(GLO)- Xã Ia Pia (huyện Chư Prông, Gia Lai) những ngày này nắng như đổ lửa. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt và tưới cho cây công nghiệp ở đây đang thiếu trầm trọng.
500 ha cà phê, hồ tiêu có nguy cơ chết khô
Từ tháng 8-2018 đến nay, trên địa bàn xã Ia Pia không có mưa. Khô hạn khiến hơn 2.700 ha cây trồng các loại của xã bị ảnh hưởng, đặc biệt là 500 ha cà phê, hồ tiêu xanh mướt ngày nào giờ ngả sang màu vàng cháy.
Đang trên đường ra rẫy cà phê tìm cách nạo vét giếng để lấy nước tưới, ông Rơ Lan Kram-Trưởng thôn Xom-than thở: “Nhà mình có 4 sào cà phê, tưới 4 lần rồi mà vẫn thiếu nước, giếng đào đã cạn khô mà trời thì vẫn chưa mưa. Tới thời điểm này, cà phê đã cháy hết lá, mình lo lắm. Nếu không có nước tưới, cà phê sẽ bị rụng quả non. Gia đình đang tìm thuê máy nạo vét giếng sâu hơn, nhưng nắng nóng thế này không biết có nước hay không?”.
Nhiều diện tích cà phê ở xã Ia Pia đã héo khô vì thiếu nước tưới. Ảnh: H.T |
Toàn xã Ia Pia có hơn 100 giếng khoan, giếng đào do người dân tự bỏ tiền làm để lấy nước tưới cho cây trồng. Mỗi giếng sâu từ 40 m đến hơn 100 m, tiền thuê khoan, đào hết 50-60 triệu đồng/giếng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều giếng đã cạn khô. Ông Rơ Lan Brớp (làng Xom) có 3 ha cà phê đang cháy khô vì hạn. Ông cho biết: “Vụ trước, cà phê bị mất mùa. Vụ này, tình trạng nắng nóng, thiếu nước tưới lại xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cà phê”.
Theo ông Nguyễn Bá Nhung-Chủ tịch UBND xã Ia Pia, 20 ngày nữa mà vẫn chưa có mưa thì 500 ha cà phê, hồ tiêu của xã sẽ chết khô. Trước đây, Ia Pia là “thủ phủ” hồ tiêu của huyện nhưng do loại cây này bị dịch bệnh rồi chết nên nhiều người dân chuyển sang trồng cà phê. Nắng nóng kéo dài, cà phê là cây trồng cần nhiều nước tưới hơn cây hồ tiêu nên khô hạn càng thêm trầm trọng.
Tìm đủ cách lấy nước sinh hoạt
Ông Nguyễn Anh Dũng-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông: Hiện nay, tình trạng thiếu nước tưới cho cây công nghiệp và nước sinh hoạt diễn ra cục bộ ở một số xã như Ia Vê, Ia Me, Ia Ga, nhất là Ia Pia. Nếu thời gian tới trời không mưa, diện tích cà phê, hồ tiêu ở đây sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. |
Ông Nguyễn Bá Nhung cho biết thêm: Xã Ia Pia hiện không chỉ thiếu nước tưới cho cây công nghiệp mà nước sinh hoạt cho người dân tại các làng Khô, Xom, Pia, Mo cũng đang thiếu trầm trọng. Xã không biết làm thế nào để giải quyết tình trạng này.
Để có nước dùng, người dân các làng phải tranh thủ dậy từ sớm đến làng Ngó, làng Hát 1 (được Nhà nước xây dựng công trình nước sạch) xin nước. Chị Nguyễn Thị Diễm Hằng-cán bộ nông nghiệp xã Ia Pia-cho biết: “Bằng cách này thì một số người dân khắc phục được tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều làng ở cách xa 5-6 km nên người dân ngại đi xa xin nước. Họ chủ yếu sử dụng nước ở các khe suối”.
Theo ông Rơ Mah Bơn (làng Khô), gia đình ông có 14 khẩu. Thời gian qua, gia đình ông phải dè sẻn từng chút nước sinh hoạt vậy mà cũng không đủ. Ông đành nói con mang can sang làng Ngó xin nước về nấu cơm. Còn chị Kpă Ping (làng Xom) cho biết: Hơn 1 tháng qua, 2 giọt nước của làng đã cạn khô. Nhiều hộ trong làng phải vào sâu trong rừng gần 3 km mới tìm được ít nước nơi suối cạn. “Chúng tôi tiết kiệm từ nước nấu ăn, tắm giặt, nhưng nước uống thì không thể tiết kiệm. Không biết chúng tôi phải chịu đựng cảnh thiếu nước sinh hoạt đến bao giờ?”-chị Ping nói.
Chủ tịch UBND xã Ia Pia Nguyễn Bá Nhung cho rằng, nắng hạn đang gay gắt nên xã chỉ đạo người dân các thôn, làng chủ động nạo vét giếng tìm nguồn nước. Xã cũng bám sát tình hình nắng hạn, thống kê diện tích cây trồng bị ảnh hưởng và đề xuất huyện có giải pháp ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, xã đã kiến nghị huyện hỗ trợ người dân kinh phí làm giếng khoan, bơm tưới giúp địa phương chủ động phòng-chống hạn; về lâu dài có dự án xây mới công trình nước sạch phục vụ bà con.
HÀ TÂY