Kinh tế

Nông nghiệp

Ia Pa phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, nhiều hộ dân huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Hình thức chăn nuôi này giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm của mầm bệnh trên đàn vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Bà Lưu Thị Lý (thôn Quý Tân, xã Ia Trốk) có thâm niên chăn nuôi heo hơn 15 năm. Mỗi năm, bà nuôi 3 lứa heo, mỗi lứa hơn 20 con. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn heo, bà xây dựng chuồng cách xa nhà ở, thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ. Cùng với đó, bà xây dựng hệ thống hầm biogas để thu gom, xử lý chất thải nhằm tránh phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Hầu hết các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Ia Pa đều có ý thức vệ sinh chuồng trại để phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: N.H

Hầu hết các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Ia Pa đều có ý thức vệ sinh chuồng trại để phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: N.H

“Trong quá trình chăn nuôi, tôi chú trọng việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn heo. Ngoài các đợt tiêm phòng định kỳ do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và xã triển khai, gia đình tự mua thêm vắc xin để chủ động tiêm phòng; thực hiện khử trùng mỗi khi tái đàn. Vì vậy, đàn heo ít bị dịch bệnh”-bà Lý nói.

Tương tự, bà Võ Thị Hảo (cùng thôn) cho hay: “Gia đình tôi nuôi heo được gần 10 năm nay và hiện đang nuôi 7 con heo giống cùng đàn heo thịt hơn 20 con. Trong quá trình nuôi, gia đình thực hiện việc khử trùng, tiêm phòng vắc xin theo hướng dẫn của nhân viên thú y. Ngoài ra, gia đình cũng đầu tư xây dựng 2 hệ thống hầm biogas với dung tích hơn 22 m3 để thu gom, xử lý chất thải”.

Bà Võ Thị Hảo xây dựng hầm bioga để xử lý chất thải trong chăn nuôi heo đảm bảo vệ sinh môi trường. Ảnh: Nhật Hào

Bà Võ Thị Hảo xây dựng hầm bioga để xử lý chất thải trong chăn nuôi heo đảm bảo vệ sinh môi trường. Ảnh: Nhật Hào

Ông Đỗ Hoàng Châu-Chủ tịch UBND xã Ia Trốk-thông tin: Trên địa bàn xã có hơn 3.090 con bò, hơn 1.000 con heo, hơn 1.240 con dê và đàn gia cầm gần 35.800 con. Những năm qua, xã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, vận động người dân thực hiện tốt các kế hoạch về tiêm phòng dịch bệnh, khử trùng chuồng trại, áp dụng công nghệ xử lý chất thải để giảm thiểu tác động đến môi trường. Đến nay, hầu hết các hộ chăn nuôi heo đều xây dựng hệ thống biogas để thu gom, xử lý chất thải. Nhờ đó, đàn vật nuôi ít dịch bệnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ.

Xã Ia Mrơn có tổng số đàn vật nuôi trên 4.850 con, chủ yếu là bò, heo, gà, vịt và hươu. Ông Lương Văn Hiếu-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: Trước đây, một số hộ chăn nuôi không có hệ thống biogas xử lý chất thải, chuồng trại ở gần nhà nên gây mùi hôi ảnh hưởng đến khu dân cư; công tác phòng trừ dịch bệnh chưa được chú trọng.

Thời gian gần đây, thông qua các đợt tập huấn, kiểm tra thực tế, xã đã hướng dẫn người dân áp dụng hệ thống biogas để xử lý chất thải, thực hiện vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng môi trường, chủ động mua các loại vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Nhờ đó, dịch bệnh trên đàn vật nuôi chỉ xảy ra nhỏ lẻ và quá trình chăn nuôi cũng ít tác động đến môi trường.

Trao đổi với P.V, ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Qua thống kê, toàn huyện hiện có 6 dự án chăn nuôi heo áp dụng công nghệ cao và gần 10.000 hộ chăn nuôi cá thể với tổng đàn vật nuôi gần 320.400 con.

Những năm qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã tổ chức các lớp tập huấn chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi, trong đó có lồng ghép tuyên truyền chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để phòng tránh dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả về kinh tế, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Đến nay, trên 20% số hộ chăn nuôi đã áp dụng các giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Với hướng chăn nuôi này, nhiều hộ dân đã cải thiện được thu nhập. Năm 2023, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trên địa bàn đạt 210,4 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010).

“Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các xã hướng dẫn người dân chăn nuôi đảm bảo hiệu quả, trong đó có áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường”-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm