Kinh tế

Nông nghiệp

Khai mạc Ngày hội Nông sản huyện Hoài Ân, Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 27/5, được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh Bình Định, huyện Hoài Ân đã tổ chức chương trình Ngày hội Nông sản huyện Hoài Ân lần thứ 1 năm 2022. 
 
Dừa xiêm, bưởi da xanh, trà Gò Loi, heo và gà ta thả vườn của huyện Hoài Ân được công nhận nhãn hiệu tập thể.
Dừa xiêm, bưởi da xanh, trà Gò Loi, heo và gà ta thả vườn của huyện Hoài Ân được công nhận nhãn hiệu tập thể.
Hoài Ân là vùng đất anh hùng với bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, là quê hương của Chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, là nơi khai sinh ra Sư đoàn 3 Sao vàng anh hùng với những chiến công hiển hách. Hoài Ân là huyện trung du, miền núi được bao bọc bởi hai dòng sông Kim Sơn và An Lão cùng 22 hồ chứa nước, với thổ nhưỡng, khí hậu đặc biệt thích hợp để phát triển các loại cây trồng, nhất là cây ăn quả.
Hiện nay, huyện Hoài Ân đang chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng gia tăng giá trị; tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương. Với định hướng đúng đắn, bước đầu đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ; tạo ra sản phẩm hàng hóa gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Huyện đã tổ chức quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích trên 1.590ha; thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển một số loại cây trồng có thế mạnh của địa phương với nhiều mô hình được triển khai thực hiện; các tiến bộ khoa học được áp dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất.
Hằng năm, huyện Hoài Ân đã duy trì diện tích sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng trên 8.000ha lúa, trên 1.152ha ngô và rau màu các loại. Toàn huyện có hơn 3.120ha cây ăn quả với các loại cây chất lượng như: bưởi da xanh, dừa xiêm, bơ sáp, mít thái, quýt đường... Đặc biệt là bưởi da xanh và dừa xiêm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao (lợi nhuận trên 150 triệu đồng/ha/năm).
Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng là thế mạnh của huyện với thương hiệu heo Hoài Ân, gà ta thả vườn Hoài Ân. Trên địa bàn huyện có 5 trang trại chăn nuôi heo với quy mô lớn áp dụng công nghệ cao và 1.960 trang trại quy mô vừa và nhỏ. Hiện nay, tổng đàn heo đạt 240.000 con; đàn trâu, bò đạt 24.900 con; đàn gia cầm đạt 693.000 con.
Với kết quả đạt được, giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp chiếm hơn 60% trong tổng cơ cấu giá trị kinh tế toàn huyện. Bên cạnh đó, các sản phẩm nông nghiệp huyện Hoài Ân được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, được phân phối thông qua các đại lý, cửa hàng trên nhiều tỉnh thành của cả nước.
 
Gian hàng nông sản thu hút nhiều khách hàng đến tham quan.
Gian hàng nông sản thu hút nhiều khách hàng đến tham quan.
Ngày Hội nông sản huyện Hoài Ân lần thứ I được tổ chức là hoạt động thiết thực, tôn vinh những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện nhà; giới thiệu, quảng bá những sản phẩm an toàn, chất lượng đến các doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng; giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh để thu hút các nhà đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng thời, Ngày hội cũng là nơi hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm và xúc tiến các hoạt động thương mại, tăng cường kết nối chặt chẽ giữa 4 nhà “Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học” trong việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân và cũng là hoạt động tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân; thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa nông dân cùng gặp gỡ để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong canh tác, sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ những mặt hàng trái cây, nông sản đảm bảo chất lượng và an toàn; là nơi kết nối giao thương, tạo điều kiện để doanh nghiệp, doanh nhân với nông dân cùng hợp tác, liên doanh, liên kết trong chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt là giới thiệu và đưa các sản phẩm an toàn đặc trưng, các sản phẩm có nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc, sản phẩm được công nhận OCOP trong huyện tới đông đảo người tiêu dùng.
Trong khuôn khổ chương trình, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và các doanh nghiệp nông nghiệp đã tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của huyện Hoài Ân như trang trại chăn nuôi bò thịt vỗ béo của ông Trần Văn Hướng (thôn Thế Thạnh 2, xã Ân Thạnh), mô hình nuôi chim trĩ và ong dú của ông Tô Vũ Thành Tín (thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín), mô hình vườn tổng hợp của ông Đặng Văn Cấp (thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông)...
Theo CÁT HÙNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm