(GLO)- Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) mới chỉ đạt 11/19 tiêu chí. Nếu không có những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn thì Ia Rsai sẽ rất khó đạt chuẩn NTM vào năm 2025.
Ia Rsai là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Pa. Toàn xã có 1.262 hộ với 6.175 khẩu, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số.
Đường vào buôn E Kia (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) chủ yếu là đường đất nên việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Q.T |
Ông Hiao Buk-Chủ tịch UBND xã Ia Rsai-cho biết: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân nên việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn đạt một số kết quả bước đầu. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, hệ thống điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư.
“Dù vậy, Ia Rsai cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành 8 tiêu chí còn lại vào năm 2025 là nhiệm vụ rất nan giải. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, việc hoàn thành tiêu chí hộ nghèo (cuối năm 2019 còn 19,15%) và tiêu chí thu nhập (năm 2019 mới đạt 28 triệu đồng/người) là một thách thức không hề nhỏ”-ông Buk thông tin.
Để giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, những năm qua, hệ thống chính trị xã Ia Rsai đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, với đặc thù là xã có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số, nhận thức và trình độ dân trí còn hạn chế nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn khó khăn.
Đặc biệt, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra hạn, dịch bệnh cùng với việc canh tác không đúng quy trình kỹ thuật dẫn đến đất sản xuất ngày càng bạc màu. Cùng với đó, giá các mặt hàng nông sản khá bấp bênh trong những năm qua cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Mì là cây trồng chủ lực của xã Ia Rsai nhưng do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh, giá cả nên hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Ảnh: Quang Tấn |
Chị Ksor H'Ly (buôn Ktinh) cho hay: “Trong vụ vừa qua, do ảnh hưởng nắng hạn và bệnh khảm lá vi rút nên năng suất mì đạt rất thấp. Với hơn 1 ha mì, gia đình mình chỉ thu được gần 8 tấn củ tươi, giảm gần một nửa so với vụ trước. Giá bán tại thời điểm đó lại khá thấp, dao động từ 1.000 đến 1.400 đồng/kg tươi nên sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình mình chỉ thu được vài triệu đồng”.
Không chỉ gặp khó trong tiêu chí thu nhập và hộ nghèo, Ia Rsai còn đang “đau đầu” với việc hoàn thành tiêu chí giao thông. Hiện đường liên xã nối với quốc lộ 25 có chiều dài hơn 12 km nhưng mới chỉ có 4 km được bê tông hóa, nhựa hóa, còn lại vẫn là đường đất. Cùng với đó, nhiều đoạn đường trục thôn, liên thôn, đường nội đồng chưa được bê tông hóa, cứng hóa. Chị Rơ Ô HNga (buôn E Kia) cho biết: “Đường vào buôn mình chủ yếu là đường đất nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Vì thế, nông sản người dân làm ra thường xuyên bị thương lái ép giá”.
Theo Chủ tịch UBND xã Ia Rsai, được sự quan tâm của cấp trên, tuyến đường liên xã sắp được triển khai thi công với tổng vốn đầu tư hơn 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, xã vẫn còn nhiều tuyến đường trục thôn, liên thôn, nội đồng rất cần nguồn kinh phí hỗ trợ từ cấp trên để hoàn thiện do việc huy động nguồn lực trong dân rất khó.
Hiện xã Ia Rsai còn hơn 8 km đường liên xã nối với quốc lộ 25 chưa được bê tông hóa, nhựa hóa. Ảnh: Quang Tấn |
“Trước tình hình đó, xã đã xây dựng kế hoạch và đưa ra giải pháp cụ thể cho từng tiêu chí để thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, tập trung các nguồn lực để giúp người dân phát triển kinh tế, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là phát triển các loại cây trồng thế mạnh như điều, mì, lúa nước và chăn nuôi bò. Cụ thể, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135, xã hỗ trợ 18 con bò sinh sản cho 18 hộ đăng ký thoát nghèo trong năm 2020 với tổng kinh phí 366 triệu đồng; đầu tư 300 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM để triển khai mô hình trồng điều ghép theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ…Từ đó, tiếp tục nhân rộng các mô hình này trong thời gian tới, góp phần nâng cao đời sống người dân, tiến tới giảm nghèo bền vững, tạo tiềm lực vững chắc để xây dựng NTM. Đồng thời, xã thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông và cơ sở vật chất văn hóa, trường học”-ông Hiao Buk cho biết thêm.
QUANG TẤN