Kinh tế

Nông nghiệp

Nâng cao giá trị thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Chư Sê (năm 2007), các cấp, các ngành và huyện Chư Sê đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển cây hồ tiêu theo hướng bền vững. Trong đó, công tác xúc tiến, quảng bá, khai thác hiệu quả thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê được đặc biệt chú trọng để nâng tầm giá trị sản phẩm.

Dù có thời điểm cây hồ tiêu bị chết hàng loạt do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh; giá cả không ổn định do phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, tuy nhiên, huyện Chư Sê vẫn xác định đây là một trong những cây trồng chủ lực bởi giá trị mang lại khá cao so với nhiều loại cây trồng khác. Vì thế, bên cạnh tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người dân thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác theo hướng hữu cơ bền vững, huyện Chư Sê còn tập trung quảng bá, phát triển thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê.  

 Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Ia Ring liên kết với doanh nghiệp sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững. Ảnh: Quang Tấn
Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Ia Ring liên kết với doanh nghiệp sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững. Ảnh: Quang Tấn


Ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-cho biết: Thời gian qua, Hiệp hội đã phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh quảng bá Nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Chư Sê. Nhờ đó, đến nay, nhãn hiệu Hồ tiêu Chư Sê đã được bảo hộ tại 7 nước, gồm: Bỉ, Đức, Mỹ, Hà Lan, Luxembourg, Trung Quốc, Singapore. Ngoài ra, Hiệp hội đã hoàn thành các bước thủ tục và đang chờ Ấn Độ cấp bảo hộ. Đặc biệt, ngày 27-12-2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Chư Sê cho sản phẩm hồ tiêu. Đây là tiền đề để huyện thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã vào đầu tư chế biến, đóng gói và gắn logo Nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Chư Sê, góp phần nâng cao giá trị cũng như bảo vệ và độc quyền thương hiệu trên toàn thế giới.

Để đáp ứng công suất cho nhà máy chế biến hồ tiêu phục vụ xuất khẩu, những năm qua, Công ty TNHH một thành viên An Thắng Gia Lai (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) luôn chú trọng phát triển vùng nguyên liệu hồ tiêu sạch. Ông Nguyễn Đức Thắng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty-cho hay: Hiện nay, chúng tôi đã mở rộng vùng nguyên liệu lên khoảng 50 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ia Tiêm, Al Bá, Chư Pơng… Tất cả đều được liên kết với người dân để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn với môi trường. Bên cạnh bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường, chúng tôi còn hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cung cấp phân bón hữu cơ chất lượng cao cho người dân. “Trung bình mỗi tuần, nhà máy cần khoảng 15 tấn tiêu khô để chế biến ra tiêu sọ xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, hiện vùng nguyên liệu chưa thể đáp ứng nhu cầu hoạt động của nhà máy. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với UBND các huyện Chư Sê, Chư Pưh để xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, làm việc với Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê để sử dụng Nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Chư Sê, góp phần quảng bá, phát triển và khai thác tốt nhãn hiệu này”-ông Thắng thông tin thêm.

Còn theo ông Trần Quốc Hưng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Ia Ring (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê), Hợp tác xã có 30 ha hồ tiêu liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững. Hàng năm, Hợp tác xã phối hợp với các đơn vị liên quan mời các nhà khoa học để tập huấn cho nông dân về sản xuất theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, các thành viên Hợp tác xã đã dần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thân thiện với môi trường.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Thời gian tới, Phòng sẽ phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê tập trung hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững để từng bước nâng cao năng suất, giá trị kinh tế. Đồng thời, xây dựng và thúc đẩy hình thành các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua các hợp tác xã trong sản xuất, chế biến hồ tiêu an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để bảo vệ uy tín, thương hiệu cho nông dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, huyện sẽ tiến hành dán tem, nhãn chỉ dẫn địa lý Hồ tiêu Chư Sê cho sản phẩm hàng hóa để nâng cao giá trị, bảo vệ và độc quyền thương hiệu trên toàn thế giới. Đặc biệt, tiếp tục hội nhập sâu vào thị trường thế giới, giữ vững được các thị trường truyền thống, đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các thị trường lớn, khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản và tích cực tìm kiếm thị trường mới.

 

 QUANG TẤN

 

Có thể bạn quan tâm