Điểm đến Gia Lai

Ia Rbol nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Là 1 trong 2 xã được chọn xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao trong giai đoạn 2021-2025, xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đang nỗ lực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm hoàn thành các tiêu chí đề ra.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Anh Nay Long (bìa phải, Trưởng thôn Rưng Ma Nhiu) tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: V.C

Anh Nay Long (bìa phải, Trưởng thôn Rưng Ma Nhiu) tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: V.C

Xác định một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình xây dựng NTM là hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, từ năm 2022 đến nay, xã Ia Rbol đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, tu bổ nhà sinh hoạt cộng đồng...

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, năm 2022, xã triển khai sửa chữa đường giao thông nông thôn buôn Rưng Ma Nhiu dài 573 m, tổng kinh phí 690 triệu đồng, trong đó, người dân đóng góp 96 triệu đồng; làm đường bê tông buôn Sar dài 533 m, kinh phí 639 triệu đồng, người dân đóng góp 63,9 triệu đồng; sửa chữa, tu bổ nhà văn hóa buôn Rưng Ma Nin 63,9 triệu đồng.

Năm 2023, xã tiếp tục nâng cấp 3 tuyến đường buôn Rưng Ma Nin dài 700 m với kinh phí trên 700 triệu đồng, xây mới nhà vệ sinh tại nhà sinh hoạt cộng đồng 3 buôn Sar, Rưng Ma Nhiu, Rưng Ma Rai với tổng kinh phí 201 triệu đồng. Các công trình góp phần thay đổi diện mạo thôn, buôn; tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa cũng như giao lưu văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Anh Nay Long-Trưởng thôn Rưng Ma Nhiu-cho biết: Nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn xây dựng đã 5 năm nhưng chưa có nhà vệ sinh nên sinh hoạt khá bất tiện. Năm 2023, được chính quyền địa phương ưu tiên xây dựng nhà vệ sinh với đầy đủ tiện nghi, trị giá 67 triệu đồng, bà con trong buôn rất mừng, đi lại, hội họp đông đủ. Vệ sinh môi trường xung quanh nhà sinh hoạt cộng đồng được đảm bảo.

Cùng với đó, thông qua cầu nối của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, buôn có 2 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa (trị giá 50 triệu đồng/căn). Đây là nguồn động lực to lớn giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chị Nay H'Blot (thứ 3 từ phải sang, buôn Rưng Ma Nhiu) hạnh phúc trong ngày nhận bàn giao nhà tình nghĩa. Ảnh: V.C

Chị Nay H'Blot (thứ 3 từ phải sang, buôn Rưng Ma Nhiu) hạnh phúc trong ngày nhận bàn giao nhà tình nghĩa. Ảnh: V.C

Gia đình chị Nay H'Blot (buôn Rưng Ma Nhiu) là 1 trong 2 hộ nghèo được BIDV Phố Núi hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa năm 2023. Bị câm bẩm sinh, chị lựa chọn làm mẹ đơn thân với hy vọng có thêm niềm vui trong cuộc sống. Không ngờ, con trai chị khi mới sinh ra cũng bị dị tật, teo cơ chân, không được nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác. Cuộc sống gia đình chị đã khó lại càng thêm khó. Không có ruộng rẫy, hàng ngày, chị phải đi làm thuê làm mướn nhưng 2 mẹ con cũng chỉ đủ rau cháo qua ngày, ước mơ về một căn nhà kiên cố là quá xa vời.

Biết được hoàn cảnh của chị, thông qua sự kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, BIDV Phố Núi đã quyết định hỗ trợ xây dựng cho 2 mẹ con chị căn nhà tình nghĩa. Hội Liên hiệp phụ nữ xã cũng giới thiệu cho chị việc làm thêm để có thu nhập.

Theo ông Trần Trọng Kim-Chủ tịch UBND xã Ia Rbol, năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã đã xây dựng 4 căn nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà của xã với tổng kinh phí 176 triệu đồng, hỗ trợ sinh kế 600 triệu đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp 179 triệu đồng.

Bên cạnh đó, từ nguồn vận động xã hội hóa, xã xây dựng thêm 3 căn nhà cho hộ nghèo trị giá 150 triệu đồng, hỗ trợ xây mới 5 nhà vệ sinh trị giá 25 triệu đồng cho 5 hộ nghèo. An cư lạc nghiệp, có căn nhà kiên cố, có sinh kế làm ăn, các hộ nghèo có thêm điều kiện để vươn lên gầy dựng cuộc sống. Năm 2023, xã giảm được 35 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo. Hiện xã còn 39 hộ nghèo, chiếm 3,75% và 76 hộ cận nghèo, chiếm 7,31%. Xã tiếp tục đề ra chỉ tiêu giảm nghèo trong năm 2024 là giảm 29 hộ nghèo và 29 hộ cận nghèo, đồng thời hướng tới mục tiêu không còn hộ nghèo vào năm 2025.

Hoàn thành các tiêu chí thiếu hụt

Hợp tác xã Nông nghiệp Thống Nhất thành lập từ nhiều năm nay song hiện đang đứng trước nguy cơ giải thể do hoạt động không hiệu quả. Mô hình liên kết trồng nấm rơm và nấm bào ngư của Hợp tác xã với 1 công ty tại Hà Nội không thể duy trì do công ty này phá sản. Người phụ trách Hợp tác xã đã chuyển đến địa phương khác làm việc và sinh sống. Vì vậy, tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn với xã Ia Rbol đang là bài toán nan giải.

Ông Rcom Phuen-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho hay: Hiện xã đang duy trì 5 tổ hội nghề nghiệp song thành viên tương đối ít, chưa có chi hội nghề nghiệp và nông hội. Khi triển khai một số mô hình liên kết mới, người dân chưa mặn mà tham gia.

Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 56 triệu đồng/năm. Vì vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới của Hội là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn tham gia các mô hình liên kết, hướng tới xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Cán bộ, đảng viên có đất sản xuất tiên phong tham gia các mô hình, dự án để người dân thấy được hiệu quả mà học tập làm theo, từng bước thay đổi thói quen canh tác cũ, đồng thời đẩy mạnh phong trào sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương để nâng cao mức sống người dân.

Ông Ksor Bhot (buôn Rưng Ma Nhiu) mạnh dạn vay vốn ngân hàng để chăn nuôi bò, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Vũ Chi

Ông Ksor Bhot (buôn Rưng Ma Nhiu) mạnh dạn vay vốn ngân hàng để chăn nuôi bò, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Vũ Chi

Ông Ksor Bhot (buôn Rưng Ma Nhiu) là hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2022, nhờ tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân thị xã tổ chức, ông Bhot quyết định vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã để đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho 2 ha mì.

Không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, thuê nhân công mà cây trồng phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao. Riêng với 7 sào lúa nước, ông đầu tư mua giống lúa chất lượng cao MT10 gieo sạ. Với giá lúa khô đạt 9.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi gần 20 triệu đồng.

Ông Bhot chia sẻ: “Nhờ chương trình xây dựng NTM, bà con hưởng lợi rất nhiều nên ai cũng phấn khởi, mạnh dạn vay vốn ưu đãi, tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế, xây dựng buôn ngày càng khang trang. Bản thân tôi nhờ được tuyên truyền, vận động, tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả nên biết làm chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh để tận dụng nguồn phân bón cho cây trồng cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế. Hiện với 2 ha mì, 1 ha bắp, 7 sào lúa nước, 6 con bò, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng. Mừng nhất là 2 đứa con tôi đều học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định”.

Ông Nay Nhơn-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng buôn Rưng Ma Nin-cho biết: Được sự quan tâm của Nhà nước, từ chương trình xây dựng NTM, diện mạo buôn đã thay đổi rất nhiều, 100% đường trục thôn, nội thôn đã được bê tông hóa; 75% đường nội đồng được cứng hóa tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa. Đời sống mọi mặt của người dân ngày càng nâng lên. Buôn không còn nhà tạm, nhà dột nát; 100% hộ gia đình sử dụng điện an toàn.

Chung tay cùng chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, buôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân thấy vai trò chủ thể của mình, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đóng góp xây dựng các công trình; tự giác xây nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở; tích cực lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Buôn có khoảng 70 người trong độ tuổi lao động làm công nhân trong các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam; hơn 76% số hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm, dụng cụ chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; tỷ lệ hộ chăn nuôi đảm bảo các quy định về môi trường đạt 73,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 42,3 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND xã Ia Rbol cho biết thêm, theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19-10-2023 của Chính phủ, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 70% chi phí mua bảo hiểm y tế. Chính sách này giúp người dân trong xã cũng như nhiều địa phương có thêm điều kiện tham gia bảo hiểm y tế. Tiêu chí bảo hiểm y tế mấy năm nay vốn là bài toán nan giải thì nay đã được tháo gỡ.

Xã tập trung thông báo chính sách mới đến người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi sinh hoạt thôn, buôn hay sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, nhóm, qua đó, tuyên truyền, vận động người dân tiết kiệm tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội khi không may gặp rủi ro. Mặc dù tiêu chí bảo hiểm y tế đã được tháo gỡ nhưng hiện xã mới đạt 9/19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, trong đó, một số tiêu chí gặp khó như thu nhập, môi trường, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.

“Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới hết sức nặng nề, vì vậy, bước sang 2 năm cuối nhiệm kỳ, chính quyền địa phương tập trung huy động hệ thống chính trị vào cuộc, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cũng như phát huy sự chung sức đồng lòng của người dân để hoàn thành các tiêu chí thiếu hụt cũng như củng cố, nâng cao các tiêu chí đã đạt. Mục tiêu cuối cùng là xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”-Chủ tịch UBND xã Ia Rbol nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm