Xã hội

Kbang quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đã phát huy hiệu quả khi phần lớn người sau khi học nghề đã có việc làm ổn định. Không những nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, lực lượng này còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương.
Trước đây, mỗi khi máy bơm nước tưới cà phê gặp sự cố, ông Đinh Văn Ngập (làng Tờ Kơr, xã Sơ Pai) phải thuê người sửa chữa. Thế nhưng, từ khi tham gia học lớp sửa chữa máy nổ và máy cày công suất nhỏ, ông đã tự mình khắc phục mọi hỏng hóc. Không chỉ vậy, ông còn hỗ trợ bà con trong làng sửa chữa máy móc. Ông Ngập cho hay: Nhờ được đào tạo bài bản, tôi nắm được những kiến thức về vận hành, sửa chữa các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất. So với trước đây thì thu nhập của gia đình tôi cũng đã khá lên nhiều, gần 2 ha cà phê sau khi trừ chi phí cho thu hơn 100 triệu đồng/năm.
Tương tự, trước đây, 7 ha cà phê của gia đình chị Đinh Thị Nao (cùng làng) đạt năng suất rất thấp do hạn chế về kiến thức, kỹ thuật. Vì thế, chị Nao đã đăng ký tham gia lớp đào tạo kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê. Từ kiến thức được học, chị đã áp dụng vào thực tế. Nhờ vậy, năng suất vườn cây được nâng lên rõ rệt. Chị vui mừng cho hay: “Ước tính năng suất vườn cà phê nhà tôi đạt 65-70 tấn tươi, cao gấp 2-3 lần so với trước đây. Tôi cũng đã hướng dẫn bà con trong làng làm theo để đạt năng suất cao”.
Học viên học sửa chữa ô tô tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Kbang. Ảnh: Minh Phương
Đánh giá về hiệu quả từ các chương trình đào tạo nghề lao động nông thôn, nhất là đối với người dân tộc thiểu số, bà Đinh Thị Đenh-Phó Chủ tịch UBND xã Sơ Pai-cho hay: Thời gian qua, UBND xã luôn chú trọng công tác đào tạo nghề cho bà con, nhất là ở 2 làng đặc biệt khó khăn Tờ Kơr và Buôn Lưới. “Sau khi tham gia các lớp học, người dân đã biết áp dụng những kiến thức vào lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình ổn định. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở thêm các lớp với nhiều ngành nghề khác để bà con tham gia học tập, giúp phát triển kinh tế gia đình”-Phó Chủ tịch UBND xã Sơ Pai khẳng định.
Trao đổi về công tác đào tạo nghề của đơn vị trong thời gian qua, ông Bùi Tiến Phương-Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện-cho hay: Những năm qua, Trung tâm thường xuyên phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác đào tạo đa dạng ngành nghề cho các học viên. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, đơn vị đã mở 50 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.300 học viên với các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Riêng năm 2021, Trung tâm phối hợp mở được 9 lớp đào tạo nghề với 248 học viên tham gia, gồm đào tạo sửa chữa máy cày công suất nhỏ, trồng và chăm sóc cây mắc ca, cà phê; trồng rau an toàn; thợ nề; hướng dẫn sử dụng thuốc thú y…
Lớp học hướng dẫn các học viên trồng rau an toàn. Ảnh: Minh Phương
Theo ông Phương, đáng mừng là tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt cao. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã giới thiệu việc làm cho gần 50 học viên, giúp họ có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Người lao động cũng đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, không còn tình trạng học nghề theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước. Tại một số địa phương, người dân còn chủ động đề xuất phương thức đào tạo phù hợp với điều kiện của địa phương. “Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự phát huy hiệu quả, Trung tâm đã đưa đội ngũ cán bộ xuống trực tiếp xã, thị trấn nắm bắt nhu cầu của người dân, hướng dẫn các thủ tục để đăng ký học nghề. Đồng thời, huyện sẽ làm đầu mối liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động để giới thiệu việc làm cho các học viên sau đào tạo”-ông Phương thông tin thêm.
MINH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm