Kinh tế

Nông nghiệp

Kbang: Nông dân thu nhập ổn định từ cây chuối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, người dân huyện Kbang (Gia Lai) đã tích cực chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trong đó có cây chuối. Đây là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, cho thu hoạch quanh năm.
Huyện Kbang hiện có trên 477 ha cây ăn quả, trong đó có hơn 181 ha chuối được trồng trên địa bàn 14 xã, thị trấn. Các giống chuối được người dân nơi đây trồng nhiều gồm: chuối tiêu hồng, chuối mốc, chuối hương và chuối cau. Trồng chuối có rất nhiều ưu điểm: vốn đầu tư thấp, không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, không ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, cho thu hoạch thường xuyên và khá ổn định.
Gia đình bà Dung thu nhập trên 250 triệu đồng/năm từ vườn chuối. Ảnh: N.M
Gia đình bà Dung thu nhập trên 250 triệu đồng/năm từ vườn chuối. Ảnh: N.M
Nhận thấy những ưu điểm đó của cây chuối, năm 2013, ông Võ Trường Niên (tổ dân phố 16, thị trấn Kbang) đã chuyển 6 sào đất chuyên trồng đậu, bắp sang trồng 400 gốc chuối tiêu hồng giống Đài Loan. Ông Niên cho hay: “Trên địa bàn huyện Kbang, nhiều mô hình trồng chuối đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong khi đó, trồng đậu, bắp thu nhập không được bao nhiêu, giá cả lại lên xuống thất thường. Vì vậy, tôi đã đi học hỏi kinh nghiệm và quyết định chuyển sang trồng chuối”.
Theo ông Niên, để trồng 6 sào chuối, ông tốn khoảng 7 triệu đồng mua giống, thuê máy đào hố, mua phân chuồng, phân NPK bón lót… Sau 1 năm chăm sóc, chuối đã cho thu hoạch. Mỗi buồng có từ 150 đến 200 quả, giá bán 700-1.000 đồng/quả. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi gần 50 triệu đồng/năm từ 6 sào chuối. Đây là nguồn thu nhập ổn định của gia đình ông trong 5 năm qua.
 
Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: “Những năm qua, chuối đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông dân trong huyện. Thời gian tới, để nâng cao thu nhập cho người trồng chuối, huyện sẽ tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc; giới thiệu những mô hình trồng chuối tiêu biểu để người dân học hỏi; tạo điều kiện để người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm ra những sản phẩm có tính cạnh tranh; hướng người dân tiếp cận những giống chuối chất lượng… Dự kiến đến năm 2020, huyện sẽ chuyển đổi 10 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng chuối”.

Cách đây 8 năm, gia đình bà Lê Thị Dung (tổ dân phố 2, thị trấn Kbang) cũng phá bỏ gần 7 sào bắp, đậu xanh để chuyển sang trồng chuối mốc. Bà Dung chia sẻ: “Năm 2010, tôi về Hải Dương thăm người thân. Thấy người dân nơi đây nhờ trồng chuối mốc mà làm giàu, tôi quyết định mua 500 cây giống về trồng. Để có đất trồng chuối, tôi phá bỏ gần 7 sào đậu xanh và bắp lai. Chuối được trồng trên đất phù sa sông Ba bồi đắp nên sau 8 tháng đã cho thu hoạch, sản lượng, chất lượng có phần nhỉnh hơn so với trồng ngoài quê. Toàn bộ số chuối thu hoạch được, thương lái vào tận vườn thu mua mang đi Bình Định, Đà Nẵng tiêu thụ”.
Bà Dung cho rằng, chuối là loại cây ăn quả dễ tính. Mỗi năm, bà chỉ phải bón phân cho chuối một lần; khoảng 6 tháng rải vôi bột dưới gốc để phòng ngừa sâu đục thân; không phải phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào; thỉnh thoảng phát cỏ, cắt lá già và tỉa bớt cây con... Đến nay, gia đình bà đã mở rộng diện tích trồng chuối lên trên 2 ha, mỗi năm thu nhập hơn 250 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình bà còn thu nhập gần 100 triệu đồng từ các loại cây ăn trái như: vải, ổi, mít Thái… trồng xen trong vườn chuối.
Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm