Nằm trong khu vực Đông Nam Bộ, các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu đang có những đóng góp lớn đối với nền kinh tế-xã hội của không chỉ với vùng mà còn của cả nước. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập về hệ thống giao thông kết nối đang là những trở ngại lớn kìm hãm sự phát triển chung, đòi hỏi các địa phương, bộ, ngành cần sớm có giải pháp để tháo gỡ.
Thi công đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. |
Ngoài hệ thống hạ tầng giao thông đường biển kết nối thiếu đồng bộ, nhiều năm qua, tuyến quốc lộ 51 gần như đang phải gồng mình để gánh tải cho việc vận chuyển hàng hóa, lưu thông đi lại của người dân.
Giao thông kìm hãm sự phát triển
Nằm ở vị trí cửa ngõ trung tâm của khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Đồng Nai có nhiều tuyến quốc lộ, đường cao tốc đi qua. Tuy nhiên, một số tuyến quốc lộ đã trở nên quá tải, ảnh hưởng sự phát triển kinh tế-xã hội không chỉ địa phương mà còn cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Thí dụ, trên tuyến quốc lộ 51, đoạn từ phường An Hòa đến phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa thời gian gần đây thường xuyên xảy ra ùn tắc, trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân.
Anh Võ Công Sự, lái xe qua tuyến đường này hằng ngày cho biết: “Nếu phương tiện lưu thông bình thường, đi qua đoạn này chỉ cần 15 phút nhưng nhiều hôm mất hơn một giờ. Bây giờ, tôi chỉ mong làm sao cho hạ tầng giao thông được cải thiện hơn, lái xe đỡ vất vả”. Dù đã được nâng cấp, mở rộng từ hơn chín năm trước nhưng do tốc độ phát triển nhanh cho nên gần đây, tuyến quốc lộ này trở nên quá tải trầm trọng. Theo công suất thiết kế ban đầu, quốc lộ 51 có 12 nghìn lượt xe/ngày đêm nhưng hiện tại phải “oằn mình” gánh hơn 35 nghìn lượt xe/ngày đêm, thậm chí cao điểm lên đến hơn 48 nghìn lượt xe.
Còn với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dù là địa phương nổi tiếng về du lịch biển nhưng nhiều năm gần đây hoạt động của lĩnh vực này đã, đang có những dấu hiệu “hụt hơi”, mất dần lợi thế so với nhiều địa phương khác. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trịnh Hàng chia sẻ: Quốc lộ 51, tuyến đường duy nhất nối thành phố Hồ Chí Minh với Vũng Tàu đã quá tải từ lâu, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh. Đây cũng là nỗi ám ảnh của người dân khi lưu thông về Bà Rịa-Vũng Tàu mỗi dịp nghỉ lễ, Tết bởi thay vì chỉ mất khoảng 90 phút thì có khi phải mất đến 4-5 giờ cho quãng đường tương tự.
Một trong các nguyên nhân dẫn đến thực tế này là hệ thống kết nối giao thông đa phương thức đang là điểm nghẽn lớn. Cùng với du lịch, thế mạnh nổi trội giúp Bà Rịa-Vũng Tàu duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững chính là hệ thống cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải. Đây là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế chiếm 16% tổng hàng hóa cả nước và chiếm 34% tổng hàng công-ten-nơ thông qua cảng biển Việt Nam. Tuy nhiên, những bất cập trong phát triển hạ tầng giao thông đã và đang hạn chế sự phát triển của cụm cảng nước sâu này.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết: Với gần 50 dự án cảng biển đã đi vào hoạt động; tuy nhiên, hệ thống giao thông kết nối vùng bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó, đường bộ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào tuyến quốc lộ 51 đang quá tải; trong khi đó, đường thủy và đường bộ lại chưa kết nối hiệu quả. Việc quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt để nối dài đường sắt bắc-nam với cụm cảng nước sâu này cũng đã được đề ra nhưng tiến độ và thời gian thì vẫn còn… bỏ ngỏ. Đó là lý do vì sao nhiều cảng công-ten-nơ nước sâu phải chuyển đổi công năng để thành cảng tổng hợp, có khả năng xếp dỡ hàng rời.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho rằng: Hiện nay, các tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, các tuyến quốc lộ hướng tâm (quốc lộ 22, 13, 1) đều quá tải, nhất là vào khung giờ cao điểm. Với những hạn chế đặt ra, việc đầu tư thiếu đồng bộ hệ thống đường vành đai thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay đã trở thành điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng như khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung.
Theo quy hoạch, thành phố Hồ Chí Minh có ba tuyến vành đai (Vành đai 2, 3 và 4), với tổng chiều dài khoảng 356km. Tuy nhiên đến nay, chỉ đưa vào khai thác được khoảng 71km, riêng đường Vành đai 4 còn đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị dự án, chưa được đầu tư xây dựng dù nhu cầu thực tế của xã hội là hết sức cấp bách. Nhiều chuyên gia cho rằng, dù nhu cầu là rất lớn nhằm phục vụ sự phát triển nhưng việc đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng Đông Nam Bộ hiện quá ít.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn Chính phủ cho biết: Mạng lưới giao thông phía nam quy hoạch hơn 500km đường cao tốc, nhưng hiện nay chỉ mới đưa vào khai thác chưa tới 100km. Các tuyến cao tốc hiện hữu (thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương; thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây) hiện đang quá tải cũng gây áp lực lên các tuyến giao thông khác, nhất là các tuyến kết nối các địa phương. Thí dụ như việc kết nối với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đây không chỉ là địa phương có thế mạnh về du lịch mà còn là trung tâm về vận tải hàng hóa cảng biển nhưng sự thiếu đồng bộ về hạ tầng giao thông đang kìm hãm sự phát triển chung cho cả vùng trên nhiều lĩnh vực.
Cần chung tầm nhìn
Để giảm tải cho quốc lộ 51 và tăng kết nối giao thông cho vùng Đông Nam Bộ, đầu tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo tiền khả thi dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1. Dự án này có chiều dài hơn 53km (đoạn qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu) với quy mô bốn đến sáu làn xe có tổng mức đầu tư gần 18 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công. Dự kiến, khởi công dự án trong năm 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, việc đầu tư xây dựng dự án phải nhanh chóng được thực hiện để giải quyết nhu cầu giao thông không chỉ cho Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn kết nối cả khu vực Đông Nam Bộ. Đặc biệt, khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2025, tuyến đường cao tốc này càng có vai trò ý nghĩa hết sức quan trọng, phát huy hiệu quả của sân bay và cảng biển, tạo ra động lực quan trọng cho Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Để kết nối giao thông trong vùng, cuối năm 2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương giao địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai hai dự án đường sắt kết nối sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 100 nghìn tỷ đồng, gồm: Đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu (dài 84km) và đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-sân bay Long Thành (dài 38km). Để các dự án cao tốc, đường Vành đai 3, Vành đai 4 đi qua địa bàn tỉnh triển khai đúng tiến độ, tỉnh Đồng Nai cũng chủ động đề xuất các khu đất tạo vốn để thu hút các nhà đầu tư tham gia, thực hiện.
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, để tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, tỉnh xác định chú trọng đầu tư các tuyến kết nối giao thông liên cảng, liên vùng; tập trung triển khai các dự án như đường 991B, cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Long Sơn-Cái Mép, Phước Hòa-Cái Mép, đường sau cảng Mỹ Xuân-Thị Vải; xúc tiến các thủ tục để khởi động xây dựng đường sắt kết nối cảng; thúc đẩy phát triển các dự án cảng thủy nội địa…
Đối với cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh khẳng định: Công trình này là tài nguyên quốc gia chứ không phải chỉ riêng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nhằm khai thác hiệu quả cụm cảng nước sâu này là trách nhiệm của cả Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh, thành phố trong khu vực. Thời gian tới, tỉnh sẽ dồn nhiều nguồn lực để phát triển hiệu quả tất cả phương thức vận tải bao gồm cả đường bộ, đường hàng hải, đường thủy, đường sắt và đường hàng không, trong đó, có các dự án liên kết vùng, như đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An, đường Vành đai 4. Ðây là các dự án sẽ giảm tải cho quốc lộ 51, kết nối với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, Dầu Giây-Long Thành về thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng.
Với thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hiện các dự án kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng biển giai đoạn 2020-2030 có tổng mức đầu tư khoảng 93.247 tỷ đồng sẽ giải quyết cơ bản bài toán hạ tầng giao thông, nhất là phục vụ cho việc lưu thông hàng hóa giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ. Thành phố cũng mong muốn Trung ương sớm chấp thuận đầu tư tuyến đường Vành đai 3 bởi dự án này sẽ đem lại lợi ích kinh tế to lớn không chỉ cho người tham gia giao thông mà còn tạo động lực, sức lan tỏa để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói riêng và cả nước nói chung.
Theo PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, không thể phủ nhận nỗ lực của các địa phương trong việc huy động các nguồn vốn, khởi tạo nhiều công trình, dự án giao thông để tăng tính kết nối, tạo đà cho sự phát triển liên vùng; song thực tế cho thấy, tiến độ triển khai các dự án còn khá chậm, chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Việc nhận thức về lợi ích kết nối hạ tầng giao thông giữa các địa phương vẫn chưa được thực hiện đồng bộ, triệt để; giữa các địa phương vẫn chưa có tầm nhìn chung về việc cập nhật và chia sẻ dữ liệu. Các địa phương vẫn chưa giải quyết bài toán lợi ích chung và lợi ích riêng khi triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch, đứng trên góc độ liên vùng. Đó là những khó khăn cần sớm được các địa phương nhìn nhận và tháo gỡ.
Đoàn Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khảo sát thực địa dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. |
Theo TUẤN HIỀN và QUÝ VƯƠNG (NDĐT)