Xã hội

Lao động - Việc làm

Kbang: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang được huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) quan tâm nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân tộc thiểu số ở địa phương có việc làm, thu nhập để ổn định cuộc sống.

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề phổ thông, anh Đinh Văn Diên (làng Bờ-Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng) trở thành thợ xây có tay nghề cao, tự tin nhận thầu xây dựng các công trình nhà ở tại địa phương.

Anh Diên cho biết: Gia đình chỉ có hơn 6 sào mía nên thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Trước đây, anh làm thuê đủ mọi nghề để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Năm 2022, anh quyết định tham gia lớp đào tạo nghề thợ nề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức.

Sau hơn 2 tháng học nghề, anh Diên mạnh dạn thành lập đội xây dựng với 6-7 thành viên để nhận công trình nhà ở, xây tường rào, nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn xã. Năm 2023, anh nhận được 7 công trình xây dựng nhà ở. Từ đầu năm đến nay, anh đã nhận thi công 4 công trình nhà ở. Điều này giúp anh Diên và các thành viên trong đội thợ xây có việc làm và thu nhập ổn định.

Lớp dạy nghề thợ nề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Kbang tổ chức. Ảnh: M.P

Lớp dạy nghề thợ nề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Kbang tổ chức. Ảnh: M.P

Tương tự, cũng nhờ tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy cày công suất nhỏ, anh Đinh Thách (thôn 3, xã Kông Pla) có thể tự sửa chữa được các loại máy móc phục vụ nông nghiệp. Không chỉ giúp tiết kiệm được một khoản chi phí sửa chữa máy móc hàng năm, anh Thách còn có thêm thu nhập từ việc nhận sửa chữa máy móc hư hỏng cho người dân trong làng.

Đáng chú ý hơn, anh còn mở tiệm sửa chữa tại nhà và nhận dạy nghề cho thanh niên trong làng nhằm giúp họ có nghề nghiệp ổn định, chăm lo làm ăn, tránh xa bia rượu và các tệ nạn xã hội khác.

Theo ông Trần Văn Nhơn-Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng: Việc tham gia các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn đã giúp các hộ dân tộc thiểu số tại địa phương từng bước thay đổi nhận thức trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các lớp trồng lúa, trồng mía năng suất cao giúp người dân tự tin áp dụng những kiến thức, hiểu biết để cải thiện năng suất cây trồng.

“Sự đa dạng các ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương đã góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân”-Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng khẳng định.

Trên cơ sở rà soát nhu cầu đăng ký học nghề của lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề.

Ông Bùi Tiến Phương-Giám đốc Trung tâm-thông tin: Năm 2023, từ nguồn kinh phí 2 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, Trung tâm đã mở 13 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng (10 lớp nông nghiệp và 3 lớp phi nông nghiệp) với 369 học viên theo học. Chủ yếu là các nghề như: trồng và chăm sóc cà phê; trồng mía, lúa năng suất cao; trồng rau an toàn; nuôi và phòng bệnh cho trâu, bò; sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; sửa chữa máy cày công suất nhỏ, thợ nề…

Theo ông Bùi Tiến Phương, phương pháp đào tạo “cầm tay chỉ việc” giúp các học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu và áp dụng vào thực tiễn. Do vậy, khi hoàn thành các lớp đào tạo nghề, phần lớn học viên đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống mới, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi mang lại năng suất cao; đồng thời biết sửa chữa máy móc tại nhà, góp phần giảm chi phí, tăng thêm thu nhập.

Sau khi được đào tạo nghề, bà con biết áp dụng các kiến thức đã học vào lao động sản xuất, sửa chữa máy móc, từ đó tạo việc làm ổn định. Ảnh: M.P

Sau khi được đào tạo nghề, bà con biết áp dụng các kiến thức đã học vào lao động sản xuất, sửa chữa máy móc, từ đó tạo việc làm ổn định. Ảnh: M.P

“Sau khi đào tạo nghề, chúng tôi còn chủ động phối hợp với các xã, thị trấn trong việc lồng ghép nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia giúp bà con phát triển nghề đã học được tốt hơn, đồng thời làm việc với các doanh nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho các học viên sau khi hoàn thành khóa học”-ông Phương thông tin.

Còn ông Lê Duy Kiên-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện thì đánh giá: Việc đào tạo nghề bước đầu đã mang lại hiệu quả, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho lao động nông thôn có việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững của huyện.

“Từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, huyện triển khai kế hoạch thực hiện dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Theo đó, các xã, thị trấn và cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu lao động và thực trạng kinh tế-xã hội của huyện”-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm