Điểm đến Gia Lai

Ia Sao hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến nay, xã chỉ còn 35 hộ nghèo và 40 hộ cận nghèo. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương hướng tới mục tiêu không còn hộ nghèo vào năm 2025.

Đa dạng hình thức hỗ trợ

Hưởng ứng cuộc vận động “Chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Sao đã kêu gọi sự chung tay giúp sức của các tổ chức, cá nhân trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ sinh kế giúp hộ nghèo vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. Năm 2023, ngoài 2 căn nhà “Đại đoàn kết” do Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Ayun Pa trao tặng, xã lập danh sách hỗ trợ nhà ở cho 3 gia đình và hỗ trợ 38 con bò sinh sản cho các hộ không có phương tiện sản xuất từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nét khác biệt của các chương trình này so với trước đây là bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước đều có vốn đối ứng của người dân nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người được thụ hưởng, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Điều đáng mừng là các hộ được hỗ trợ đều ý thức được điều đó và đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Từ năm 2021 đến nay, Hội Nông dân xã Ia Sao đã thành lập 7 tổ hội nghề nghiệp giúp hội viên phát triển kinh tế. Ảnh: V.C

Từ năm 2021 đến nay, Hội Nông dân xã Ia Sao đã thành lập 7 tổ hội nghề nghiệp giúp hội viên phát triển kinh tế. Ảnh: V.C

Anh Ksor Tơn (buôn Hliếp) vừa được nhận căn nhà “Đại đoàn kết” cùng với nguồn sinh kế do Quỹ “Vì người nghèo” thị xã Ayun Pa trao tặng. Với anh, đây là động lực để gia đình tiếp tục nỗ lực làm việc, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Anh Tơn tâm sự: “Hoàn cảnh 2 bên gia đình đều khó khăn. Vì vậy, khi ra ở riêng, vợ chồng tôi chỉ dựng được căn nhà tạm trên phần đất cha mẹ vợ chia cho. Cũng vì không có việc làm ổn định nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Được các cấp quan tâm hỗ trợ kinh phí xây nhà và 2 con dê làm phương tiện sản xuất, tôi mạnh dạn vay vốn tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã để xây dựng căn nhà kiên cố. Có chỗ ở ổn định, có vật nuôi, từ nay, vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Tôi dự tính nhận nuôi rẽ bò để tiện công chăm sóc và làm chuồng trại”.

Đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, từ năm 2021 đến nay, Hội Nông dân xã đã thành lập 7 tổ hội nghề nghiệp, từ đó tạo cơ hội cho hội viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ nhau làm ăn.

Bên cạnh tổ chức cho hội viên tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách thức trồng trọt, chăn nuôi, Hội hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để đầu tư mở rộng sản xuất. Tiêu biểu như Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò thành lập năm 2022 gồm 10 thành viên tại buôn Hliếp và buôn Khăn đã được Hội Nông dân xã làm cầu nối hỗ trợ 3 thành viên vay 150 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã để đầu tư làm chuồng trại và tăng đàn.

Là 1 trong 3 thành viên được vay vốn sau khi tham gia Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò, chị Ksor HYôp (buôn Hliếp) vui mừng cho biết: “Được vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã, tôi đầu tư mua 3 con bò sinh sản. Khi tham gia các lớp tập huấn, tôi được hướng dẫn làm chuồng trại hợp vệ sinh, tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi vừa phòng trừ dịch bệnh, vừa tận dụng được nguồn phân bón bán kiếm thêm thu nhập. Kết thúc mỗi vụ lúa, gia đình đều cuộn rơm tích trữ làm thức ăn thêm giúp bò mau lớn”.

Buôn Hliếp hiện có 172 hộ. Cuối năm 2022, buôn còn 9 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Ông Ksor Krão-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hliếp-thông tin: Trong các buổi họp buôn, sau khi triển khai văn bản của cấp trên, chính sách dành cho hộ nghèo, cận nghèo, các tổ chức chính trị-xã hội trong buôn đều báo cáo công tác hỗ trợ hộ nghèo, những khó khăn, vướng mắc để cùng tháo gỡ; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để xây dựng kế hoạch giúp đỡ phù hợp.

Những mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình tiên tiến trong xóa đói, giảm nghèo được buôn giới thiệu, mời chia sẻ ngay tại cuộc họp để bà con học tập, làm theo. Với những hộ đặc biệt khó khăn, cán bộ xuống tận nhà “cầm tay chỉ việc” từ hỗ trợ cây giống, hướng dẫn trồng rau xanh đến làm chuồng trại hợp vệ sinh. Nhờ vậy, người dân dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Kết quả năm 2023, buôn có 2 hộ vươn lên thoát nghèo.

Hướng tới mục tiêu không còn hộ nghèo

Theo ông Nay Chuyên-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phải căn cứ vào tình hình, đặc điểm từng hộ nghèo, xem họ thiếu gì để giúp đỡ cho phù hợp. Trao “con cá” là cần thiết, song “cần câu” mới giúp bà con thoát nghèo bền vững. Hỗ trợ nhà ở, sinh kế là tạo động lực giúp hộ nghèo vượt qua khó khăn trước mắt nhưng quan trọng vẫn là những giải pháp căn cơ.

Sau hơn 10 năm triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”, đến nay, thay đổi lớn nhất là nhiều hộ nghèo trong xã đã biết cải tạo vườn tạp, trồng rau sạch, làm nhà vệ sinh, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống cây-con mới năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vươn lên làm giàu chính đáng.

Cán bộ xã Ia Sao tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: V.C

Cán bộ xã Ia Sao tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: V.C

Tiêu biểu như ông Nay Blót (buôn Hoang). Ở tuổi 64, ông vẫn hăng say lao động, tìm tòi phương pháp, kỹ thuật canh tác mới áp dụng vào sản xuất. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình kinh tế tổng hợp, từ năm 2015, cùng với số tiền tích góp được, ông vay vốn phát triển mô hình kinh tế VAC trên diện tích đất rẫy của gia đình. Phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, ông làm thức ăn cho cá; chất thải chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng. Kết quả, ao cá không chỉ cho thực phẩm mà còn là nguồn cung cấp nước tưới dồi dào quanh năm cho các loại cây trồng. Mô hình khép kín vừa giúp ông tiết kiệm chi phí sản xuất vừa nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Vừa qua, ông vinh dự là 1 trong 20 cá nhân tiêu biểu được Chủ tịch UBND thị xã tặng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2018-2023. Ông Blót phấn khởi chia sẻ: “Hiện nay, với 4 ha mì, 2 ha mè, bắp, đậu xanh, 6 sào lúa nước, 12 con bò, 1 ao cá hơn 150 m2, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu trên 200 triệu đồng. Từ kết quả đạt được, tôi tích cực vận động bà con trong buôn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm cũng như cho mượn vốn không tính lãi”.

Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Tuệ-Chủ tịch UBND xã Ia Sao-thông tin: Để triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo, nguồn lực chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Nhưng hiện tại, nguồn vốn thực hiện chương trình chậm phân bổ, nhiều dự án, tiểu dự án chưa thực hiện được. Trong khi đó, các nguồn lực huy động từ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân thông qua Quỹ “Vì người nghèo” còn hạn chế so với nhu cầu thực tiễn.

Nhìn tổng thể, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo thiếu sinh kế, thiếu việc làm, thu nhập thấp, không ổn định, thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, vệ sinh, nhất là người lao động thiếu kỹ năng nghề nghiệp, khó tiếp cận việc làm; công tác tuyên truyền về giảm nghèo mặc dù đã được quan tâm đẩy mạnh song chuyển biến nhận thức của người dân còn chậm, một bộ phận còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Vì vậy, theo Chủ tịch UBND xã, để giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương nhận thức phải đẩy mạnh chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách giảm nghèo về tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, nước sinh hoạt và vệ sinh cho hộ nghèo và cận nghèo. Bên cạnh đó, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, cận nghèo; khuyến khích doanh nghiệp vào liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương.

“Năm 2023, xã giảm được 21 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo, vượt 3 hộ nghèo so với chỉ tiêu đề ra. Hiện xã còn 35 hộ nghèo và 40 hộ cận nghèo. Với mục tiêu phấn đấu tới năm 2025 không còn hộ nghèo, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động nguồn lực thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; thực hiện tốt các chính sách dành cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng thời duy trì và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Năm 2022, từ nguồn vốn khoa học công nghệ, xã triển khai dự án ứng dụng khoa học và công nghệ trong trồng và thâm canh cây điều ghép với 10 hộ tham gia. Xã đang triển khai cho các hộ dân đăng ký tham gia mô hình liên kết trồng bắp sinh khối để thực hiện trong năm 2024. Đây là tiền đề quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương”-Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm