Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Khai quật tàu cổ tại biển Dung Quất: Tốn chục tỷ nhưng thu được gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khoảng 10.000 tiêu bản gốm sứ (sản xuất trong giai đoạn thời Minh từ năm 1573 - 1620) thu được sau nhiều tháng khai quật con tàu đắm cổ tại vùng biển KKT Dung Quất với kinh phí hàng chục tỷ đồng, đa số đã nứt bể. Còn xác tàu cổ chỉ còn là những mảnh vỡ, nên không thể phục dựng như dự định ban đầu. Vì vậy, tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) kiến nghị kết thúc khai quật con tàu này.
Trưa 31/7, trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Đình Độ - Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa - Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi xác nhận: "UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Bộ VHTTDL kiến nghị kết thúc khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất, giao trả lại mặt bằng cho Công ty Hào  Hưng".
 
 
Sau nhiều tháng thực hiện khai quật tàu cổ đắm tại KKT Dung Quất, đại đa số các hiện vật bằng gốm thu đều bị bể vỡ.
Cũng trong văn bản kiến nghị trên (số 3500/UBND-KGVX, ngày 24/6/2019), chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ VHTTDL chỉ đạo cơ quan chủ trì khai quật là Bảo tàng Lịch sử quốc gia thanh toán kinh phí bảo vệ cho lực lượng công an, biên phòng; thực hiện vận chuyển, phân loại, bảo quản hiện vật theo phương án đã được phê  duyệt trước đó.
Qua tìm hiểu, sau nhiều tháng tổ chức khai quật với tổng số kinh phí tiêu tốn hàng chục tỷ đồng, nhưng kết quả thu được không như dự tính trước đó. Cụ thể trong số khoảng 10.000 tiêu bản gốm sứ (sản xuất trong giai đoạn thời Minh từ năm 1573 - 1620) như chén, dĩa, bãi, lọ... thu được, đại đa số đã bể thành từng mảnh, nên chỉ có giá trị về mặt nghiên cứu khoa học. Còn đối với xác tàu, phần thu cũng chỉ là những mảnh gỗ vỡ, đinh sắt..., nên không thể phục dựng như dự định ban đầu.
Trả lời câu hỏi: "Việc khảo sát trước đó thế nào mà kinh phí bố trí để khai quật lên đến 50 tỷ đồng, nhưng hiện vật nguyên vẹn thu được lại quá ít, chủ yếu chỉ là các mảnh vỡ của gốm sứ?", ông Độ bày tỏ: "Kết quả thu được trong quá trình khai quật đúng là không như dự tính. Tuy nhiên, chủ trì là Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Bộ VHTTDL, còn chúng tôi chỉ là một thành viên thực hiện hỗ trợ cho công tác khai quật. Vì vậy, Sở không thể đánh giá để có thể trả lời cụ thể câu hỏi này".
 
 
(Ảnh minh họa đồ gốm vỡ).
 
Dù chi phí khai quật hàng chục tỷ đồng, nhưng kết quả thu được đại đa số chỉ là mảnh đồ gốm vỡ.
Riêng về khoản kinh phí khai quật 50 tỷ đồng, theo ông Độ, số tiền trên do TƯ cấp và không giải ngân một lần, mà theo tiến độ của từng giai đoạn. Tuy nhiên, theo ông Độ, vì sở chỉ là thành viên, nên việc nắm, sử dụng thuộc thẩm quyền của đơn vị chủ trì là Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Như đã phản ánh vào tháng 7/2017, trong lúc thi công nạo vét cảng biển tại KKT Dung Quất (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), một số công nhân Công ty TNHH Hào Hưng phát hiện tàu cổ đắm trên nằm cách bờ khoảng 7m, ở độ sâu khoảng 9m, thuộc địa phận thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận.
 
Quang cảnh buổi lễ khởi công khai quật vào tháng 7/2018, trước sự chứng kiến của đông đảo các nhà nghiên cứu, khảo cổ học trong nước.
Qua kiểm tra, các cán bộ chuyên môn đã phát hiện nhiều cổ vật gốm sứ có niên đại từ thế kỷ XVI. Theo đó, Bộ VHTTDL đã giao trách nhiệm cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi phối hợp tổ chức khai quật với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TƯ cấp. Sau khi hoàn tất các thủ tục, đến giữa tháng 7/2018, Bảo tàng Lịch sử quốc gia chính thức tổ chức thực hiện với tổng diện tích khai quật là 800m2.
Công Xuân (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm