Bạn đọc

Ia Pa: Xôn xao việc vay nợ tiền tỷ nhưng chây ì không trả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lợi dụng danh nghĩa tổ trưởng tổ vay vốn, K.H.G. (SN 1989, trú tại thôn Hlim 1, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã huy động số tiền lớn của nhiều người. Tuy nhiên, đến hẹn trả nợ, G. chây ì không trả khiến các chủ nợ hết sức hoang mang, lo lắng.

Những ngày qua, anh Đinh Văn Trường (thôn Đak Chá, xã Ia Ma Rơn) sống trong cảnh thấp thỏm lo âu vì khoản tiền 380 triệu đồng cho G. mượn giờ chưa thể thu hồi. Anh Trường và G. có mối quan hệ quen biết vì cùng là Tổ trưởng tổ vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Pa. Đầu tháng 1-2022, G. ngỏ ý mượn tiền của anh Trường để đáo hạn ngân hàng cho các tổ viên. Vì tin tưởng nên anh Trường đã 3 lần đưa tiền cho G. với tổng số tiền 380 triệu đồng vào các ngày từ 11 đến 13-1.

 Phóng viên làm việc với những người cho G. vay tiền nhưng chưa đòi được nợ. Ảnh: Văn Ngọc
Phóng viên làm việc với những người cho G. vay tiền nhưng chưa đòi được nợ. Ảnh: Văn Ngọc


“G. cũng không nói lãi suất gì cả mà chỉ bảo rằng sẽ bồi dưỡng đôi chút. Tôi cũng muốn giúp tổ bên đó đáo hạn, sau này lỡ mình túng thiếu cần đến thì có thể vay lại nên đã cho G. mượn. Đó gần như là toàn bộ tài sản mà vợ chồng tôi dành dụm. Tôi làm nông, vợ tôi làm nhân viên y tế, thu nhập không đáng là bao. Lâu nay, cả gia đình 4 người phải ở trong căn nhà chỉ có 24 m2 nên đó là số tiền mà vợ chồng tôi dự định trong năm nay sẽ xây nhà”-anh Trường chia sẻ.

Theo 3 giấy vay mượn viết tay, G. hẹn đến ngày 17-1 sẽ trả đủ cho anh Trường. Tới ngày hẹn, không thấy chị này trả nợ nên anh Trường gọi điện thì không liên lạc được. Ngày 21-1, lên Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện làm việc và hỏi thăm G. có đáo hạn ngân hàng cho tổ viên của mình hay không thì anh mới biết rằng không hề có sự việc như vậy. “Hết lần này đến lần khác, G. nói trục trặc về bìa đỏ đang phải đợi Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện giải quyết nên chưa thể đáo hạn được. Đến giờ, tôi cũng chỉ biết chờ chứ không biết làm sao”-anh Trường than thở.

Cũng là Tổ trưởng tổ vay vốn ở thôn Đoàn Kết (xã Ia Ma Rơn), chị Mai Thị Xâm đã tin tưởng giao cho G. 532 triệu đồng. Đây vừa là tiền nhà tích góp, vừa là tiền chị Xâm vay mượn của người thân để đưa cho G. mượn. G. cũng hứa hẹn sẽ trả toàn bộ vào ngày 17-1 nhưng sau đó “bặt vô âm tín”. Khi tìm đến nhà thì G. viện hàng loạt lý do. Chị Xâm buồn bã cho hay: “Giờ tôi không biết ăn nói sao với gia đình vì số tiền quá lớn. Thực ra G. cũng không nói lãi suất cao hay thế nào cả, chỉ là vay trong thời hạn vài ngày rồi trả ngay, lại có giấy viết tay nữa, khi hoàn tất G. có bồi dưỡng bao nhiêu thì tùy nên tôi mới tin tưởng. Có lẽ tôi phải làm đơn tố cáo nhờ Công an vào cuộc thôi”.         

Trong khi đó, bà A Hà (làng Hlim 2, xã Ia Ma Rơn) dành dụm được 150 triệu đồng gửi tiết kiệm ngân hàng phòng thân khi tuổi già nhưng nghe những lời ngon ngọt đã rút số tiền này ra cho G. mượn vào ngày 11-1 và hẹn đến 21-1 sẽ trả. Tới hẹn nhưng G. không trả, bà Hà tìm đến nhà thì phát hiện nhiều người cùng cảnh ngộ cũng tụ tập ở đây. “Tôi tìm liên tục nhưng G. chỉ nằm im bảo bị đau bệnh. Hỏi số tiền đó đưa cho ai để tôi đi đòi thì G. cũng không nói gì, có lúc lại bảo đưa cho ai đó giờ tìm không được. Con cái dặn tôi chỉ gửi tiết kiệm trong ngân hàng thôi đừng cho ai vay hết nhưng tôi lại lỡ lầm”-bà Hà ân hận.

Trao đổi với P.V, ông Trần Ánh Tôn-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Pa-cho hay: G. vốn là Tổ trưởng quản lý khoản vay hơn 2,7 tỷ đồng của 58 hộ dân. Sau khi nắm thông tin, đơn vị đã tiến hành họp các tổ viên của tổ vay vốn làng Hlim 1 và thống nhất thay thế tổ trưởng vì G. để xảy ra nợ ngoài, ảnh hưởng đến uy tín chung. Ông Tôn khẳng định: “Qua rà soát và nắm thông tin dư luận, G. nợ của nhiều người với số tiền 7-8 tỷ đồng. Nhưng chúng tôi khẳng định không hề có việc G. dùng số tiền vay mượn của người ngoài để đáo hạn cho các tổ viên ở Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Pa. Nếu G. nói như vậy với những người cho vay là không chính xác. G. vay mượn vào mục đích nào khác chứ không hề liên quan đến chúng tôi”.

Còn ông Nguyễn Văn Nhật-Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn thì cho hay: “Đến thời điểm hiện tại, UBND xã chưa nhận được đơn trình báo của cá nhân nào. Khi nắm thông tin về vụ việc, UBND xã đã cử lực lượng Công an xác minh và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, không để xảy ra tình trạng xiết nợ gây phức tạp tình hình. Việc chị G. vay bao nhiêu người với số tiền cụ thể thế nào thì chưa thể xác định chính xác nhưng hầu hết là người dân trong xã với số tiền hàng tỷ đồng. Ủy ban nhân dân xã cũng khuyến cáo người dân có thể làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng để được can thiệp kịp thời”.  

 

 LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm