Xã hội

Lao động - Việc làm

Thoát nghèo bền vững nhờ được đào tạo nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề nông thôn, nhiều người dân trong tỉnh Gia Lai có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, mở hướng thoát nghèo bền vững.

Chị Kpăh H’Buyn (buôn Ia Rniu, xã Ia Broắi, huyện Ia Pa) cho hay: Trước đây, chị cũng đã trồng rau xanh nhưng do không có kỹ thuật nên cây chậm phát triển, vườn rau chết hơn một nửa. Nghe xã thông báo về việc mở các lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương, chị liền đăng ký theo học.

“Tham gia khóa đào tạo nghề chăm sóc rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi được các giảng viên Trường Cao đẳng Gia Lai hướng dẫn trồng rau theo quy trình khép kín từ kỹ thuật làm đất, bón phân, quản lý dịch bệnh đến tiêu thụ sản phẩm.

Hiện vườn rau của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt. Tôi dự định sẽ mở rộng sản xuất theo hướng thương mại để nâng cao thu nhập cho gia đình”-chị H’Buyn bộc bạch.

chi-kpah-hbuyn-tru-tai-buon-ia-rniu-xa-ia-boai-huyen-ia-pa-trong-rau-xanh-sau-khi-hoc-nghe.jpg
Sau khi tham gia lớp học nghề chăm sóc rau an toàn, chị Kpăh H’Buyn (buôn Ia Rniu, xã Ia Broắi, huyện Ia Pa) đã áp dụng kiến thức vào vườn rau của gia đình. Ảnh: T.D

Sau khi tham gia lớp học nghề sửa chữa máy cày, anh Ksor Dêl (làng Blôm, xã Kim Tân, huyện Ia Pa) đã mở cơ sở riêng để phục vụ người dân trên địa bàn. Anh cho biết: Năm 2021, khi huyện mở lớp dạy nghề sửa chữa máy cày công suất nhỏ, anh đăng ký tham gia. Sau khi nắm rõ các kiến thức, anh mở cơ sở sửa chữa ngay tại làng để phục vụ bà con với mức thu nhập ổn định.

“Tới đây, tôi dự định sẽ nhận học viên để giúp họ có nghề nghiệp ổn định”-anh Ksor Dêl tâm sự.

Theo ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa: Giai đoạn 2022-2024, huyện đã mở 15 lớp đào tạo nghề với gần 350 học viên là người dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia. Tổng kinh phí bố trí cho các lớp đào tạo nghề hơn 1 tỷ đồng.

Qua các lớp đào tạo nghề, học viên đã áp dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất, tạo thêm thu nhập. Điều này cũng góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, tạo tiền đề giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

anh-ksor-del-sua-xe-cong-nong-cho-nguoi-dan-trong-vung.jpg
Anh Ksor Dêl sửa xe công nông cho người dân trong vùng. Ảnh: T.D

Năm 2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Ia Grai đã mở 16 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ông Nguyễn Quang Thuấn-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện-cho hay: “Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, học viên đều nắm vững kiến thức được truyền đạt và áp dụng có hiệu quả trong thực tế. Sau khi học nghề, nhiều học viên đã có thu nhập cao hơn”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã mở gần 200 lớp đào tạo nghề cho lao động vùng DTTS. Riêng năm 2024, gần 5.000 lao động người DTTS được đào tạo nghề.

Nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học đã áp dụng hiệu quả kiến thức vào thực tế sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao.

Trao đổi với P.V bên lề hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khu vực Tây Nguyên (điểm cầu Gia Lai) diễn ra vào ngày 30-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp thông tin: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, hàng năm, tỉnh tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề và tạo ra được 1.500 việc làm.

Các địa phương căn cứ vào những điều kiện thực tế để tổ chức các lớp đào tạo phù hợp. Đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa sẽ tổ chức các lớp đào tạo theo hình thức cụm. Từ việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn thông qua đào tạo nghề đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu việc làm và thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Có thể bạn quan tâm