Điểm đến Gia Lai

Ia Rbol giảm nghèo nhờ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) còn tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

“Bà đỡ” thoát nghèo

Xã Ia Rbol có 98% dân số là người dân tộc thiểu số. Cuối năm 2022, xã còn 74 hộ nghèo (chiếm 7,2% dân số), 90 hộ cận nghèo (chiếm 8,75%). Để nâng cao chất lượng cuộc sống, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; hướng dẫn bà con thay đổi phương thức canh tác, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế nhằm tăng thu nhập.

Để giải quyết vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, chính quyền địa phương cùng các tổ chức chính trị-xã hội đã tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cũng như hướng dẫn sử dụng sao cho hiệu quả.

Hội LHPN xã Ia Rbol thường xuyên động viên, hướng dẫn hội viên sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Ảnh: Vũ Chi

Thấy chúng tôi đến thăm, chị Ksor H’Jrao (buôn Rưng Ma Rai) vui vẻ dẫn khách ra tham quan vườn rau xanh mướt bên hiên nhà. Chị bảo: Cứ có thời gian rảnh là xem tin tức để học cách làm giàu, chỉ bảo lại cho con cháu và bà con trong buôn. Ngắm nhìn ngôi nhà sàn nhỏ được bài trí ngăn nắp, ít ai biết rằng trước đây, gia đình chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2006, do chồng chị thường xuyên nhậu nhẹt, đánh đập vợ con nên chị quyết định ly hôn. Một mình chị gồng gánh nuôi 5 con nhỏ, ruộng rẫy chẳng có nhiều nên dù làm thuê, làm mướn song cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau.

Năm 2018, chị được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã giới thiệu nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Sau đó, chị đã quyết định vay 40 triệu đồng mua 3 con bò về nuôi. Ngoài thời gian đi học, các con chị phụ giúp chăn dắt để bò nhanh lớn, phát triển. 2 người con lớn của chị cũng được giới thiệu làm công nhân tại các tỉnh, thành phía Nam để có thêm nguồn thu nhập phụ giúp mẹ. Năm 2020, cùng với số tiền tiết kiệm các con gửi về, chị bán bớt 4 con bò trong tổng số 7 con gây đàn để dựng căn nhà mới khang trang. Cuối năm 2020, gia đình chị thoát nghèo. 1 năm sau đó, chị hoàn trả hết cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng.

Chị H’Jrao bộc bạch: “Gia đình tôi cảm ơn Hội LHPN xã nhiều lắm. Không chỉ giúp tôi làm hồ sơ vay vốn, hàng tháng, các chị đều xuống thăm hỏi, động viên, hướng dẫn tôi cách chăn nuôi, phòng-chống dịch bệnh cho đàn bò; hỗ trợ giống làm vườn rau xanh cải thiện bữa ăn. Cũng nhờ Hội động viên, con cái tôi mạnh dạn đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập. Tôi đang duy trì đàn bò 5 con, 1,5 sào lúa và 2 sào mì. Cuộc sống gia đình ngày càng ổn định”.

Tương tự, gia đình chị Nay H’Joel (buôn Rưng Ma Nin) hiện đã trở thành hộ có thu nhập khá tại địa phương với hơn 150 triệu đồng/năm. Năm 2019, thông qua tín chấp của Hội LHPN xã, chị vay 70 triệu đồng tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã để đầu tư phát triển sản xuất. Nhận thấy giống heo địa phương dễ chăm sóc, nguồn thức ăn dồi dào, giá bán lại cao, chị đầu tư chăn nuôi heo.

Từ 2 con heo giống, đến nay, chị duy trì đàn heo trong chuồng khoảng 20 con. Số tiền thu được từ bán heo, chị đầu tư mua máy xới, máy cắt lúa vừa phục vụ sản xuất của gia đình, vừa làm dịch vụ kiếm thêm thu nhập. Thời gian vừa qua, do dịch tả heo châu Phi có dấu hiệu tái phát tại địa phương, chị đã xuất bán toàn bộ đàn heo, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng chuẩn bị đầu mùa khô tới tái đàn trở lại.

Chị H’Joel phấn khởi nói: “Trước đây, do thiếu vốn đầu tư sản xuất nên đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nên tôi có điều kiện phát triển chăn nuôi heo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn tại xã, gia đình tôi biết sử dụng giống cây trồng mới, áp dụng cơ giới vào sản xuất. Gia đình vừa thu hoạch 8 sào lúa Đài Thơm 8 với sản lượng đạt 6 tấn. Với giá lúa khô 8.800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi 24 triệu đồng”.

Tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn vốn

Nguồn vốn ưu đãi đã thực sự trở thành “bà đỡ” giúp người dân vùng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, để nguồn vốn đến với bà con và phát huy hiệu quả, các tổ chức chính trị-xã hội đóng vai trò quan trọng. Là cầu nối giữa người dân với ngân hàng, Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh không chỉ giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo làm hồ sơ vay vốn mà còn có trách nhiệm hướng dẫn hộ dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, quản lý được vốn, thu lãi hàng tháng, hàng quý cho ngân hàng, để không xảy ra nợ xấu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Với 1.027 hội viên, Hội LHPN xã nhận ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã nhiều nhất với 258 hộ vay, tổng dư nợ trên 12,3 tỷ đồng. Bà Nay H’Li Na-Chủ tịch Hội LHPN xã-cho biết: Trên cơ sở rà soát số tiêu chí thiếu hụt của các hội viên nghèo, cận nghèo đầu năm, Hội lập danh sách những hội viên thiếu vốn sản xuất để tư vấn, giới thiệu nguồn vốn vay ưu đãi.

Trước khi vay vốn, các hội viên phải ký cam kết sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Sau 15-30 ngày vay vốn, Ban Chấp hành Hội sẽ trực tiếp xuống kiểm tra vốn sử dụng vào mục đích gì. Hàng tháng, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng nhà hội viên tuyên truyền, vận động nộp lãi đúng hạn. Khi có khó khăn, vướng mắc, tổ trưởng kịp thời báo cáo lên Hội cũng như chính quyền địa phương, ngân hàng tìm cách giải quyết.

“Ngoài nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng, từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN xã đã giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh cho 40 hội viên vay hơn 600 triệu đồng. Từ các nguồn vốn này, nhiều chị em đã mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”-Chủ tịch Hội LHPN xã thông tin thêm.

Hội Nông dân xã đang quản lý 5 tổ tiết kiệm và vay vốn với 244 hộ vay, tổng dư nợ trên 10,4 tỷ đồng. Ông Rcom Phuen-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho hay: Toàn xã có 765 hội viên, trong đó có 27 hội viên nghèo, 33 hội viên cận nghèo. Hàng năm, cùng với việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa hội viên tham quan các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương, Ban Chấp hành Hội đặc biệt chú trọng tới công tác hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tạo đà phát triển sản xuất.

Hội đang phụ trách các hộ vay vốn của 2 buôn Sar và Krái. Nhờ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát nên hầu hết các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi, gốc đúng hạn. Đối với các hộ hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Hội linh động tạo điều kiện để bà con đóng lãi vào mùa thu hoạch nông sản.

Chị Ksor H’Jrao (buôn Rưng Ma Rai) sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để chăn nuôi bò. Ảnh: V.C

Trao đổi với P.V, ông Nay Pôl-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rbol-thông tin: Năm 2023, xã phấn đấu giảm 35 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo. Để đạt chỉ tiêu đề ra, chính quyền địa phương đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể phụ trách giúp đỡ hộ hội viên thoát nghèo, trong đó có việc hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Để tạo thuận lợi cho quá trình hoạt động, xã giao nhiệm vụ cho các hội, đoàn thể phụ trách các tổ tiết kiệm và vay vốn theo từng thôn, buôn. Việc nắm chắc hoàn cảnh từng hội viên, tiêu chí thiếu hụt sẽ giúp công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao hơn.

Ia Rbol hiện có 17 tổ tiết kiệm và vay vốn với 870 hộ vay. Tổng dư nợ đến tháng 9-2023 là trên 43,5 tỷ đồng. Trong đó, vay giải quyết việc làm 143 hộ với dư nợ hơn 6 tỷ đồng, vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 338 hộ với dư nợ hơn 6,8 tỷ đồng; vay hộ nghèo 77 hộ với dư nợ hơn 4 tỷ đồng, vay hộ cận nghèo 125 hộ với dư nợ hơn 6,6 tỷ đồng…

Để nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, chính quyền địa phương phối hợp cùng với các tổ chức chính trị-xã hội thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả cũng như thông qua các buổi họp thôn, qua hệ thống loa truyền thanh, cổng thông tin điện tử của xã, các trang Facebook, Zalo của các Hội, đoàn thể giới thiệu những mô hình hay, cách làm hiệu quả để bà con học tập làm theo.

Có thể bạn quan tâm