Kinh tế

Nông nghiệp

Kbang đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, việc trồng rừng còn nâng cao thu nhập cho người dân.
Xã Lơ Ku là một trong những địa phương nhiều năm liền đạt và vượt chỉ tiêu trồng rừng ở huyện Kbang. Cụ thể, từ năm 2018 đến năm 2020, toàn xã trồng được 257,4 ha rừng, đạt trên 163% kế hoạch huyện giao.
Ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã-cho hay: Toàn xã có trên 7.045 ha đất lâm nghiệp, trong đó có gần 1.594 ha đất rừng phòng hộ và hơn 5.451 ha đất rừng sản xuất. Những năm qua, công tác trồng rừng luôn được cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm thực hiện.
Hàng năm, trên cơ sở chỉ tiêu trồng rừng huyện giao, xã xây dựng kế hoạch phân bổ cho từng thôn, làng để triển khai. Bên cạnh đó, UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, các hội, đoàn thể phối hợp với các thôn, làng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đăng ký trồng rừng; phối hợp với cán bộ khuyến nông, kiểm lâm địa bàn mở các lớp tập huấn về trồng rừng cho bà con; tuyên truyền tới người dân về lợi ích của việc trồng rừng.
Bà Trần Thị Vui (thôn 2, xã Lơ Ku, huyện Kbang) chăm sóc vườn keo của gia đình. Ảnh: Ngọc Minh
Bà Trần Thị Vui (thôn 2, xã Lơ Ku, huyện Kbang) chăm sóc vườn keo của gia đình. Ảnh: Ngọc Minh
Năm 2018, huyện Kbang trồng được 647,6 ha rừng, đạt 830% kế hoạch tỉnh giao. Năm 2019, huyện trồng được 70 ha cây phân tán (vượt chỉ tiêu tỉnh giao 0,5 ha) và 418 ha rừng tập trung. Năm 2020, huyện trồng được 71,5 ha cây phân tán (vượt chỉ tiêu giao 1,5 ha) và gần 400 ha rừng tập trung.

Vừa chăm sóc vườn keo của gia đình, bà Trần Thị Vui (thôn 2, xã Lơ Ku) vui vẻ nói: “Nhận thấy lợi ích của việc trồng rừng, năm 2018, tôi chuyển đổi 3 ha mì ở vùng đất đồi sang trồng cây keo lai. Thời gian tới, tôi tiếp tục chuyển đổi 2 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng rừng”.

Hưởng ứng phong trào trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, trong 3 năm (2018-2020), người dân xã Sơn Lang đã trồng được hơn 144 ha rừng. Ông Đinh Lơ (làng Srắt) kể: “Gia đình mình có 5 ha đất, trong đó có 2,5 ha ở vùng đồi núi cao, nhiều năm bỏ hoang không canh tác. Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp, mình đã mua gần 4 ngàn cây keo về trồng. Vườn cây sinh trưởng phát triển tốt, cuối năm nay là có thể thu hoạch, nhưng mình để thêm vài năm nữa mới bán, thu nhập sẽ cao hơn”.
Cùng với các địa phương, một số công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Kbang cũng tích cực tham gia trồng rừng. Ông Trần Văn Trị-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku-chia sẻ: “Song song với công tác quản lý bảo vệ rừng, giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm, Công ty trồng từ 100 đến 120 ha rừng sản xuất. Những năm tới, Công ty tiếp tục trồng khoảng 900 ha rừng sản xuất ở những diện tích đất được thuê theo Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 26-3-2020 của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, Công ty phối hợp với ngành chức năng, các xã Lơ Ku, Sơ Pai, Krong và Đak Smar tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ rừng”.
Người dân làng Srắt (xã Sơn Lang, huyện Kbang) trồng rừng sản xuất. Ảnh: Ngọc Minh
Người dân làng Srắt (xã Sơn Lang, huyện Kbang) trồng rừng sản xuất. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương cùng sự tham gia tích cực của đơn vị chủ rừng và người dân, những năm qua công tác trồng rừng tại huyện Kbang thu được nhiều kết quả.

“Năm 2021, tỉnh giao cho huyện trồng 200 ha rừng tập trung và 70 ha cây phân tán. Trên cơ sở chỉ tiêu tỉnh giao và kết quả trồng rừng những năm qua, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phân bổ xuống các xã, thị trấn trồng 500 ha rừng gồm 430 ha rừng tập trung và 70 ha cây phân tán”-ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, để hoàn thành mục tiêu trên, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực trồng rừng; đồng thời, rà soát chính xác, cụ thể diện tích đất trồng rừng hiện có tại các xã, thị trấn, trên cơ sở đó giao chỉ tiêu cho các địa phương thực hiện nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, huyện cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai lồng ghép các chương trình mục tiêu để tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trồng cây mắc ca, dổi xanh; vận động người dân tăng cường trồng rừng ở những khu vực đất bạc màu, độ dốc cao, góp phần tăng độ che phủ rừng, nâng cao thu nhập.
Cùng với đó, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực trồng rừng, nhất là việc bảo vệ, phòng-chống cháy rừng cho người dân.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm