Điểm đến Gia Lai

Kbang đẩy mạnh xây dựng làng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 13 làng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 3 khu dân cư kiểu mẫu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các ban, ngành và địa phương đã đề ra nhiều giải pháp nhằm huy động nguồn lực xây dựng làng NTM.

Khởi sắc ở làng NTM

Năm 2018, làng Kdâu được UBND xã Kông Lơng Khơng chọn để đầu tư xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hơn 2 năm qua, diện mạo của làng có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Đến nay, làng chỉ còn 2 hộ nghèo và 13 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm. Hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu dân sinh, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch; 50/61 hộ có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh; tất cả hộ dân đồng tình hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi. Các tuyến đường, nhà văn hóa, khu thể thao thường xuyên được quét dọn sạch sẽ, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Diện mạo nông thôn làng Kdâu (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Ngọc Minh


Chứng kiện sự đổi thay trên quê hương mình từ khi xây dựng NTM, bà Tô Thị Kiệm phấn khởi cho hay: “Trước đây, các tuyến đường làng cứ có mưa là lầy lội, đi lại rất vất vả. Giờ đây, đường sá được bê tông hóa, cứng hóa, đi lại rất thuận tiện. Ngoài ra, Nhà nước còn quan tâm xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của dân làng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Làng Hà Nừng (xã Sơn Lang) cũng thay da đổi thịt sau hơn 2 năm triển khai xây dựng NTM. 100% đường làng và trên 90% đường nội đồng đã được bê tông hóa; nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng kiên cố, trường mầm non được đầu tư khang trang. Ngoài ra, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 38 triệu đồng/năm.

Ông Đinh Văn Phâng-Trưởng thôn Hà Nừng-hồ hởi chia sẻ: “Làng có 125 hộ, 100% là người Bahnar. Hiện nay, làng chỉ còn 5 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo. Những năm qua, người dân cũng từng bước xóa bỏ các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi để thực hiện nếp sống mới”.

 Ông Lê Duy Kiên-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Lang-cho biết: “Hàng năm, xã tổ chức rà soát các tiêu chí, đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Đặc biệt, xã tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM”.

Quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra

Giai đoạn 2018-2019, các xã, thị trấn ở Kbang đăng ký xây dựng 13 làng NTM. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân, đến cuối năm 2019, làng Hà Nừng và làng Kdâu đã được UBND huyện Kbang công nhận làng NTM; 11 làng còn lại đạt 14-18 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là: thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm…

Các tuyến đường nội làng Kdâu (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) được đầu tư bê tông hóa. Ảnh: Ngọc Minh


Ông Đỗ Công Trúc-Chủ tịch UBND xã Krong-cho biết: Xã chọn làng Tăng để xây dựng NTM. Trong 2 năm (2018-2019), xã đã huy động hơn 5,1 tỷ đồng (người dân đóng góp gần 80 triệu đồng) để đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống giao thông, thoát nước, điện, chỉnh trang khuôn viên và xây dựng, sửa chữa nhà cửa cho nhân dân trong làng. Ngoài ra, nhiều công trình văn hóa, phúc lợi công cộng được cải tạo, xây mới khang trang. Đến cuối năm 2019, qua rà soát, làng Tăng đã đạt 17/19 tiêu chí; 2 tiêu chí chưa đạt là thu nhập và hệ thống chính trị.

“Thời gian tới, bên cạnh hoàn thành tiêu chí hệ thống chính trị, xã tích cực phát triển sản xuất lồng ghép với các nguồn vốn chương trình NTM, Chương trình 135, tiếp tục vận động nhân dân chăm sóc diện tích mía đã trồng và mở rộng diện tích mì theo chuỗi giá trị, trồng cây mắc ca; đồng thời phát triển chăn nuôi heo, bò, dê; thâm canh tăng năng suất diện tích lúa nước 20 ha để vừa đảm bảo lương thực, vừa nâng cao thu nhập cho nhân dân”-ông Trúc cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng-Chủ tịch UBND huyện Kbang, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chương trình xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống người dân.

“Để thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra, thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực thực hiện đạt chuẩn làng NTM. Tích cực tổ chức thực hiện việc ký kết giúp đỡ giữa thôn người Kinh với làng đồng bào dân tộc thiểu số được lựa chọn xây dựng làng NTM để giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, nâng cao đời sống gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng NTM. Huy động nguồn lực từ các chương trình để đầu tư, hỗ trợ thực hiện xây dựng làng NTM; phân công cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức phụ trách theo dõi, giúp đỡ địa phương thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí để hoàn thành kế hoạch đề ra”-Chủ tịch UBND huyện Kbang thông tin.

 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm