Cuộc thi viết về chủ đề "Thành phố Pleiku: Bản sắc và Hiện đại"

Kết nghĩa với các buôn làng: Thắt chặt nghĩa tình, chung tay xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với phương châm “phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, linh hoạt tùy theo điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đoàn thể, đơn vị”, chương trình kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn TP. Pleiku đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Gắn bó từ mô hình kết nghĩa

Thành phố Pleiku hiện có 14 phường, 7 xã với 175 thôn, làng, tổ dân phố; trong đó có 37 làng ĐBDTTS, người DTTS chiếm 13,23% dân số. Những năm qua, TP. Pleiku xác định phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc là mục tiêu mũi nhọn.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền TP. Pleiku giao Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao kết nghĩa với làng Ia Nueng (xã Biển Hồ) và Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố kết nghĩa với làng Ơp (phường Hoa Lư). Với chuyên môn về văn hóa, 2 đơn vị đã phối hợp cùng dân làng để phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn văn hóa và tổ chức các hoạt động xã hội.

anh-2.jpg
Các tour du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại làng Ơp (phường Hoa Lư) được hình thành thu hút du khách. Ảnh: Bá Bính

Làng Ơp (phường Hoa Lư) được thành lập từ năm 1927, có diện tích hơn 100 ha và hơn 200 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Jrai. Người dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp và các dịch vụ du lịch. Để bảo tồn các lễ hội truyền thống, làng Ơp thành lập 2 đội cồng chiêng, 1 đội múa xoang; nhiều nghệ nhân truyền dạy các nghề thủ công truyền thống như: đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm. Mục tiêu của làng là trở thành điểm du lịch cộng đồng.

Ngày 6-10-2024, Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố đã kết nghĩa với làng Ơp. Theo đó, Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố đã hướng dẫn làng Ơp triển khai, thực hiện các tiêu chí xây dựng Làng văn hóa theo bộ tiêu chí mới; tư vấn, hỗ trợ tổ chức đoàn nghệ nhân tham gia các hoạt động văn hóa. Chi đoàn Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố cũng tặng 10 phần quà cho học sinh vượt khó học giỏi của làng Ơp.

Ông Rơ Mah Hur-Trưởng thôn Ơp-vui mừng nói: “Tôi rất vui vì làng Ơp được chọn là địa điểm du lịch, cũng như vinh dự được Phòng Văn hóa-Thông tin kết nghĩa với làng. Mong đơn vị kết nghĩa tiếp tục quan tâm, hỗ trợ bà con xây dựng thêm các nhà rông, phục dựng văn hóa truyền thống dân tộc và hướng dẫn cho người dân về du lịch cộng đồng".

Còn ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku thì cho hay: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì làng nghề truyền thống của mình để phát triển du lịch. Đơn vị sẽ phối hợp với các doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư phát triển du lịch tại địa phương; phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tuyên truyền, giới thiệu quảng bá về mô hình làng du lịch cộng đồng Ia Nueng. Đồng thời, Trung tâm đã tặng làng 1 bộ bóng-lưới bóng chuyền để thanh niên làng Ia Nueng tập luyện thể thao".

anh-1.jpg
Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku kết nghĩa với làng Ia Nueng (xã Biển Hồ). Ảnh: Bá Bính

Năm 2023, TP. Pleiku triển khai Đề án xây dựng làng văn hóa-du lịch cộng đồng tại làng Ia Nueng (xã Biển Hồ). Làng hiện có 2 nhà rông mới, 6 nhà sàn truyền thống. Ngày 27-9-2024, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku đã tổ chức kết nghĩa với làng. Từ đó, các hoạt động bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch cộng đồng được triển khai với sự hỗ trợ của đơn vị kết nghĩa như: hướng dẫn phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh, thành phố được tổ chức trên địa bàn; hỗ trợ tuyên truyền các sản phẩm đặc trưng của địa phương, từ đó tạo động lực cho bà con phát triển kinh tế bền vững. Làng hiện có 50 hộ khá với thu nhập trung bình 100-120 triệu đồng/năm và không còn hộ nghèo.

Ông Ksor Nglen-người dân làng Ia Nueng-chia sẻ: “Đội cồng chiêng và múa xoang của làng tham gia biểu diễn phục vụ du khách tại Khu di tích thắng cảnh Biển Hồ. Các nghệ nhân tham gia quảng bá các sản phẩm dệt truyền thống và ẩm thực vào dịp cuối tuần tại Khu di tích thắng cảnh Biển Hồ. Nhờ giữ gìn được nét văn hóa truyền thống nên khách du lịch đến với làng Ia Nueng trải nghiệm ngày một nhiều, giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần”.

Tạo động lực giảm nghèo

Những năm qua, Thành ủy Pleiku đã chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố, các xã, phường triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 01-ĐA/TU ngày 18-1-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác kết nghĩa với các làng ĐBDTTS trên địa bàn TP. Pleiku. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người DTTS ngày càng được cải thiện và nâng lên.

anh-6.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự TP. Pleiku cùng người dân, đơn vị kết nghĩa tổ chức gói bánh chưng mỗi dịp Tết đến, xuân về. Ảnh: Bá Bính

Qua 10 năm, việc triển khai thực hiện Đề án 01 đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người DTTS được cải thiện đáng kể nhờ tham gia các mô hình hỗ trợ sản xuất và giúp đỡ hộ nghèo bền vững.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa đã vận động hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà cho 98 hộ nghèo, tặng quà trị giá hơn 4,5 tỷ đồng và hỗ trợ hơn 179 triệu đồng mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ĐBDTTS giảm còn 2,16% và 3,35%.

Tuy nhiên, tại các làng DTTS vẫn còn một số tồn tại như tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn phức tạp, trình độ dân trí thấp, ý thức vệ sinh phòng bệnh hạn chế, nạn tảo hôn vẫn còn diễn ra, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, cùng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của một bộ phận người dân…

Để tiếp tục khắc phục những khó khăn còn tồn tại trên, thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về công tác kết nghĩa với các làng ĐBDTTS trên địa bàn thành phố (sửa đổi, bổ sung năm 2024). Qua đó, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ ĐBDTTS phát triển kinh tế-xã hội, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc tạo sự chuyển biến nhận thức, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người DTTS trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở Đề án 02, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền quán triệt đến cán bộ, đảng viên và người dân về nội dung của Đề án. Đồng thời, phân công 40 cơ quan, đơn vị thành phố kết nghĩa với 37 làng ĐBDTTS trên địa bàn thành phố; phân công 13 xã, phường kết nghĩa với 6 xã có làng ĐBDTTS.

Ngoài ra, UBND tỉnh phân công Sở Xây dựng và Sở Lao động Thương binh và Xã hội kết nghĩa với làng Wâu (xã Chư Á) theo Chỉ thị 13-CT/TU; phân công Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 là đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn kết nghĩa với xã Biển Hồ trong xây dựng nông thôn mới.

anh-5.jpg
Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân. Ảnh: Bá Bính

Trong năm 2024, thông qua chương trình kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị đã vận động doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà cho 6 hộ nghèo, cận nghèo; cấp 5 con bò giống, 41 con heo giống cùng hàng nghìn cây giống cho người dân. Ngoài ra, các đơn vị cũng đã trao 21 chiếc xe đạp và hơn 1.000 suất quà (sách, vở, quần áo...) trị giá trên 200 triệu đồng cho học sinh khó khăn.

Hiện, 97,61% hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Pleiku có nhà vệ sinh đạt chuẩn, 99,9% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Tính đến nay, thành phố còn 51 hộ nghèo và 129 hộ cận nghèo, trong đó 129 hộ cận nghèo là ĐBDTTS.

Là hộ dân được hỗ trợ sửa chữa nhà ở, anh Ksor Nhiu-làng O Sơr (xã Ia Kênh) chia sẻ: “Căn nhà trước kia tôi ở đã xuống cấp, bản thân tôi đau bệnh suốt không đủ khả năng sửa chữa nhà. Được Ban Chỉ huy Quân sự TP. Pleiku hỗ trợ sửa chữa nhà, tôi mừng lắm. Từ nay, gia đình không còn lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến và yên tâm làm ăn để phát triển kinh tế”.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với các làng ĐBDTTS đã phối hợp với địa phương nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tổ chức các lớp tập huấn và tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước đến người dân. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, 100% làng có chi bộ độc lập và chi bộ làng có đủ số lượng đảng viên là người tại chỗ. Phát huy được vai trò của già làng, người có uy tín trong làng, các chức sắc tôn giáo ngay tại địa bàn trong việc tuyên truyền vận động người dân làm theo điều hay, lẽ phải. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng ĐBDTTS đã được duy trì ổn định.

Các cơ quan phối hợp tổ chức 49 đợt tuyên truyền phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, với 3.200 người tham gia. Nhờ đó, người dân nhận thức rõ âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, kiên quyết không tin theo kẻ xấu, góp phần củng cố thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Đến nay, thành phố đã có 11 làng đạt chuẩn nông thôn mới, gồm các làng: Wâu, Chuet Ngol, Mơ Nú (xã Chư Á); Ia Nueng, Phung, Têng 1, Têng 2 (xã Biển Hồ); Nhao I, Nhao II (xã Ia Kênh); Bong Phrâo (xã An Phú) và làng C (xã Gào).

Bà Trần Thị Hồng Nguyệt-Trưởng Ban dân vận Thành ủy Pleiku-cho biết: "Thời gian qua, công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các làng ĐBDTTS trên địa bàn TP. Pleiku đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các đơn vị đã chủ động phối hợp với địa phương trong việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là trong công tác xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cải thiện hạ tầng, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác kết nghĩa, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, hướng dẫn người dân tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với đặc thù từng làng, từng dân tộc.

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các làng DTTS, tăng cường các hoạt động giáo dục chính trị, pháp luật, và nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề xã hội, nhằm xây dựng một cộng đồng vững mạnh, phát triển bền vững trong thời gian tới".

1-logo-ban-sac-va-hien-dai-4-mau.jpg

Có thể bạn quan tâm