Điểm đến Gia Lai

Kbang trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Kbang (Gia Lai) là một trong những huyện có diện tích lớn và đa dạng chủng loại cây ăn quả của tỉnh. Trồng cây theo hướng hữu cơ thay thế phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học bằng các loại có nguồn gốc sinh học, đang được người dân áp dụng vào quá trình sản xuất, tạo ra sản các phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Trồng cây theo hướng hữu cơ

Canh tác theo hướng hữu cơ không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người sản xuất lẫn người tiêu dùng; không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng sức đề kháng cho cây trồng; tạo ra các sản phẩm có mẫu mã đẹp, hương vị thơm ngon được thị trường ưa chuộng… Chính vì những lợi ích này mà sau khi đi thăm quan mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, anh Thân Trung Phúc (thôn 3, xã Nghĩa An) đã phá bỏ mía, chuyển sang trồng cây ăn quả. Anh Phúc cho biết: “Lâu nay, gia đình tôi sản xuất nông nghiệp chủ yếu sử dụng phân, thuốc BVTV hóa học, ảnh hưởng lớn tới môi trường, sức khỏe; làm thoái hóa đất. Điều này đã thôi thúc tôi chuyển đổi cây trồng và hướng sản xuất. Sau khi phá bỏ mía, tôi cải tạo đất, lắp đặt hệ thống ống tưới tự động. Giữa năm 2018, tôi bắt đầu đi mua cây về trồng. Với diện tích 5 ha tôi đã trồng1.200 cây quýt đường, 700 cây bưởi da xanh, mít thái 200 cây và cau mứt 600 cây”.

Số cây này được anh Phúc trồng xen canh, cây ổi trong vườn cam, quýt, còn mít thái, cau mứt trồng xung quanh bờ thửa. “Việc trồng như thế này nhằm lấy ngắn nuôi dài, tạo bóng mát, tăng giá trị kinh tế trên diện tích đất. Cây ổi khoảng 8-10 tháng cho thu hoạch, còn các cây còn lại trên 36 tháng”-anh Phúc giải thích. Vườn cây được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón phân hữu cơ đúng liều lượng, độ tuổi nên luôn xanh tốt, phát triển đều, không dịch bệnh. “Hiện số cây ổi đã cho thu trên 20 kg quả/ngày. Thương lái vào tận vườn mua với giá 15.000 đồng/kg, còn dặn sau có cam, quýt, mít họ mua hết”-anh Phúc phấn khởi nói.

Kỹ sư nông nghiệp (bên phải) hướng dẫn người dân xã Sơ Pai cách chăm sóc vườn cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Ảnh: Ngọc Minh
Kỹ sư nông nghiệp (bên phải) hướng dẫn người dân xã Sơ Pai cách chăm sóc vườn cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Ảnh: Ngọc Minh


   
Nhận thấy lợi ích từ việc sản xuất theo hướng hữu cơ, hơn 2 năm nay, anh Phạm Văn Hậu (thôn 1, xã Sơ Pai), chuyển hẳn sang sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ cho vườn bơ, sầu riêng của gia đình. Anh Hậu chia sẻ: “Gia đình tôi có 2,5 ha cây bơ và 2 ha cây sầu riêng. Cuối năm 2016, sau khi cải tạo xử lý nấm, ấu trùng mầm bệnh trong đất và đào hố cách ly hơn 2 tháng, tôi bắt đầu xuống giống. Thời gian đầu, tôi có sử dụng phân hóa học tổng hợp bón thúc cho cây có sức sinh trưởng nhưng hạn chế và tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV hóa học. Từ cuối năm 2017 đến nay tôi chỉ bón phân hữu cơ và các loại sản phẩm sinh học trừ sâu bệnh cho vườn cây. Hiện nay, cây sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh; sầu riêng đang ra hoa, vườn bơ bắt đầu thu bói khoảng 3 tấn, một số đại lý trái cây tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội đặt mua với giá 40 ngàn đồng/kg”.

Tăng lợi ích, giảm chi phí

Có số lượng thành viên và diện tích cây ăn quả lớn, nên việc trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ là sự lựa chọn hàng đầu của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thành Công Kông Lơng Khơng. Bà Trần Thị Cảm-Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Công Kông Lơng Khơng (xã Kông Lơng Khơng) cho hay: HTX được thành lập vào tháng 6-2018 với 35 thành viên. Trong đó, 19 thành viên có khoảng 20 ha cây ăn quả và HTX có phối hợp, hướng dẫn người dân chăm bón, cây ăn quả theo hướng hữu cơ khoảng 20 ha. Quy trình chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ có ghi chép đầy đủ, có kế hoạch rõ ràng nên khá thuận lợi. Năm thứ nhất đầu tư chưa tính được lợi ích nhưng từ năm thứ hai việc chi phí đầu tư sẽ giảm từ 10-15%. Bên cạnh đó, cây hấp thụ đủ nước, chất dinh dưỡng nên sinh trưởng phát triển bền vững,  cho năng suất cao lợi nhuận sẽ tăng dần theo từng năm. “Hiện nay, cây ăn quả là cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập chính cho thành viên HTX. Vì vậy, việc tạo ra các sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, nguồn gốc rõ ràng đáp ứng nhu cầu thị trường là mục tiêu HTX hướng đến”-bà Cảm kỳ vọng.

Để làm được điều này, HTX tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc, thu hái, đóng gói sản phẩm; đã dán tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm quả ổi, chanh dây và đầu năm 2020 là cho sản phẩm chanh không hạt. Tuy nhiên, những sản phẩm này mới chỉ tiêu thụ ở thị trường trong huyện và một số vùng lân cận. “Vì hiện nay HTX còn vướng chưa có bao bì theo tiêu chuẩn, cho nên sau khi HTX in lô gô, thương hiệu, đóng gói theo quy định là có thể xuất bàn vào một số siêu thị và cửa hàng trong TP.Hồ Chí Minh”-bà Cảm vui vẻ nói.

Theo thống kê, huyện Kbang có trên 909 ha cây ăn quả với 13 chủng loại như: Cam, quýt, chuối, ổi, nhãn, vải, mít, sầu riêng, bơ, xoài…Được trồng rải rác trên địa bàn 14 xã, thị trấn. Với diện tích và đa dạng chủng loại, cây ăn quả đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, đem lại nguồn thu khá lớn cho ngân sách địa phương.
 
Trao đổi với P.V, ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang cho biết: Những năm gần đây, cây ăn quả đang dần khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, góp phần thiết thực vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. “Nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của các loại cây trồng, huyện đã tổ chức các lớp hướng dẫn cách trồng chăm sóc cây ăn quả; triển khai một số mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ; tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng hóa học chuyển sang dùng chế phẩm sinh học; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh cây ăn quả; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong cung ứng giống, vật tư cây trồng, đảm bảo cây giống sạch bệnh, đáp ứng các tiêu chuấn kỹ thuật theo quy định, tạo ra các sản phẩm sạch đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập, đời sống người dân”-ông Tình thông tin thêm.

NGỌC MINH
 

Có thể bạn quan tâm