TN - Đất & Người

Kbang nỗ lực giúp dân thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Con đường vào làng Lợk, làng Kuao (xã Nghĩa An, huyện Kbang) đã trở nên sạch sẽ; những hàng rào bằng lưới B40 xung quanh nhà các hộ dân vẫn còn mới nguyên; chuồng nuôi bò cũng được dựng lên; các mảnh vườn được cải tạo với những luống rau xanh mướt… Đó là những kết quả bước đầu của phong trào gắn các cơ quan, đơn vị với những hộ nghèo người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kbang với quyết tâm hỗ trợ các hộ dân thoát nghèo.

Gắn trách nhiệm cụ thể

Đưa mắt nhìn hàng rào xung quanh nhà vừa được làm xong với những trụ gỗ thẳng thớm, chị Đinh Thị Bình (làng Kuao, xã Nghĩa An) vui mừng cho biết, hàng rào này cũng như chuồng nuôi nhốt bò của gia đình chị được cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Kbang về làm cho. Bên cạnh đó, cán bộ còn hướng dẫn gia đình chị cách chăn nuôi bò. Càng mừng hơn khi gia đình chị vừa được cấp 1 con bò từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình cấp không thu tiền. Cộng với con bò hiện có, chị quyết tâm chăm sóc tốt và xem đây là động lực để vươn lên thoát nghèo.

 

Một góc thị trấn Kbang. Ảnh: K.N.B
Một góc thị trấn Kbang. Ảnh: K.N.B

Tương tự là gia đình anh chị Đinh Bương-Đinh Thị Cách. Ngoài việc được hỗ trợ xây tường rào, cải tạo vườn tạp để trồng rau cải thiện bữa ăn, gia đình chị còn được cán bộ Văn phòng Huyện ủy Kbang hỗ trợ một số cây mít giống trồng quanh vườn. Sau khi trồng mít, chị cẩn thận dùng lưới rào xung quanh. Vườn rau cũng được rào lưới với đủ các loại cải, mồng tơi, bí, mướp, dưa leo. Chị Cách cho biết, trước đây, gia đình chị đã được cấp 1 con bò, chị gầy dựng lên thành 8 con, đã bán 5 con để trang trải cuộc sống. Vừa rồi, gia đình chị được cấp thêm 1 con bò nâng tổng đàn bò nhà chị lên 4 con, cộng với 2 sào ruộng, 3 sào rẫy trồng mì, sau mùa vụ này chắc chắn gia đình chị sẽ thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Thảo-Quyền Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, cho biết: Ngoài việc phối hợp với các cơ quan, phòng, ban chuyên môn của huyện phụ trách giúp đỡ những hộ nghèo trên địa bàn, Công đoàn xã Nghĩa An cũng được phân công trực tiếp hỗ trợ hộ gia đình ông Đinh Pranh (làng Lợk) thoát nghèo. “Sau khi khảo sát thực tế nhu cầu của gia đình, Công đoàn xã đã lập kế hoạch giúp đỡ, cụ thể mỗi cán bộ xã đóng góp 1 ngày lương để mua lưới làm hàng rào; hỗ trợ cây giống, vật nuôi. Thứ 7, chủ nhật hàng tuần, cán bộ, công chức xã tập trung xuống phối hợp cùng gia đình dựng rào, làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo vườn trồng rau; tuyên truyền hướng dẫn cách làm ăn, chăn nuôi; hướng dẫn cách chi tiêu hợp lý các khoản thu nhập trong gia đình”-ông Thảo cho biết.

Hiệu quả bước đầu

Ông Hà Thanh Trung-Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kbang cho biết: Huyện ủy Kbang đã có kế hoạch phân công 56 cơ quan trong huyện, 8 đơn vị trực thuộc xã và đề nghị 2 đơn vị là Điện lực Kbang, Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình giúp 123 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đông và xã Nghĩa An thoát nghèo ngay trong năm 2017. Theo đó, xã Nghĩa An có 60 hộ, xã Đông có 63 hộ.

Theo ông Trung, bước đầu các xã thành lập tổ khảo sát lập danh sách các hộ nghèo, từ đó Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất phân công cụ thể các cơ quan, đơn vị hỗ trợ từng hộ. Trọng điểm của chương trình năm nay là tập trung hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã Nghĩa An và xã Đông thoát nghèo nhằm hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới. Trên cơ sở này, các cơ quan, đơn vị được phân công đã trực tiếp xuống từng hộ nắm tình hình sản xuất, lý do đói, nghèo; các hộ gia đình thiếu gì, cần hỗ trợ gì để từ đó xây dựng nội dung kế hoạch hỗ trợ, hướng dẫn, giúp các hộ thoát nghèo.

Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kbang nhận định: Cách hỗ trợ này chủ yếu là làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo động lực để các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững. Những việc làm thiết thực, phân công cụ thể theo kiểu “sát người, sát việc” này đã gắn kết các cơ quan, đơn vị được phân công với các hộ nghèo, giúp họ vươn lên thoát nghèo, xây dựng mô hình phát triển kinh tế để người dân học tập, làm theo.

“Ngay trong tháng này, chúng tôi sẽ đến khảo sát, kiểm tra từng hộ theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy xem những hộ này đã có những thay đổi gì, các cơ quan đơn vị được phân công đã giúp được gì và chưa làm được gì cho những hộ dân nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm hoặc điều chỉnh, chỉ đạo kịp thời để tiếp tục triển khai quyết định này một cách hiệu quả hơn”-ông Trung cho biết.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm