Kinh tế

Nông nghiệp

Ia Pa tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng năm 2021, sản xuất nông nghiệp của huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) vẫn đạt được những kết quả khả quan. Đây là nền tảng quan trọng để chính quyền địa phương tiếp tục triển khai chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất

Xác định cây giống, con giống có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã vận động người dân đưa giống cây trồng mới, giống chuyển gen kháng sâu bệnh có nguồn gốc, xuất xứ vào sản xuất. Vụ Đông Xuân 2020-2021, huyện đã triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa với diện tích 401,15 ha tại các xã: Pờ Tó, Ia Ma Rơn, Ia Broăi, Ia Kdăm, Chư Mố; 396 ha lúa vụ mùa tại các xã: Ia Trok, Ia Ma Rơn, Ia Broăi, Ia Tul. Các giống lúa mới gồm: BC15, TBR-1, ĐH815-6, N25, Đài Thơm 8 được đưa vào sản xuất đều sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao hơn các giống lúa cũ 1,5-2 tấn/ha.

Bà Lê Thị Thảo-công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Ma Rơn-cho biết: Thời gian qua, chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh việc liên kết 4 nhà (nhà nông-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà nước) trong sản xuất lúa gạo. Trong đó, vụ Đông Xuân 2020-2021, xã liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed triển khai Dự án “Hỗ trợ giống lúa N25 và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm” trên diện tích 77 ha của 309 hộ tham gia. Với năng suất lúa đạt 10-11 tấn/ha, các hộ tham gia lãi bình quân 26 triệu đồng/ha. Vụ mùa, xã tiếp tục liên kết với Công ty TNHH giống cây trồng Thành Lợi triển khai mô hình hỗ trợ giống lúa MT10 trên diện tích 80 ha và Công ty TNHH Nông Việt Phát triển khai mô hình hỗ trợ giống lúa N25 trên diện tích 137 ha, tổng cộng có 817 hộ tham gia. Năng suất bình quân đạt 7-8 tấn/ha, mang về lợi nhuận 17,4 triệu đồng/ha. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% giống và được hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất lúa đạt cao, lợi nhuận bình quân tăng so với diện tích lúa ngoài mô hình khoảng 10 triệu đồng/ha.

Hội thảo đầu bờ mô hình liên kết sản xuất cánh đồng lúa lớn một giống tại xã Ia Ma Rơn. Ảnh: Vũ Chi
Hội thảo đầu bờ mô hình liên kết sản xuất cánh đồng lúa lớn một giống tại xã Ia Ma Rơn. Ảnh: Vũ Chi


Năm 2021, huyện Ia Pa tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai triển khai Dự án “Trồng mía nguyên liệu” giai đoạn 2 tại xã Pờ Tó và Chư Mố trên tổng diện tích 105 ha của 123 hộ tham gia. Chị Nguyễn Thị Liễu (thôn 2, xã Pờ Tó) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có hơn 40 ha tham gia Dự án “Trồng mía nguyên liệu” của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai. Gia đình được Công ty hỗ trợ một phần chi phí sản xuất; các khâu từ cày ải, trồng, tưới nước đều được cơ giới hóa. Nhờ vậy, gia đình tiết kiệm chi phí thuê nhân công và năng suất mía đạt 70-80 tấn/ha. Năm nay, Công ty thu mua với giá cao hơn mọi năm nên chúng tôi rất phấn khởi”.

Năm 2021, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả heo châu Phi khiến người chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề. Trong đó, bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 9/9 xã đã làm 1.705 con bò bị nhiễm bệnh, 257 con chết. Dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 6/9 xã khiến 693 con heo bị nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy với trọng lượng trên 47 tấn. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã cơ bản được kiểm soát.

Từ thực tế đó, chính quyền địa phương khuyến khích người dân phát triển mô hình trang trại, gia trại theo hướng an toàn sinh học, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung. Hiện trên địa bàn huyện có 4 trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao quy mô 2-20 ngàn con, trên diện tích 45 ha. Ngoài ra, 11 doanh nghiệp đang lập dự án xin đầu tư phát triển chăn nuôi heo công nghệ cao với diện tích hơn 660 ha, tập trung tại địa bàn các xã: Pờ Tó, Chư Răng và Kim Tân. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai Dự án hỗ trợ nuôi dê Bách Thảo theo chuỗi an toàn thực phẩm tại xã Ia Broăi và xã Pờ Tó. Cùng với đó, đàn bò lai cũng được chú trọng phát triển, chiếm 26,2% tổng đàn.

Tái cơ cấu theo hướng bền vững

Theo ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, trong năm 2021, thực hiện kế hoạch của UBND huyện về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, Phòng đã chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn, UBND các xã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại bước đầu đạt kết quả tích cực. Theo đó, nông-lâm nghiệp chiếm 54% cơ cấu kinh tế; tổng giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp đạt 1.445,6 tỷ đồng; tổng diện tích gieo trồng đạt 34.370 ha, bằng 100,15% kế hoạch, tập trung vào một số cây trồng chủ lực như: lúa nước 6.249 ha, bắp 2.918 ha, mì 9.410 ha, mía 4.294 ha.

 Người dân xã Ia Tul áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo cây giống trong nhà màng. Ảnh: V.C
Người dân xã Ia Tul áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo cây giống trong nhà màng. Ảnh: Vũ Chi


Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhiệm vụ quan trọng trong tái cơ cấu ngành trồng trọt, năm 2021, các địa phương trong huyện đã chuyển đổi 488 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó, diện tích trồng lúa chuyển đổi là 238 ha, tập trung ở các xã: Ia Trok, Ia Ma Rơn và Chư Mố. Các loại cây trồng kém hiệu quả khác cũng đã chuyển đổi được 250 ha. Cùng với đó, huyện xây dựng các vùng chuyên canh một số cây trồng chủ lực như: 3.500 ha mía, 10.000 ha mì, 3.000 ha lúa, 1.100 ha thuốc lá có sự liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để phát triển vùng nguyên liệu ổn định và bền vững. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được chú trọng đầu tư. Từ năm 2016 đến nay, các địa phương đã đầu tư kiên cố hóa, nâng cấp hơn 38 km kênh mương nội đồng và các trạm bơm điện, nâng cao hiệu quả tưới tiêu cho hơn 3.000 ha lúa 2 vụ và một số hoa màu; nâng cấp 60 km đường nội đồng, tạo điều kiện đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Thái-Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Tó-cho hay: Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn tiến hành đánh giá khả năng thích nghi đất đai và phân vùng định hướng sản xuất để xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp bền vững. Trên cơ sở quy hoạch cụ thể gồm: vùng nguyên liệu truyền thống; vùng chăn nuôi công nghệ cao; cụm công nghiệp phát triển; vùng cây ăn quả; cây dược liệu; cây hoa, rau củ quả; vùng nuôi chim yến để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển sản xuất. Đây cũng là niềm mong mỏi của người dân nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập.

Theo ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện: Thời gian qua, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số chậm thay đổi, tỷ lệ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn thấp nên tỷ trọng ngành nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng đất đai, lao động của địa phương. Giai đoạn 2021-2025, UBND huyện định hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của địa phương. Lĩnh vực trồng trọt phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, trong đó, chú trọng phát triển sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực như: lúa, bắp, mì, mía và một số cây ăn quả, cây dược liệu. Cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao tỷ lệ đàn bò lai, phát triển đàn heo theo hướng nạc hóa. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành nông-lâm nghiệp của huyện đạt 1.878 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 6,58%, chiếm 50,2% cơ cấu kinh tế.

 

 VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm