Kinh tế

Nông nghiệp

Kbang: Nỗ lực phòng trừ bệnh khảm lá mì

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trên địa bàn huyện Kbang (Gia Lai) đã xuất hiện trở lại bệnh khảm lá vi rút hại mì. Để hạn chế bệnh lây ra trên diện tích mì vụ Đông Xuân 2019-2020, đảm bảo an toàn cho sản xuất vụ mùa 2020, ngành chức năng và người dân địa phương đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng trừ.



Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang, trong vụ Đông Xuân 2019-2020, nông dân trong huyện xuống giống được 678 ha mì. Hiện nay, toàn huyện có gần 65 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Các giống mì bị nhiễm bệnh gồm: KM140, KM419, KM98/5. Diện tích nhiễm bệnh tập trung chủ yếu ở các xã: Đak Hlơ 12 ha, Kông Lơng Khơng 15 ha, Lơ Ku 20 ha, Kông Pla gần 8 ha, Nghĩa An 5 ha.

 Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang hướng dẫn người dân phòng trừ sâu bệnh cho cây mì. Ảnh: L.N
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang hướng dẫn người dân phòng trừ sâu bệnh cho cây mì. Ảnh: L.N



Ông Lưu Văn Phúc (thôn 1, xã Đak Hlơ) cho hay: Vụ Đông Xuân 2019-2020, gia đình ông trồng 6 sào mì giống KM149. Hiện toàn bộ diện tích mì này bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút với tỷ lệ khoảng 30%. “Cây mì mới trồng được khoảng 3 tháng nhưng bị nhiễm bệnh nên giờ mới chỉ cao hơn 20 cm và chưa có củ. Do đó, tôi đang tiến hành nhổ bỏ những cây bị bệnh rồi tiến hành phun thuốc diệt trừ bọ phấn trắng và trồng dặm lại”-ông Phúc chia sẻ.

Tương tự, hơn 1 ha mì của bà Nguyễn Thị Hằng (thôn 3, xã Đak Hlơ) trồng tháng 12-2019 cũng đang bị nhiễm bệnh khảm lá với tỷ lệ 30%. Bà Hiền cho biết: “Khi trồng được hơn 1 tháng thì tôi phát hiện nhiều cây mì bị xoăn ngọn. Nguyên nhân chắc là do mua giống không đảm bảo của thương lái bán trên địa bàn xã. Hiện tại, tôi chưa biết xử lý ra sao vì nếu phá bỏ thì mất trắng khoảng 20 triệu đồng tiền đầu tư, còn để lại thì biết có củ hay không”.

Ông Bùi Phích-Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ-cho hay: Theo phản ánh của người dân, từ đầu tháng 2-2020, trên địa bàn xã đã xuất hiện bệnh khảm lá vi rút hại mì. Ngay sau đó, UBND xã đã cử cán bộ xuống các thôn, làng để nắm tình hình và tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ bệnh. Đến nay, cơ bản người dân đã nhổ bỏ những cây bị bệnh và tiến hành phun thuốc tiêu diệt bọ phấn trắng. “Phần lớn người dân đều sử dụng giống từ vụ trước để lại. Do đó, chuẩn bị bước vào vụ mùa 2020, chúng tôi khuyến cáo người dân phải sử dụng hom giống từ những đám ruộng không bị nhiễm bệnh. Còn những diện tích bị nhiễm bệnh sau khi thu hoạch phải tiến hành tiêu hủy hoàn toàn, tránh lây lan nguồn bệnh, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất cho vụ sau”-ông Phích thông tin thêm.   

Người dân nhổ bỏ cây mì bị bệnh. Ảnh; Lê Nam
Người dân nhổ bỏ cây mì bị bệnh. Ảnh: Lê Nam



Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Mai-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang-cho biết: Phần lớn diện tích mì bị nhiễm bệnh mới trồng được 1,5-2 tháng. Mặc dù Trung tâm đã triển khai các biện pháp ngay từ đầu vụ như: đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức được tác hại của bệnh khảm lá vi rút hại mì; tăng cường kiểm soát nguồn giống từ các đại lý nhưng do nắng hạn kéo dài nên các đối tượng rệp, rầy, bọ phấn trắng phát triển là nguyên nhân gây bệnh khảm lá. Một nguyên nhân nữa là do người dân lấy giống mì bị nhiễm bệnh từ vụ trước để làm giống cho vụ sau. Cũng theo bà Mai, cây mì đang trong giai đoạn nuôi củ. Do đó, nông dân nên đánh giá cụ thể tỷ lệ nhiễm bệnh, giai đoạn phát triển của cây mì. Nếu ruộng có tỷ lệ nhiễm bệnh dưới 50% thì phải nhổ bỏ, tiêu hủy toàn bộ cây bị nhiễm bệnh và tiếp tục chăm sóc số cây còn lại, thu hoạch sớm. Sau khi thu hoạch xong, bà con cần tiêu hủy toàn bộ số cây trên đồng ruộng. Còn đối với diện tích bị nhiễm bệnh trên 50% thì cày bỏ hoàn toàn và luân canh sang cây trồng khác ít nhất 1 năm để cắt nguồn bệnh.

“Để đảm bảo cho sản xuất vụ mùa 2020, Trung tâm đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ nguồn giống và ngăn chặn việc đưa giống bị nhiễm bệnh vào địa bàn, nhất là giống lấy từ huyện Kông Chro, Ia Pa, Phú Thiện và thị xã An Khê. Khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng cây mì ở những diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút để làm giống. Tuyệt đối không sử dụng giống mì HL-S11 mà nên sử dụng giống mì KM94. Ngoài ra, người dân cần xử lý đất kỹ càng, xuống giống đúng lịch thời vụ mà cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn”-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang khuyến cáo.

 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm