Phóng sự - Ký sự

Kết nối giao thông Tây Nguyên - Bài 1: Nhận diện những nút thắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hạ tầng giao thông Tây Nguyên chậm phát triển có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chính như thi công chậm tiến độ, thiếu vốn, đầu tư chưa đồng bộ.
Do chưa được đầu tư cầu nên đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh (Kon Tum) chưa phát huy hiệu quả. Ảnh: HỮU PHÚC

Do chưa được đầu tư cầu nên đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh (Kon Tum) chưa phát huy hiệu quả. Ảnh: HỮU PHÚC

LTS: Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định rõ quan điểm “Lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm động lực, tạo dư địa cho phát triển vùng” và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với vùng là “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế”. Từ điểm xuất phát thấp, Tây Nguyên hiện nay được Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các tỉnh Tây Nguyên trải dài trên địa bàn rộng nhưng hạ tầng giao thông từ lâu không được đầu tư mới, hoặc những dự án cũ nâng cấp, cải tạo chưa đáp ứng được kỳ vọng. Hạ tầng giao thông Tây Nguyên chậm phát triển có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chính như thi công chậm tiến độ, thiếu vốn, đầu tư chưa đồng bộ.

Thi công chậm tiến độ

Đường vành đai TP Đà Lạt (Lâm Đồng) dài gần 7,5km đi qua các phường 3, 4, 5 thuộc TP Đà Lạt, điểm đầu kết nối với đường Trúc Lâm Yên Tử (giao với đèo Prenn), điểm cuối tuyến là ngã tư giao với đường Hoàng Văn Thụ và đường Nguyễn Đình Quân (phường 5), có tổng vốn đầu tư 720 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Khởi động từ năm 2022, kế hoạch hoàn thành vào tháng 6-2023, tuyến đường được kỳ vọng sẽ tăng cường kết nối hạ tầng giao thông đô thị TP Đà Lạt với hệ thống giao thông đối ngoại của tỉnh, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực trung tâm TP Đà Lạt. Tuy nhiên, theo ghi nhận, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án hiện vẫn chưa xong. Dự án chỉ mới thi công từ đầu đèo Prenn tới khu vực cầu suối Tía với độ dài khoảng gần 3km, với các hạng mục san gạt, xây kè nền đường.

"Tuyến đường tránh TP Bảo Lộc thi công dở dang không chỉ gây lãng phí đầu tư mà còn ảnh hưởng đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân địa phương. Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị tiếp tục báo cáo đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết nguồn vốn hoặc huy động nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thi công, hoàn thành tuyến đường tránh này trong năm 2023"- Ông HOÀNG ANH TUẤN, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng

Còn tại Đắk Nông, dự án đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê có tổng chiều dài 46km, nối quốc lộ 14 từ Kiến Đức (huyện Đắk R’lấp) với quốc lộ 28 tại xã Quảng Khê (huyện Đắk Glong) có tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, đã hoàn thành giai đoạn 1 với kinh phí 320 tỷ đồng, còn giai đoạn 2 của dự án đang phải tạm dừng vì vướng quy hoạch bauxite. Trong khi đó, quốc lộ 19 nối Gia Lai xuống Bình Định từ lâu đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước sự cấp thiết cho lưu thông qua lại 2 tỉnh, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên trên tuyến quốc lộ 19 đã được phê duyệt đầu tư với số vốn hơn 3.600 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 2, Bộ GTVT làm chủ đầu tư, thi công từ tháng 8-2021 và dự kiến hoàn thành năm 2023. Tuy nhiên, quá trình thi công dự án đoạn qua tỉnh Gia Lai ghi nhận vẫn còn ngổn ngang, chưa biết lúc nào hoàn thành.

Thiếu vốn, vướng mặt bằng

Tại Kon Tum, nhiều dự án đường bộ quan trọng của tỉnh này đang gặp khó vì vướng mặt bằng và đất rừng. Dự án đường Đắk Pne (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) đi xã Đắk Rong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) do UBND huyện Kon Rẫy làm chủ đầu tư là một điển hình. Dự án này có vai trò quan trọng với các huyện vì từ trước đến nay chưa có con đường nào thông qua 2 địa phương này. Người dân muốn qua lại phải đi đường vòng đường Trường Sơn Đông hoặc quốc lộ 19 với chiều dài từ 120km đến 200km. Đến nay, dự án đang triển khai thi công hơn 2km, hơn 5,5km còn lại thì nằm “bất động” do vướng đất rừng.

Dự án đường trục chính phía Tây TP Kon Tum dài 19,84km, tổng mức đầu tư 1.492 tỷ đồng, hiện cũng đang gặp khó vì liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng và đất rừng. Dự án này gồm 2 hợp phần, trong đó hợp phần 1 triển khai trước, trong giai đoạn 2020-2024 với tổng mức 1.059 tỷ đồng, nhưng hiện khối lượng thực hiện đến nay đạt khoảng 10%.

Tương tự, dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, chiều dài hơn 56km chưa hoàn thành công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Còn dự án đường tránh quốc lộ 20 qua TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) có chiều dài 15,5km được khởi công từ tháng 2-2017 với số vốn hơn 720 tỷ đồng hoàn tất được khoảng 70% tiến độ, sau đó buộc phải “đắp chiếu” vì không có vốn.

Nhiều cung đường “thử thách”

Nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao nhưng hạ tầng giao thông tại khu vực Tây Nguyên xuống cấp nhiều năm nay khiến việc kết nối giao thông nội vùng và các tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian đi thực tế viết bài, nhóm tác giả có dịp di chuyển trên quốc lộ 27 từ Lâm Đồng đi Đắk Lắk, suốt chiều dài đoạn đường qua địa phận tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi chứng kiến nhiều đoạn đường cong cua gắt, xuống cấp. Anh Dương Văn Lực (lái xe khách tuyến Lâm Đồng - Gia Lai) nói: “Hành khách nhiều khi vẫn nói vui là dù đang ngủ nhưng về tới địa phận Lâm Đồng là biết ngay, bởi đường xấu là dấu hiệu nhận biết và cũng trở thành nỗi ám ảnh của những ai thường xuyên qua lại đoạn đường này”.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở quốc lộ 28B nối từ Lâm Đồng đi Bình Thuận, nhiều năm nay xuống cấp nhưng không được nâng cấp, sửa chữa. Đặc biệt là đoạn từ khu vực cầu Đắk Ra (xã Tà Hine, huyện Đức Trọng) đến hết địa phận tỉnh Lâm Đồng dài hơn 12km xuống cấp nghiêm trọng. Anh Đinh Hữu Trọng (ngụ Long Thành, Đồng Nai) cho biết: “Sau khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thông xe, tôi khám phá thử hành trình đi Đà Lạt, sau chặng cao tốc rút ngắn được khá nhiều thời gian thì khi lên đèo Đại Ninh thấy mặt đường quá xấu, do xe gia đình gầm thấp nên vừa đi tôi vừa dò đường để tránh”.

Tại khu vực Bắc Tây Nguyên, đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh (qua 3 huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đắk Glei thuộc tỉnh Kon Tum) có chiều dài 58km, vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, hoàn thành năm 2017 nhưng chưa phát huy hiệu quả tối đa do chưa đầu tư được 5 cây cầu trên tuyến này. Ghi nhận thực tế, đoạn qua 2 xã Măng Bút (Tu Mơ Rông), Ngọc Yêu (Kon Plông), có 5 con suối chảy qua đường nhưng hiện trạng là những ngầm tràn với chi chít đá, khiến xe di chuyển rất khó khăn.

Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) do chênh lệch độ cao từ hơn 400m (dưới chân đèo) lên 980m (đỉnh đèo) và có hơn 100 khúc cua ngoằn ngoèo, chiều dài khoảng 10km khiến đèo Bảo Lộc là thử thách lớn với mỗi lái xe. Mỗi ngày có hàng chục ngàn phương tiện qua lại nên mỗi khi xảy ra va chạm, tai nạn thì đèo Bảo Lộc lại xảy ra ùn tắc. Từ lâu người dân ở Lâm Đồng nói riêng và những người thường xuyên di chuyển qua cung đường này luôn mong mỏi có thêm tuyến đường song song, giảm tải cho nút thắt “cổ chai” này.

Trong khi đó, đèo Lò Xo đoạn qua xã Đắk Man (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, thuộc đường Hồ Chí Minh) có chiều dài 27km, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Cũng vì đường xuống cấp, nên nhiều phương tiện muốn đi từ Gia Lai, Kon Tum về Đà Nẵng phải chọn đi tuyến đường khác thay vì đi qua đường Hồ Chí Minh như hiện nay.

Giai đoạn vừa qua, Nhà nước đầu tư khoảng 95.655 tỷ đồng cho hệ thống giao thông vùng Tây Nguyên, nhờ đó giao thông nơi đây đã được cải thiện đáng kể, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại (nâng cấp, khai thác tốt các tuyến đường trục và đường ngang xuống các tỉnh ven biển miền Trung, các tuyến đường sang Lào và Campuchia). Về quy hoạch, đã hoạch định hệ thống kết nối nội vùng và kết nối liên vùng duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu do các trục ngang kết nối có mật độ thấp, quy mô nhỏ, đèo dốc quanh co. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng do tốc độ khai thác thấp (từ 40-50km/giờ) nên các tuyến giao thông vùng Tây Nguyên mới chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải thông thường, chưa có tuyến cao tốc kết nối nhanh với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay.

Có thể bạn quan tâm