Kinh tế

Nông nghiệp

Kbang nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Qua thực tế triển khai cho thấy, mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây mía tại các xã: Đak Hlơ, Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, huyện dự kiến sẽ nhân rộng mô hình này trên địa bàn.

Nhìn rẫy mía toàn những cây to tròn mập mạp, lóng vươn dài, anh Nguyễn Thành Phúc (thôn 1, xã Đak Hlơ) chắc mẩm năng suất vụ này đạt trên 100 tấn/ha. Theo anh Phúc, rẫy mía này trước đây nếu thời tiết thuận lợi, năng suất cũng chỉ đạt đạt 60-70 tấn/ha, còn khi gặp nắng nóng kéo dài thì chỉ tầm 40-60 tấn/ha. Chính vì vậy, với khí hậu đặc thù “ít mưa, nhiều nắng” như vùng đất này thì việc ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây mía rất phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cũng theo anh Phúc, khi áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây mía, nông dân không còn phải lo lắng chuyện thời tiết nắng nóng thất thường mà còn tiết kiệm được 50% lượng nước tưới. Quan trọng hơn, phân bón được hòa cùng nước thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt dẫn tới từng gốc mía giúp tiết kiệm từ 40% đến 60% so với cách bón rải trên mặt đất. Với liều lượng phân bón vừa đủ, thấm sâu và đều giúp tăng hiệu quả hấp thu dinh dưỡng của cây, không bị chảy tràn, rửa trôi, bay hơi gây lãng phí.

“Nếu trước đây diện tích này cần đến 30 bao phân thì bây giờ chỉ khoảng 10 bao là đủ. Hơn nữa, những lúc thời tiết nắng nóng thì cây mía bị chững lại, chậm lớn nhưng khi sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước sẽ cung cấp nước vừa đủ giúp cây phát triển đồng đều, lóng mía dài và thời gian thu hoạch cũng giảm từ 12 tháng xuống còn hơn 9 tháng”-anh Phúc chia sẻ.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang thí điểm mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây mía tại xã Đak Hlơ và Kông Lơng Khơng. Ảnh: M.P

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang thí điểm mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây mía tại xã Đak Hlơ và Kông Lơng Khơng. Ảnh: M.P

Còn chị Nguyễn Thị Bích Thủy (làng Hbang, xã Kông Lơng Khơng) thì cho rằng: Kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước thấp nhưng mang lại hiệu quả cao. Theo đó, mỗi hộ dân tham gia thực hiện mô hình trên diện tích 1 ha chỉ tốn chi phí đầu tư hệ thống tưới khoảng 20 triệu đồng, trong đó, huyện hỗ trợ 5,4 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, còn lại là người dân đối ứng. Ngoài ra, các hộ dân còn được hỗ trợ 100% chi phí tập huấn kỹ thuật, hội thảo tổng kết mô hình.

Chị Thủy khẳng định: “Việc sử dụng hệ thống tưới này giúp cây mía sinh trưởng tốt, đồng đều hơn; đồng thời tiết kiệm được nhân công và 50% lượng nước tưới mà năng suất lại tăng gần gấp đôi”.

Trao đổi về kết quả thực hiện mô hình, ông Đỗ Công Trúc-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang-cho biết: Giữa năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã hỗ trợ 5 hộ dân ở xã Đak Hlơ và 1 hộ ở xã Kông Lơng Khơng thực hiện mô hình tưới tiết kiệm nước cho 6 ha mía với tổng kinh phí gần 92 triệu đồng.

Việc áp dụng công nghệ tưới này giúp tiết kiệm khoảng 50% lượng nước so với tưới tràn, giảm được 30% phân bón, đất đủ độ ẩm, tơi xốp nên năng suất mía tăng 1,5-2 lần so với phương pháp canh tác thông thường. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, mô hình trồng mía có tưới nước lợi nhuận cao hơn trồng thông thường 36,6 triệu đồng/ha.

“Tuy năm đầu phải bỏ ra chi phí đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt nhưng người dân sử dụng được 3-5 năm tiếp theo. Do vậy, các hộ sẽ thu được lợi nhuận cao hơn từ năm thứ hai trở đi do không phải đầu tư chi phí ban đầu”-ông Trúc thông tin.

Cũng theo ông Trúc, việc thí điểm mô hình sản xuất mía áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt là phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và cũng là mong muốn của chính quyền, người dân địa phương. Đây là mô hình điểm để các hộ dân tham khảo, nhân rộng, qua đó tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất của vùng nguyên liệu mía Kbang.

Hy vọng rằng, với việc áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây mía và sự hỗ trợ chính quyền trong việc chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất nhằm nâng cao năng lực cho người dân và cộng đồng sẽ tiếp thêm động lực để bà con nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Có thể bạn quan tâm