Kinh tế

Nông nghiệp

Xây dựng hồ tiêu Chư Sê thành sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, huyện Chư Sê đã điều tra, khảo sát và thu thập dữ liệu xây dựng sản phẩm chủ lực gồm: tiêu đen, tiêu sọ, tiêu dài chua ngọt…

Chư Sê là một trong những địa phương có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê. Những năm qua, các loại cây trồng này đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định. Trong đó, sản phẩm hồ tiêu Chư Sê đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền nhãn hiệu tập thể. Đây là một trong những lợi thế lớn để huyện Chư Sê xây dựng hồ tiêu thành sản phẩm OCOP trong những năm tới.


 

Trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ đang được người dân và các HTX trên địa bàn huyện Chư Sê thực hiện để xây dựng sản phẩm OCOP. Ảnh: N.D
Trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ đang được người dân và các HTX trên địa bàn huyện Chư Sê thực hiện để xây dựng sản phẩm OCOP. Ảnh: N.D

Năm 2018, các cơ quan chuyên môn của huyện Chư Sê đã điều tra, khảo sát thu thập dữ liệu phục vụ xây dựng chương trình OCOP. Qua khảo sát, trên địa bàn huyện có 3 nhóm sản phẩm thế mạnh gồm: nhóm thực phẩm (sản xuất, chế biến hồ tiêu, cà phê, tinh bột nghệ, tổ yến, chả cá thác lác, bơ, gạo Ayun); nhóm vải và may mặc (dệt thổ cẩm) và nhóm dịch vụ du lịch (thác Phú Cường). Tuy nhiên, hiện mới chỉ có sản phẩm hồ tiêu được sản xuất, chế biến tại Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận-Chi nhánh Gia Lai đã đăng ký công bố chất lượng và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, huyện đã thành lập các hợp tác xã (HTX) để hình thành chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu và cà phê. Trên cơ sở này, huyện xác định được 4 nhóm sản phẩm hồ tiêu chủ lực gồm: tiêu đen hạt, tiêu trắng hạt, tiêu bột đen và tiêu bột trắng cùng một số sản phẩm khác như tiêu sọ bóc vỏ, tiêu ngâm chua ngọt và tiêu dài chín khô.

Ông Nguyễn Đức Trọng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Sản xuất-Thương mại và Dịch vụ Tiêu Chư Sê-cho biết: Tham gia chương trình OCOP giúp HTX có cơ hội quảng bá thương hiệu sản phẩm hồ tiêu của địa phương và của HTX đang sản xuất, chế biến đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, HTX cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều thị trường tiềm năng khác.

Một trong những điều kiện thuận lợi để Chư Sê thực hiện chương trình OCOP là mới đây UBND tỉnh đã có Quyết định số 320/QĐ-UBND ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, trong đó có sản phẩm hồ tiêu. Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: Thời gian qua, huyện đã điều tra, khảo sát thực tế các sản phẩm của địa phương để xây dựng thành sản phẩm OCOP trong những năm tới. Trong đó, hồ tiêu là một trong những sản phẩm quan trọng được trồng, chế biến, tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong và ngoài nước từ nhiều năm nay. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 4 tổ chức đang sản xuất sản phẩm của địa phương gồm 1 công ty, 2 HTX và 1 hộ cá thể.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có để mở rộng thêm thị trường; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia trưng bày sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện rà soát thêm các sản phẩm có thể phát triển thành sản phẩm OCOP; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất tập trung, tăng cường liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, huyện sẽ tăng cường mối liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân.

 

Nguyễn Hồng

Có thể bạn quan tâm