Kinh tế

Nông nghiệp

Kbang tạo đột phá trong công tác trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, đặc biệt là tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích mang lại từ việc trồng rừng, năm 2023, huyện Kbang đã vượt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng tỉnh giao.

Vượt tiến độ

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình chị Đinh Thị Khyenh (làng Lơ Vi, xã Lơ Ku) đã chủ động phát dọn thực bì, đào hố để bắt tay trồng rừng vụ mới.

Chị cho biết: Đầu năm, chị đã trồng hơn 1 ha bạch đàn và 1,5 ha keo. Đây là phần diện tích đất đồi dốc lâu nay gia đình trồng đậu xanh nhưng năng suất kém. Năm ngoái, vì cần tiền trang trải cho việc xây nhà nên chị đành bấm bụng “bán non” 1 ha keo chỉ mới hơn 2 năm tuổi được gần 30 triệu đồng.

Chị Đinh Thị Khyenh (làng Lơ Vi, xã Lơ Ku, huyện Kbang) dọn tỉa cành, nhánh diện tích rừng trồng. Ảnh: M.P

Chị Đinh Thị Khyenh (làng Lơ Vi, xã Lơ Ku, huyện Kbang) dọn tỉa cành, nhánh diện tích rừng trồng. Ảnh: M.P

Tương tự, đầu năm 2021, ông Đinh Ơh (cùng làng) cũng xuống giống 2 ha keo. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay, rừng keo phát triển tốt.

Dự kiến đầu năm 2024, ông tiếp tục trồng thêm 1 ha keo. “Lấy ngắn nuôi dài”, ông còn trồng mì, mía để có thu nhập ổn định, đồng thời dự tính sẽ chăm sóc vườn keo thành rừng gỗ lớn để tăng giá trị kinh tế; tiếp tục chuyển đổi dần những diện tích kém hiệu quả, đất ở vùng đồi cao, đất bỏ hoang sang trồng rừng.

Theo ông Trương Nhật Linh-Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Ku: Trên cơ sở chỉ tiêu trồng rừng huyện giao, UBND xã chỉ đạo các thôn, làng tổ chức cho người dân đăng ký diện tích, vị trí đất trồng rừng và xây dựng kế hoạch phân bổ, giao chỉ tiêu cho từng thôn, làng.

Xác định trồng rừng là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế tại địa phương, UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, các hội, đoàn thể phối hợp với các thôn, làng tuyên truyền về lợi ích của việc trồng rừng, vận động người dân đăng ký tham gia.

Bên cạnh đó, xã tiến hành rà soát quỹ đất để xây dựng kế hoạch tuyên truyền về việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng bền vững, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng.

Từ năm 2021 đến nay, diện tích rừng trồng của xã đạt hơn 550 ha. Riêng năm 2023, toàn xã có 100 hộ tham gia trồng rừng với diện tích hơn 205 ha, đạt 641% so với kế hoạch huyện giao.

Cùng với các địa phương, nhiều công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Kbang cũng tích cực tham gia trồng rừng. Ông Phạm Khắc Hoàng-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku-thông tin: “Năm 2023, tổng diện tích rừng trồng mới của Công ty là hơn 241 ha, đạt 321% so với kế hoạch. Trong đó, trồng mới trên đất chưa có rừng là 132,7 ha, trồng lại trên đất sau khai thác rừng trồng là 188,7 ha”.

Theo ông Hoàng, tính đến nay, tổng diện tích rừng trồng của Công ty hơn 1.117 ha, trong đó, rừng do Công ty tự trồng là 466,26 ha; rừng trồng hợp tác với cá nhân, hộ gia đình hơn 651,4 ha.

Ông Vũ Quang Sáng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang-cho biết: Bên cạnh việc bảo vệ tốt diện tích, chất lượng rừng hiện có, đơn vị còn chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn và đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả kế hoạch trồng rừng theo chỉ tiêu được giao.

Đến nay, UBND các xã, thị trấn đã trồng mới 461,35 ha, vượt trên 130,6% so với kế hoạch của năm 2023. Các công ty lâm nghiệp cũng trồng mới 185,8 ha, vượt 85,5%, chưa tính còn có hơn 160,6 ha mà các đơn vị này đã trồng lại sau khai thác.

Tích cực thu hồi đất rừng bị lấn chiếm

Song song với công tác trồng rừng, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku còn phối hợp với chính quyền địa phương và các thôn, làng tuyên truyền, vận động người dân trả lại đất lấn chiếm cho Công ty trồng rừng hoặc hộ dân hợp tác trồng rừng có hưởng lợi.

Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Từ năm 2017 đến nay, Công ty đã thu hồi được 468,32 ha. Đối với diện tích đất bị lấn chiếm còn lại là 766,1 ha của khoảng 650 hộ dân (xã Đak Smar, Krong, Lơ Ku, Sơ Pai) đang sản xuất trên đất lâm nghiệp, Công ty đã thống kê và tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ký hợp đồng khoán trồng rừng; ưu tiên các hộ dân đang xâm canh trên đất Công ty tham gia hợp tác trồng rừng có hưởng lợi trên diện tích đất rừng sản xuất hoặc tự nguyện giao đất để đơn vị tiến hành trồng rừng, phục hồi rừng”.

Người dân xã Lơ Ku (huyện Kbang) khai thác diện tích rừng trồng. Ảnh: Minh Phương

Người dân xã Lơ Ku (huyện Kbang) khai thác diện tích rừng trồng. Ảnh: Minh Phương

Còn Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện thì thông tin: Triển khai Kế hoạch số 1123/KH-UBND ngày 23-3-2017 của UBND tỉnh về thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, các đơn vị chủ rừng, UBND các xã thống kê diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm cần thu hồi trên địa bàn huyện là hơn 1.071 ha.

Đến nay, huyện đã tiến hành thu hồi 982,65 ha/1.113 hộ, bằng 91,68% so với kế hoạch (trong đó đã trồng rừng 748,48 ha; diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 31,53 ha; diện tích chưa trồng rừng 202,64 ha).

Ngoài ra, diện tích tiếp tục kê khai thu hồi tại xã Nghĩa An, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai gần 90 ha cũng đang được các đơn vị này vận động người dân tự nguyện giao đất hoặc chuyển đổi cây trồng phù hợp với mục đích đất lâm nghiệp.

Trao đổi với P.V, ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Trên cơ sở chỉ tiêu trồng rừng tỉnh giao, huyện đã xây dựng kế hoạch phân bổ xuống các xã, thị trấn; đồng thời, tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, ở những khu vực đất bạc màu, độ dốc cao, góp phần tăng độ che phủ rừng.

Mặt khác, huyện cũng yêu cầu UBND các xã, thị trấn, đơn vị chủ rừng triển khai rà soát chính xác, xác định cụ thể diện tích đất trồng rừng hiện có để giao chỉ tiêu cho các địa phương thực hiện nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra.

Cùng với đó, huyện cũng đã chỉ đạo ngành chức năng triển khai lồng ghép các chương trình mục tiêu để tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số trồng cây mắc ca, dổi xanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế đối với diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện.

Có thể bạn quan tâm