Kinh tế

Nông nghiệp

Kbang: Nhiều giải pháp cải thiện mức thu nhập của người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Kbang đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm thực hiện một trong những tiêu chí khó là thu nhập của người dân.

Thu nhập bình quân đầu người của xã Đak Rong hiện chỉ mới đạt hơn 27,9 triệu đồng/năm. Xác định đây là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng NTM nên xã đã ưu tiên nguồn lực thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Quang cho hay: Xã đã vận động thành lập các tổ hợp tác để huy động nguồn lực từ người dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm; thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông dân xã Đak Hlơ (huyện Kbang) thu hoạch lúa. Ảnh: Minh Phương

Nông dân xã Đak Hlơ (huyện Kbang) thu hoạch lúa. Ảnh: Minh Phương

Chủ tịch UBND xã Đak Rong cho biết thêm: Giải pháp hàng đầu là mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, phù hợp với địa phương như trồng sa nhân tím dưới tán rừng, trồng cây dược liệu, thâm canh lúa nước, trồng mì cao sản, đậu cô ve; thực hiện mô hình trồng mắc ca xen cà phê. Xã cũng hỗ trợ người dân thâm canh lúa nước 2 vụ; vận động người dân chăm sóc cà phê, mắc ca, dổi xanh; mở rộng mô hình nuôi heo đen, nuôi bò và duy trì mô hình cộng đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng để hưởng lợi từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Theo bộ tiêu chí về xã NTM giai đoạn 2021-2025 do UBND tỉnh ban hành, tiêu chí thu nhập của xã NTM Sơn Lang cũng bị “rớt hạng”. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 43,1 triệu đồng trong khi mức đạt chuẩn là 44 triệu đồng/năm. Năm 2023, xã phấn đấu nâng mức thu nhập lên 47 triệu đồng/người. Để đạt mục tiêu này, theo ông Lê Quý Truyền-Chủ tịch UBND xã Sơn Lang, xã sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, triển khai Chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng; đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Trong khi đó, thu nhập cũng là một trong những tiêu chí khiến xã Đak Hlơ “rớt chuẩn” NTM. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 42 triệu đồng/năm. Theo ông Bùi Phích-Chủ tịch UBND xã, đây là thách thức lớn đối với địa phương trong việc phấn đấu hoàn thành xây dựng xã NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. “Xã sẽ tập trung đầu tư thủy lợi nhỏ để khai thác nguồn nước tưới hỗ trợ sản xuất cùng với việc vận động người dân đa dạng cây trồng, vật nuôi; phát triển thương mại gắn với dịch vụ để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, xã huy động nguồn lực triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, chuyển diện tích mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả nhằm giúp người dân cải thiện thu nhập”-Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ nêu giải pháp.

Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã Kon Pne cũng chỉ đạt hơn 30 triệu đồng/năm. Trong 9 tiêu chí NTM mà xã chưa đạt thì tiêu chí thu nhập đang được tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thông qua phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm cho người dân. Ông Dương Quốc Điệp-Chủ tịch UBND xã-cho hay: “Chúng tôi chú trọng thực hiện chuyển đổi cây trồng theo hướng phát huy thế mạnh của địa phương, phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu quý như: sa nhân tím, sâm Kon Pne, sâm đá, hồng đẳng sâm gắn với liên kết chuỗi giá trị nhằm tiêu thụ sản phẩm của người dân; đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích giao khoán, quản lý bảo vệ rừng cho 3 cộng đồng của xã để góp phần tăng thu nhập”.

Ông Tô Văn Trung (thị trấn Kbang) tham gia tổ liên kết sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để tăng giá trị, cải thiện thu nhập. Ảnh: Minh Phương

Ông Tô Văn Trung (thị trấn Kbang) tham gia tổ liên kết sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để tăng giá trị, cải thiện thu nhập. Ảnh: Minh Phương

Trao đổi với P.V, ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Mục tiêu cụ thể của huyện năm 2023 là tiếp tục duy trì đạt chuẩn và củng cố các tiêu chí trên địa bàn 13 xã. Để thực hiện nhiệm vụ này, UBND huyện xác định việc liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và dịch vụ tiêu thụ nông sản là trung tâm của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; các sản phẩm nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu. Năm 2022, huyện đã triển khai thực hiện 4 mô hình khuyến nông gồm: nâng cao năng suất, chất lượng lúa; nuôi ốc bươu đen; chứng nhận VietGAP trên cây ăn quả và hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào Bahnar trồng mắc ca, dổi xanh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang nhấn mạnh: Huyện tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; đồng thời củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã hiện có, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp có liên kết với người nông dân theo chuỗi giá trị gia tăng. Xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp, thiết thực với từng địa phương; đẩy mạnh các hình thức đầu tư có sự tham gia của Nhà nước và doanh nghiệp để huy động nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách hiện hành trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất cơ chế đặc thù địa phương phù hợp với các quy định hiện hành để triển khai có hiệu quả công tác xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

MINH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm