Giáo dục

Kết nghĩa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc kết nghĩa giữa Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai với làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) không chỉ giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó.

Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa

Làng Châu cách trung tâm xã Chư Krêy khoảng 10 km về phía Tây Bắc, điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Làng hiện có 210 hộ với 896 khẩu, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 98,5%. Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS, đầu năm 2024, Sở GD-ĐT tổ chức kết nghĩa với làng Châu.

Theo đó, Sở GD-ĐT triển khai tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của pháp luật về lĩnh vực GD-ĐT. Đồng thời, vận động người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho con em trong độ tuổi đến trường.

Năm 2024, Sở GD-ĐT hỗ trợ 5 hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 2 điểm trường thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến, Trường Mầm non Sơn Ca xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy học.

1-8988.jpg
Cô và trò Trường Mầm non Sơn Ca (làng Châu, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) phấn khởi khi Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thành công trình làm mới cổng, hàng rào, sân bê tông tại trường. Ảnh: L.H

Trước đây, điều kiện học tập và giảng dạy của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến tại điểm trường làng Châu vô cùng khó khăn. Điểm trường không có sân bê tông, không có cổng kiên cố, còn hàng rào thì dựng bằng cây gỗ tạm bợ. Sân chơi cũng chỉ là khoảnh đất, mưa thì lầy lội, ngày nắng bụi mù.

Thấu hiểu điều này, Sở GD-ĐT phối hợp với Công đoàn ngành kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục chung tay hỗ trợ điểm trường này. Theo đó, Sở hỗ trợ làm mới cổng, hàng rào, sân bê tông với số tiền trên 320 triệu đồng.

Ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở GD-ĐT: “Sở GD-ĐT và làng Châu sẽ tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động kết nghĩa như nội dung chương trình ký kết. Qua đó, góp phần giúp dân làng Châu nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập; giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS”.

Thầy Nguyễn Xuân Ân-Hiệu trưởng nhà trường-phấn khởi chia sẻ: “Giờ đây, nhà trường đã có một diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp hơn. Các em học sinh có sân chơi, bãi tập để phục vụ cho các tiết học ngoài trời, ngoại khóa”.

Qua công tác kết nghĩa, Sở GD-ĐT đã quan tâm hỗ trợ công tác giáo dục để các em học sinh có điều kiện đến trường được tốt hơn, chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS cũng từng bước được nâng lên”.

thay-va-tro-truong-pho-thong-dan-toc-ban-tru-tieu-hoc-va-thcs-nguyen-khuyen-diem-truong-lang-chau-vui-mung-truoc-dien-mao-moi-cua-truong-anh-la.jpg
Thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến (điểm trường làng Châu) vui mừng trước diện mạo mới của trường. Ảnh: Lạc Hà

Cùng chung niềm phấn khởi, cô Lê Thị Nguyên-Giáo viên điểm trường làng Châu-bày tỏ: “Tôi đã có 17 năm công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến, trong đó có 2 năm dạy tại điểm trường làng Châu.

Cũng như nhiều giáo viên ở đây, tôi thấu hiểu những thiếu thốn của học sinh vùng khó trên con đường tìm con chữ. Nhờ những công trình kết nghĩa mà trường lớp khang trang hơn, có sân vui chơi nên các em rất háo hức. Tỷ lệ chuyên cần cũng đảm bảo hơn”. Còn em Đinh Thị Sam (lớp 5) thì tâm sự: “Em rất vui khi lớp học đẹp hơn. Chúng em không còn phải sợ bị mưa dột nữa”.

Mới đây, Sở GD-ĐT cũng đã hoàn thành công trình làm mới cổng, hàng rào, sân bê tông tại Trường Mầm non Sơn Ca với kinh phí trên 161 triệu đồng. Đây là nỗ lực lớn của Sở trong việc cải thiện cơ sở vật chất giáo dục tại ngôi làng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn này.

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó

Trước đây, cuộc sống gia đình anh Đinh Vĩ chủ yếu dựa vào vài sào mì. Vợ chồng anh có 2 con gái (1 cháu học lớp 6, 1 cháu học lớp 1). Với mong muốn con cái theo học con chữ để thoát nghèo, vợ chồng anh chăm chỉ làm lụng nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.

Vừa qua, gia đình anh là 1 trong 5 hộ khó khăn được hỗ trợ bò giống để chăn nuôi, cải thiện sinh kế. “Khi nhận được sự hỗ trợ này, vợ chồng tôi rất xúc động. Tôi sẽ chăm sóc thật tốt để có thêm nguồn thu nhập duy trì việc học của các con”-anh Vĩ cho hay.

cac-ho-dan-phan-khoi-khi-duoc-so-giao-duc-va-dao-tao-trao-bo-de-chan-nuoi-phat-trien-kinh-te-anh-lac-ha.jpg
Các hộ dân phấn khởi khi được Sở Giáo dục và Đào tạo trao bò để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Ảnh: Lạc Hà

Vui mừng trước những đổi thay của quê hương, Trưởng thôn Đinh Đơm chia sẻ: “Làng còn nhiều khó khăn với 70 hộ nghèo. Chúng tôi rất vui mừng khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Sở GD-ĐT. Sự hỗ trợ này sẽ giúp các hộ nghèo cải thiện cuộc sống. Khi cuộc sống dần tốt hơn, bà con sẽ có thêm điều kiện chăm lo cho con cái học hành. Lũ trẻ trong làng cũng tới lớp chuyên cần hơn khi có trường mới, cặp sách mới”.

Theo ông Đơm, công tác kết nghĩa góp phần thay đổi diện mạo của làng Châu. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục, mở ra tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ.

Ngay sau khi tổ chức lễ kết nghĩa với làng Châu, Sở GD-ĐT phối hợp với Công đoàn ngành ban hành văn bản gửi các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để kêu gọi hỗ trợ người dân làng Châu.

Kết quả, đến cuối tháng 10-2024, Sở đã vận động được trên 519 triệu đồng. Sở đã triển khai hỗ trợ 5 hộ nghèo (7 triệu đồng/hộ) để mua bò giống và sửa chữa nhà ở; trên 161 triệu đồng làm mới cổng, hàng rào, sân bê tông tại điểm trường Mầm non Sơn Ca; trên 320 triệu đồng làm mới cổng, hàng rào, sân bê tông tại điểm trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến.

Ngoài ra, Sở đã kêu gọi Công đoàn BIDV Phố Núi hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho gia đình bà Đinh Thị Brắp với số tiền 75 triệu đồng; Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê) hỗ trợ Trường Mầm non Sơn Ca 1 bộ máy vi tính trị giá 20 triệu đồng; các nhà hảo tâm hỗ trợ 100 chiếc mền, 400 áo ấm cho học sinh 2 trường.

Ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở GD-ĐT-thông tin: Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và căn cứ Hướng dẫn số 03-HD/BDVTU ngày 6-2-2024 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về tổ chức, triển khai kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, Sở GD-ĐT và làng Châu đã thống nhất các nội dung kết nghĩa. Năm 2024, Sở đã triển khai thực hiện tốt công tác kết nghĩa.

Thời gian tới, Sở tiếp tục lựa chọn 5 hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ trong năm 2025 và thực hiện các nội dung đã cam kết hỗ trợ làng Châu.

Có thể bạn quan tâm