(GLO)- Với khả năng sinh trưởng, chống chịu bệnh tốt, không kén thức ăn, thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt khô nóng nên dê lai Bách Thảo và dê Boer đang trở thành vật nuôi được nhiều nông dân huyện Ia Pa (Gia Lai) lựa chọn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Trao “cần câu”
Từ năm 2017 đến nay, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã triển khai 20 tiểu dự án hỗ trợ sinh kế nuôi dê Bách Thảo và dê Boer sinh sản tại 5 xã: Ia Broăi, Ia Tul, Chư Mố, Ia Kdăm và Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa) với tổng kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng. Trong đó, riêng xã Ia Ma Rơn được hỗ trợ 12 tiểu dự án (12 nhóm) nuôi dê cho 232 hộ dân, hầu hết là người Jrai nghèo và cận nghèo. Mỗi nhóm khoảng 20 hộ được hỗ trợ tổng cộng 260 triệu đồng gồm kinh phí mua dê giống cấp theo định mức mỗi hộ 3 con dê cái, cứ 4 hộ thì có 1 con dê đực; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, vật tư làm chuồng trại, thức ăn ban đầu, thuốc thú y… Cán bộ của tiểu dự án theo sát từng hộ dân để hướng dẫn cách phòng bệnh, chăm sóc dê mẹ và dê con. Mỗi tháng, các nhóm tổ chức họp 1 lần để bà con chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi tình hình sinh trưởng và phát triển của đàn dê cũng như giá cả thị trường.
Ông Rô Kly (thôn Hlim 1, xã Ia Ma Rơn) phấn khởi vì đàn dê phát triển nhanh. Ảnh: Đ.P |
Gia đình ông Nay Tuân (thôn Hlim 1, xã Ia Ma Rơn) trước đây thuộc diện hộ nghèo. Sau khi được cấp 3 con dê cái Bách Thảo để nuôi, đàn dê của gia đình ông hiện đã phát triển lên 8 con. Gia đình với 3 nhân khẩu nhờ đó có thêm kế sinh nhai. “Tôi rất vui mừng vì được Nhà nước quan tâm hỗ trợ dê giống để gia đình chăn nuôi, gầy dựng kinh tế. Dê Bách Thảo dễ nuôi lại chóng lớn, đẻ nhiều nên đàn dê của gia đình tăng số lượng nhanh chóng. Cuối năm 2019, gia đình tôi đã thoát nghèo”-ông Nay Tuân phấn khởi nói.
Hộ ông Siu Khoát (cùng thôn) cũng được dự án hỗ trợ mua 3 con dê giống Boer. Đến nay, đàn dê đã tăng lên trên 20 con. Ông Khoát bán bớt 10 con dê cho người dân trong thôn nhân giống. Vui mừng vì tìm thấy cơ hội thoát nghèo, ông Khoát bày tỏ: “Gia đình tôi không có ruộng, không có đất trồng mì, chỉ đi làm thuê nên cuộc sống khó khăn. Nhờ được Nhà nước cấp dê để nuôi cải thiện đời sống, gia đình đã có tiền để sắm ti vi, xe máy”.
Mở hướng thoát nghèo
Huyện Ia Pa hiện có đàn dê hơn 8.000 con. Tuy nhiên, chiếm đa số vẫn là giống dê cỏ địa phương có trọng lượng nhỏ (20-25 kg/con dê trưởng thành) nên hiệu quả kinh tế thấp. Còn dê Bách Thảo trưởng thành có cân nặng gấp đôi, lại tạp ăn, nhanh lớn, ít bị dịch bệnh nên năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Siu Kuơn-cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa-cho hay: Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai dự án “Nhân rộng mô hình nuôi dê Bách Thảo” để ngành chăn nuôi dê phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Mô hình thực hiện tại xã Ia Ma Rơn và Ia Kdăm với 30 hộ tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con dê đực giống và 50% chi phí thuốc thú y; tổng kinh phí thực hiện 665 triệu đồng. “Mục đích của việc nhân rộng mô hình là cải tạo đàn dê trên địa bàn huyện. Các hộ tham gia được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi dê như: cách làm chuồng nuôi đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát; cách bổ sung thức ăn tinh, lựa chọn thức ăn thô xanh theo mùa và các biện pháp vệ sinh phòng bệnh để đàn dê luôn khỏe mạnh, khả năng sinh sản tốt”-ông Siu Kuơn nói.
Ông Rô Kly (thôn Hlim 1, xã Ia Ma Rơn) là trưởng nhóm nuôi dê thuộc tiểu dự án hỗ trợ sinh kế có 20 hộ tham gia. Gia đình ông cùng với gia đình anh Ksor Ngol là hộ nghèo ở cùng thôn được cấp 5 con dê cái và 1 con dê đực để nuôi chung. “Tôi thấy giống dê này hơn hẳn giống dê địa phương lâu nay bà con vẫn nuôi. Nguồn thức ăn cho nó cũng dễ kiếm, chủ yếu là lá cây, cỏ... Dê của nhà tôi và bà con phát triển tốt, chưa thấy bị bệnh gì. Chúng đẻ 1 năm 2 lứa, mỗi lứa được 1-2 con. Đến nay, tôi đã bán được 13 con rồi, trong chuồng hiện vẫn còn hơn 10 con dê cái và 2 con dê đực”-ông Rô Kly cho hay.
Theo ông Dương Văn Bắc-hướng dẫn viên cộng đồng của Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên phụ trách xã Ia Ma Rơn, xã có 12 nhóm nuôi dê, trong đó 9 nhóm đã được cấp dê giống trong 2 năm 2017 và 2018 (riêng 3 nhóm của năm 2019 chuẩn bị được cấp). Nhìn chung, đàn dê tăng trưởng mạnh cả về số lượng và chất lượng, bà con rất phấn khởi. Đàn dê hiện đã tăng lên hơn 1.000 con, là nguồn giống bổ sung cho địa phương phát triển chăn nuôi, giúp ổn định sinh kế cho hàng trăm hộ dân.
Các tiểu dự án hỗ trợ sinh kế nuôi dê Bách Thảo và dê Boer mà Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên triển khai cùng với dự án “Nhân rộng mô hình nuôi dê lai Bách Thảo” của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa được xem là cách làm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đàn dê giống ban đầu này đã lai tạo sinh sản ra đàn dê tốt hơn, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ tham gia mô hình. Dự án là hướng khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương, thúc đẩy ngành chăn nuôi dê phát triển bền vững.
ĐỨC PHƯƠNG
- Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy - App Store: https://apple.co/2W9SmGa |