Ia Pa nỗ lực giảm nghèo nhanh và bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã huy động cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 26-10-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVII về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững.

Nhiều giải pháp giảm nghèo từ cơ sở

Tách hộ từ năm 2015 với chỉ hơn 3 sào đất rẫy cha mẹ cho, vợ chồng anh Hiao Anh (buôn Biah B, xã Ia Tul) cố gắng làm lụng nhưng vẫn thuộc diện hộ nghèo. Được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản, 5 con dê cái và 1 con dê đực, gia đình chịu khó chăm sóc, đàn dê phát triển rất nhanh, có thời điểm lên đến 50 con. Thu nhập cải thiện nên đến năm 2018, gia đình anh Hiao Anh thoát khỏi hộ nghèo. Anh còn dành dụm làm được căn nhà sàn rộng lớn, trị giá gần 400 triệu đồng.

Tương tự, tách hộ năm 2014, vợ chồng anh Hiao Quyên (cùng buôn), cũng vất vả không kém. Mặc dù chăm chỉ làm ăn, ai thuê gì làm nấy nhưng cái đói cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Năm 2017, anh Quyên rời làng đi làm thuê và tự mày mò học nghề mộc. Sau khi thạo nghề, anh trở về quê đứng ra nhận thi công nhiều công trình, nhận một số thanh niên trong làng vào làm việc, giúp họ có thu nhập ổn định. Năm 2019, gia đình anh thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang. Có vốn, vợ anh còn mở cửa hàng mua bán tạp hóa, tăng thêm thu nhập.

Anh Hiao Quyên (buôn Biah B, xã Ia Tul, huyện Ia Pa) bên xưởng mộc của gia đình. Ảnh: Minh Nguyễn


Ông Đỗ Hoàng Châu-Chủ tịch UBND xã Ia Tul-cho biết: Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 37,06% nhưng đến nay giảm chỉ còn 5,07%. Ia Tul là xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả “giảm nghèo thực chất” này có được là nhờ địa phương triển khai hỗ trợ đúng đối tượng, sát với nhu cầu thực tế của các hộ nghèo.

“Trước tiên, chúng tôi giải thích cho họ hiểu được lợi ích, hiệu quả của mô hình rồi kết hợp nguồn lực từ gia đình, dòng họ và vận động các hộ nỗ lực vượt khó vươn lên. Đồng thời, lồng ghép nguồn vốn đầu tư của các chương trình, dự án hỗ trợ; chỉ đạo các chi bộ thôn, buôn phân công đảng viên phụ trách từng hộ để giúp đỡ họ thoát nghèo”-ông Châu nêu giải pháp.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Hùng-Bí thư Đảng ủy xã Pờ Tó-cho rằng: Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Trong đó, chú trọng hướng dẫn người dân phương thức canh tác, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ vậy, đến nay xã Pờ Tó có đến 13 hộ sở hữu trang trại cây ăn quả có diện tích hơn 5 ha và 18 hộ chăn nuôi heo, bò quy mô lớn từ 200 con đến 1.000 con. Xã hiện đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 28,46%. Đảng bộ xã phấn đấu trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm là 5,5%. Xã phấn đấu đến năm 2025 xây dựng thành công 5 làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Phấn đấu hoàn thành “Nghị quyết giảm nghèo”

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ia Pa Nguyễn Minh Phúc, là một trong những huyện khó khăn của tỉnh, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70% dân số. Chính vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn, giai đoạn 2016-2020. Qua đó, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện bình quân mỗi năm từ 5% trở lên. Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp mà tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 37,06% (4.348 hộ) giảm xuống chỉ còn 15,14% (1.986 hộ), đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Nổi bật như, Chương trình 30a “Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo” đã bố trí kinh phí gần 60 tỷ đồng đầu tư 22 công trình gồm: đường bê tông xi măng liên thôn, đường nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, công trình nước sinh hoạt tập trung, trường học, trạm y tế. Chương trình 135 “Hỗ trợ cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn” có tổng số vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng. Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên triển khai 110 mô hình sinh kế, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho 2.226 hộ dân với kinh phí hơn 19 tỷ đồng...

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ giải quyết các thiếu hụt đa chiều về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường cũng được quan tâm đầu tư với mục tiêu đưa xã, thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; các chính sách tín dụng, hỗ trợ đất sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được các địa phương đồng loạt triển khai.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong việc tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ nghèo tự vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đặc biệt, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, các chương trình, dự án phát triển kinh tế để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó là triển khai quyết liệt các biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng; chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch và đề ra các chỉ tiêu, giải pháp giảm nghèo như: đào tạo nghề, hướng dẫn cách làm ăn và gắn kết với việc hỗ trợ vay vốn… góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.

 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm