Điểm đến Gia Lai

Kết nối sản xuất, kinh doanh để phát triển thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Để cây hồ tiêu phát triển bền vững, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đã kết nối với một số doanh nghiệp, nhà khoa học hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất hồ tiêu theo quy trình canh tác hợp lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất hồ tiêu sạch nhằm tăng giá trị sản phẩm.

Kết nối nông dân với doanh nghiệp

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, hiện trên địa bàn huyện có trên 1.200 ha hồ tiêu. Phần lớn diện tích đang trong giai đoạn kinh doanh với sản lượng bình quân hàng năm ước đạt khoảng 5.000 tấn. Sản phẩm sau thu hoạch được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua, chế biến sâu để xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới.

Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, các doanh nghiệp và Chi hội hồ tiêu 2 xã Bar Măih và Bờ Ngoong ký biên bản ghi nhớ. Ảnh: Nguyễn Diệp

Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, các doanh nghiệp và Chi hội hồ tiêu 2 xã Bar Măih và Bờ Ngoong ký biên bản ghi nhớ. Ảnh: Nguyễn Diệp

Để cây hồ tiêu phát triển bền vững, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đã kết nối với một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, chế phẩm sinh học và doanh nghiệp thu mua hồ tiêu trên địa bàn huyện hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất hồ tiêu theo quy trình canh tác hợp lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất hồ tiêu sạch nhằm nâng tầm thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban của huyện đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ông Đinh Chroh- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tơ Drăh, xã Bar Măih-thông tin: Trước đây bà con trong thôn trồng hồ tiêu rất nhiều nhưng do dịch bệnh nên khiến cây hồ tiêu bị chết dần. Khoảng 3 năm trở lại đây, bà con trong thôn đã trồng mới được hơn 10 ha hồ tiêu. Thời gian qua, nhờ Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê kết nối với các doanh nghiệp xây dựng mô hình phát triển hồ tiêu bền vững theo hướng sạch, hữu cơ giúp nông dân nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây tiêu phát triển tốt. Ngoài ra, hiệp hội kết nối với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm hồ tiêu sạch của người dân nên đã tạo động lực để bà con yên tâm đầu tư sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Thương-Chủ tịch UBND xã Bar Măih: Toàn xã hiện có 102 ha hồ tiêu với năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hồ tiêu, UBND xã khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, ký hợp đồng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với người dân. Đặc biệt, xã đã thành lập Chi hội trồng hồ tiêu để người dân trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu sạch và giới thiệu đến các doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu sạch.

Quảng bá thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê

Mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đã kết nối một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón cùng doanh nghiệp thu mua hồ tiêu ký kết biên bản ghi nhớ với Chi hội hồ tiêu 2 xã Bar Măih và Bờ Ngoong nhằm xây dựng các mô hình sản xuất hồ tiêu sạch để người dân học tập, ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp người dân nâng cao thu nhập giảm chi phí đầu vào. Trong đó, nội dung hợp tác giữa các công ty với nông dân chủ yếu theo hướng hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất hồ tiêu sạch, ổn định, bền vững. Xây dựng phương án thu mua hồ tiêu với giá hợp lý và quảng bá, phát triển thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê.

Sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn 4C tại Hợp tác xã Nông nghiệp- Dịch vụ Ia Ring( xã Ia Tiêm). Ảnh: Nguyễn Diệp

Sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn 4C tại Hợp tác xã Nông nghiệp- Dịch vụ Ia Ring( xã Ia Tiêm). Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Nguyễn Xuân Hùng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Mai Gia Lai (thị trấn Chư Sê)-cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi chuyên thu mua hồ tiêu đen với sản lượng từ 10-12 ngàn tấn/năm. “Công ty chúng tôi luôn đồng hành cùng Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê nhằm hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu sạch, đảm bảo chất lượng và cam kết thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường, nhằm góp phần vực dậy cây hồ tiêu Chư Sê. Bên cạnh đó, từ các sản phẩm hồ tiêu sạch, chất lượng sẽ giúp quảng bá, phát triển thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê theo hướng bền vững hơn”-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Mai Gia Lai nói.

Thời gian gần đây, nhu cầu thị trường hồ tiêu thế giới có dấu hiệu phục hồi khi giá tiêu trong nước và xuất khẩu tăng dần. Điều này mở ra kỳ vọng cây hồ tiêu sẽ lấy lại vị thế ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong những năm tới.

Theo ông Nguyễn Dũng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê: Để giữ vững thương hiệu và phát triển vùng nguyên liệu hồ tiêu Chư Sê theo hướng bền vững, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê sẽ luôn đồng hành để tư vấn, hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất hồ tiêu trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường kết nối các doanh nghiệp, nhà khoa học với nông dân thông qua các Chi hội hồ tiêu ở các xã, thị trấn để hướng dẫn người dân sản xuất hồ tiêu sạch nhằm nâng cao uy tín của thương hiệu hồ tiêu Chư Sê trên thị trường. Tổ chức quản lý, quảng bá thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê chặt chẽ để mang lại hiệu quả cao nhất.

“Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê sẽ tiếp tục kết nối với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện Chư Sê, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và các xã, thị trấn của huyện để cùng nhau duy trì, phát triển thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê đã đăng ký. Bên cạnh đó, quyết tâm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, nhằm tăng thu nhập cho người trồng hồ tiêu”- Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm