt 12,645 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cho vay hộ nghèo về nhà ở đạt 2,65 tỷ đồng với 69 lượt hộ vay; cho vay hỗ trợ đất sản xuất 238 triệu đồng với 5 lượt hộ vay; cho vay chuyển đổi nghề 9,757 tỷ đồng với 157 lượt hộ vay. Qua theo dõi, việc sử dụng nguồn vốn các chương trình cho vay ưu đãi được người dân sử dụng đúng mục đích, đạt yêu cầu đề ra.
“Chương trình cho vay theo Nghị quyết số 28/2022/NQ-CP của Chính phủ, nhất là cho vay về hỗ trợ nhà ở có ý nghĩa nhân văn và rất thiết thực. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân các chương trình cho vay ưu đãi. Đồng thời, rà soát nhu cầu vay vốn xây dựng nhà ở, tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục giúp người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng”-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Pa khẳng định.