Những hình ảnh “biết nói”
Chiều vàng nắng trên vạt hoa dã quỳ cạnh quán cà phê mới khai trương, cặp vợ chồng trẻ có tiếng trong nghề review ở Gia Lai là Phạm Công Quý (SN 1994) và Vòng Thị Huyền (SN 1993, trú tại đường Bùi Đình Túy, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ với chúng tôi những buồn vui của nghề. Đam mê nhiếp ảnh và thích “xê dịch”, năm 2017, anh Quý bắt đầu rong ruổi trên các ngả đường của tỉnh thưởng lãm cảnh đẹp, bấm máy ghi lại những khoảnh khắc độc, lạ của thiên nhiên, núi rừng. Sở thích chung đã gắn kết 2 người rồi họ nên duyên vợ chồng. Từ đó, đôi vợ chồng trẻ bắt đầu theo nghề review. “Vì có chung sở thích, vợ chồng tôi thường chở nhau đi tham quan cảnh đẹp ở các địa phương trong tỉnh. Ban đầu là chụp ảnh cho thỏa đam mê. Khi những bức ảnh đăng tải lên mạng xã hội được nhiều người đón nhận, chia sẻ, vợ chồng tôi quyết định thử nghiệm với nghề review. Từ năm 2020 đến nay thì cả hai chuyên tâm theo nghề này luôn”-anh Quý chia sẻ.
Vợ chồng anh Phạm Công Quý review cảnh đẹp ở Gia Lai. Ảnh: Huyền Tỷ |
Những thước phim, hình ảnh của vợ chồng anh Quý chủ yếu về thắng cảnh hoang sơ, đầy sức hút ở các địa phương trong tỉnh nhưng chưa được nhiều người biết đến. Cùng với đó là hình ảnh về những nhà hàng, quán ăn, quán cà phê ấn tượng, đẹp mắt. Để có những thước phim, hình ảnh đẹp, bên cạnh đầu tư số tiền lớn mua sắm máy móc hiện đại là sự vất vả thức khuya dậy sớm của đôi vợ chồng trẻ. “Sự tương tác tích cực, động viên của cộng đồng mạng đã tiếp thêm động lực để tụi em tiếp tục dấn thân chứ công việc này tốn kém và vất vả. Ví như, để chụp bộ ảnh hồ sen Ia Yeng, vợ chồng em chạy xe máy trong đêm xuống Phú Thiện, thuê nhà nghỉ ngủ lại. Đến 4 giờ sáng, lục tục dậy chuẩn bị rồi chạy vào trong đó để kịp chụp ảnh bình minh lên. Chụp xong thì em chở xe máy ngược phố, còn chồng ngồi sau chỉnh sửa hình ảnh bằng điện thoại rồi mới đăng bài. Hay như để chụp được tấm ảnh hoa anh đào ở Biển Hồ (TP. Pleiku), nhiều hôm chồng em phải dậy từ 4 giờ sáng rồi chạy ra đó ngồi canh mặt trời mọc để bắt được khoảnh khắc đẹp, có bình minh, sóng nước lăn tăn, hoa chớm nở. Lại có lần để ghi được cảnh thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh), anh Quý phải trèo lên tháp truyền thanh cao chót vót lia ống kính xuống. Em đứng dưới nhìn ngược lên mà lo lắng không yên”-chị Huyền tâm sự.
Nói về người trẻ làm nghề review trên địa bàn tỉnh, không thể không nhắc đến anh Rcom Dam Mơ Ai (SN 1989, trú tại phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa). Năm 25 tuổi, khi làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, những bữa ăn với đa dạng thực phẩm ở nơi phồn hoa này không làm anh vơi đi nỗi nhớ cơm lam với lá mì, cà đắng… của quê nhà. Vậy là, anh nghỉ việc về quê. Anh cho hay: “Trong khi chế biến các món ăn mang đậm bản sắc của người Jrai, tôi thường quay clip và đăng lên mạng xã hội. Không ngờ, những clip này nhận được phản hồi tích cực của cộng đồng mạng. Năm 2015, tôi lập Fanpage “Jrai Food” để đăng tải hình ảnh, video ẩm thực quê hương. Tôi cũng chăm chút hơn khi chế biến món ăn để làm sao lưu giữ được nét ẩm thực đặc trưng độc đáo. Ngoài ra, tôi cũng sáng tạo ra những món ăn mới dựa trên những nguyên liệu quanh nhà mà lâu nay bà con vẫn chế biến làm thức ăn. Hiện nay, tôi cũng đến một số cửa hàng ẩm thực chuyên chế biến các món ăn của người Jrai, Bahnar trong tỉnh để quay phim, chụp ảnh nhằm quảng bá rộng rãi cho cộng đồng mạng trong và ngoài nước”.
Anh Rcom Dam Mơ Ai (bìa phải) là người nổi tiếng về kể chuyện ẩm thực quê hương qua mạng xã hội (ảnh nhân vật cung cấp). |
Trong khi đó, trang Facebook, Zalo của anh Đỗ Mạnh Cương (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) cũng đang được sự đón nhận nồng nhiệt của cộng đồng mạng với video, hình ảnh các sản phẩm thủ công, văn hóa cồng chiêng của người Bahnar, Jrai. Những hình ảnh này không chỉ góp phần quảng bá nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số mà còn giúp người dân có thêm thu nhập khi có nhiều khách hàng đặt mua sản phẩm về sử dụng.
Vươn xa ước vọng
Việc làm thầm lặng của những người trẻ tuổi nặng lòng với quê hương đã góp phần quảng bá hình ảnh một Gia Lai thân thiện, mến khách, nhiều thắng cảnh đẹp hút hồn và đa dạng ẩm thực, văn hóa đặc trưng đến với du khách. Vợ chồng anh Quý-chị Huyền thấy tự hào khi những video, hình ảnh về quê hương Gia Lai đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội nhận được sự đón nhận tích cực của mọi người. “Ở thời điểm hiện tại, các trang mạng xã hội của vợ chồng em có hàng ngàn lượt người theo dõi. Không chỉ bạn trẻ mà còn có nhiều người lớn tuổi vào xem, tương tác. Điều này giúp lan tỏa nhanh hơn về tiềm năng du lịch của tỉnh. Thời gian gần đây, càng nhiều quán cà phê, nhà hàng liên hệ nhờ chúng em review để quảng bá. Nhiều người khách phương xa khi đến trải nghiệm, tham quan ở tỉnh sau khi xem video, hình ảnh của chúng em. Đây là động lực để vợ chồng tiếp tục tạo ra những sản phẩm đặc sắc, độc đáo nhằm quảng bá hình ảnh tỉnh nhà”-chị Huyền bộc bạch.
Cảnh sắc ở hàng thông trăm tuổi đẹp lung linh qua những thước ảnh của vợ chồng anh Phạm Công Quý. Ảnh: Huyền Tỷ |
Hiện tại, 2 trang Facebook “Jrai Food”, “Ceo Reo Food-Mơ Ai” của chàng trai Jrai Rcom Dam Mơ Ai có hơn 8.000 lượt theo dõi. Đã có một số YouTuber (người sáng tạo nội dung) nổi tiếng thế giới đến gặp anh Mơ Ai cùng làm các sản phẩm video về ẩm thực của người Jrai ở khu vực phía Đông Nam tỉnh. Đơn cử như YouTuber người Úc Sonny Side với 9 triệu lượt người theo dõi hay nhiếp ảnh gia, đạo diễn truyền hình nổi tiếng người Canada Stephen Parcalidis. Thông qua các sản phẩm làm chung này, ẩm thực Gia Lai được giới thiệu rộng rãi đến bạn bè quốc tế. Anh Mơ Ai khẳng định: “Tới đây, ngoài việc duy trì các trang Facebook, tôi sẽ mở kênh YouTube. Tôi sẽ quay lại cách chế biến thực phẩm, làm rượu cần, uống rượu cần nguyên bản của người Jrai. Tại các kênh này, tôi cũng sẽ bán các sản phẩm như thịt bò một nắng, rượu cần, muối cỏ thơm của người dân trong vùng cho thực khách có nhu cầu”.
Anh Đỗ Mạnh Cương giới thiệu sản phẩm đan lát thủ côngcủa người Bahnar (ảnh nhân vật cung cấp). |
Với anh Cương, hành trình đăng tải video, hình ảnh sản phẩm thổ cẩm, đan lát của người dân ở Mang Yang tiếp tục duy trì bởi tình yêu quê hương luôn thúc giục. Cùng với đó, anh Cương cũng lan tỏa hình ảnh các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với khách hàng trong nước, quốc tế để giúp người dân tiếp cận thị trường, có thu nhập cao hơn. “Người dân tộc thiểu số ở Mang Yang đa phần còn khó khăn nhưng họ có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa. Mình tin chắc những sản phẩm đan lát do bà con làm ra có thể xuất khẩu được. Nếu sản phẩm đến được với khách hàng trong và ngoài nước, chắc chắn người dân sẽ có thêm thu nhập, đồng thời góp phần bảo tồn nghề thủ công truyền thống, phát huy nét văn hóa độc đáo của dân tộc”-anh Cương cho biết.