Theo đó, UBND huyện Kbang yêu cầu các xã, thị trấn có diện tích trồng mía thường xuyên theo dõi, kiểm tra nắm tình hình sinh trưởng, phát triển của cây mía cũng như dự báo thời điểm mía chín ở từng cánh đồng để làm cơ sở đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê.
Cùng với đó, xây dựng phương án, kế hoạch thu mua mía và thống nhất diện tích mía tới kỳ thu hoạch của từng hộ, từng cánh đồng để huy động máy móc, phương tiện tập trung thu hoạch và vận chuyển mía về nhà máy nhằm hài hoà lợi ích của người dân và doanh nghiệp; đảm bảo tiêu thụ hết diện tích mía chín, không để thiệt hại cho người dân do thu hoạch chậm.
Mặt khác, UBND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của cháy mía cũng như xử lý đối với các trường hợp gây ra cháy mía đến các thôn, làng và đến các hộ gia đình trồng mía qua các cuộc họp và hệ thống truyền thanh của xã; vận động người dân đề cao cảnh giác, thường xuyên kiểm tra, thực hiện các biện pháp phòng-chống cháy mía.
Củng cố các Tổ xung kích phòng-chống thiên tai của xã để thường xuyên tuần tra, canh gác, sớm phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến cháy mía; chuẩn bị lực lượng, dụng cụ, phương tiện, sẵn sàng chữa cháy mía theo phương châm “4 tại chỗ”.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng yêu cầu Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện kiểm tra, nắm tình hình, đôn đốc các xã, thị trấn, Nhà máy đường An Khê tổ chức thu hoạch cây mía niên vụ 2024-2025 đảm bảo tiêu thụ hết mía nguyên liệu; Công an huyện chủ động xây dựng phương án phòng-chống cháy mía. Đồng thời, đề nghị Nhà máy đường An Khê phối hợp với các xã vùng nguyên liệu thống nhất kế hoạch tiêu thụ, hỗ trợ tối đa máy móc, phương tiện để thu hoạch, vận chuyển; kịp thời thông tin các chính sách, kế hoạch thu mua, giá mua, chính sách hỗ trợ của nhà máy đến hộ trồng mía…